Cô giáoToàn của những người bạn Lào

Thứ bảy, 21/01/2023 22:25
Cô Tạ Thị Toàn, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nói cái duyên với đất nước, con người Lào nó đã vận trúng mình thì trước sau cũng tự tìm đến.
Sinh viên Lào đang học tại Đà Nẵng tranh thủ lúc cô Toàn về nước đến học thêm môn Tiếng Việt.
Lưu học sinh Lào tại Đà Nẵng xem cô Toàn như người mẹ; cô cũng yêu thương họ như người nhà của mình.

Tự học tiếng Lào để dạy tiếng Việt

Cơ duyên gắn kết cô với đất nước, con người xứ sở Triệu Voi xuất phát từ “cái khó ló cái khôn” trong việc tìm người giảng dạy môn Tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) Lào cách đây mười mấy năm trước.

Một ngày cô đang đi công tác miền Nam thì lãnh đạo khoa gọi, thông báo phân nhiệm vụ cho cô giảng dạy môn Tiếng Việt cho sinh viên (SV) Lào đang học năm đầu ở các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. “Tôi quáng gà hỏi, khoa có nhiều người trẻ năng động sao lại phân cho tôi? Chương trình đâu, giáo án đâu mà dạy? Hợp tác đào tạo nhân lực cho nước bạn không phải cứ nói làm một cách dễ dãi được. Lãnh đạo khoa nói “chọn mặt gửi vàng”, mọi thứ đã chuẩn bị hết rồi”. Nhưng về tới nhà thì thầy Phó Chủ nhiệm khoa kéo lại nói nhỏ “chị nhận nhiệm vụ này đi, rồi ta cùng xây dựng chương trình giúp bạn, chứ hiện chưa có giáo án nào cả!”.

Một lớp học Tiếng Việt mà cô Toàn phụ trách tại Lào.

Thế là, nữ giảng viên có thâm niên dạy Tiếng Việt hơn 30 năm, sắp đến ngày về hưu lại lọ mọ tự học tiếng Lào để giao tiếp với SV. Người ta trẻ đi học ngoại ngữ để làm cơ sở học chuyên ngành, còn mình già rồi tự học tiếng nước họ để dạy... tiếng nước mình, nhiệm vụ khó như lên trời! Vậy mà ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, trước hàng trăm LHS đến từ đất nước Triệu Voi, cô Toàn “khai cuộc” bằng những câu tiếng Lào chỉn chu khiến giảng đường râm ran, các bạn trẻ hết sức thích thú. Bắt đầu từ ĐH Kinh tế, chương trình giảng dạy tiếng Việt cho SV Lào được tiếp tục ở ĐH Sư phạm, ĐH Kiến trúc..., ở đâu LHS Lào cũng thấy cô giáo Toàn lên giảng đường một cách say mê, thân thiện và trách nhiệm. “Dạy tiếng Việt chuyên sâu không khó, nhưng dạy cơ bản cho người nước ngoài thì không phải là đơn giản. May mắn nhất của tôi là đã trót yêu nước Lào như duyên nợ. Khi biết được tiếng nước bạn thì mình dạy tiếng Việt thuận lợi hơn nhiều. Không chỉ nghe, nói, đọc, viết, mà còn là văn hóa” - cô Toàn tâm sự.

Cũng vì sở hữu khả năng song ngữ Việt - Lào, lại có nghiệp vụ sư phạm thuộc dạng hàng hiếm, năm 2007, cô Toàn được TP Đà Nẵng tin tưởng cử sang giảng dạy tại các Trung tâm tiếng Việt thuộc các tỉnh Champasak, Savannakhet... theo chương trình hỗ trợ đào tạo nhân lực của Đà Nẵng cho các địa phương Nam Lào. Thường sắp đến tuổi về hưu, người ta ngại đi xa. Nhưng mỗi lần vượt dãy Trường Sơn để đến với những vùng đất còn rất nghèo khó ấy, cô như trở lại tuổi thanh xuân đi gieo hạt của thời thanh niên sôi nổi. Nhìn những SV, những cán bộ nước bạn cẩn thận viết từng nét chữ tiếng Việt, nghe những câu hỏi đi đến tận cùng văn hóa Việt, cô thấy quý trọng, thương yêu và xúc động vô cùng.

Học viên tại Trung tâm Tiếng Việt tỉnh Salavan chúc mừng cô Toàn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tôi đã “buộc chỉ cổ tay”

rồi Mỗi tỉnh Nam Lào đều có một Trung tâm Tiếng Việt. Đó là nơi bồi dưỡng tiếng Việt cho cán bộ, SV địa phương trước khi theo học các chương trình giáo dục tại Việt Nam. Cô Toàn đã đến, gắn bó với hầu hết các trung tâm ở Sekong, Attapeu, Salavan, Champasak, Savannakhet... từ năm 2012 đến giờ. Cán bộ, công chức, SV Lào đã quen với hình ảnh “Mẹ Toàn” tự đi chợ, nấu nướng, chuẩn bị giáo án lên lớp mỗi ngày hay tham gia những lễ hội văn hóa như một phụ nữ Lào chính hiệu.

Mười năm qua, kể từ ngày nghỉ hưu, có những năm cô Toàn đi gieo tiếng Việt trên đất Lào nhiều hơn ở nhà. Các chương trình đào tạo, các dự án hợp tác và cả những lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho trẻ em, thanh niên Lào do cô lập ra đã cuốn cô vào guồng say mê không dứt ra được. Ngày đầu vượt Trường Sơn đi xa nhớ nhà bao nhiêu thì giờ đây, mỗi lần buộc chỉ cổ tay để tạm biệt về nước, cô cứ bịn rịn muốn ôm ghì lấy những ánh mắt đầy yêu thương, như sắp phải xa nhà. “Lễ Sù khoắn, với tục buộc chỉ cổ tay thể hiện cho lòng yêu mến khách của người dân Lào đối với bạn bè. Mỗi lần đưa tay lên để được buộc chỉ trước khi lên xe đò chạy xuyên núi rừng hùng vĩ về quê hương, tôi như nợ đất nước Lào, nợ con người Lào thủy chung”.

Anh Chanthavisouk, cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Salavan, hiện đang học Tiến sĩ tại khoa Tin, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho biết, từ năm 2003 anh đã sang học ĐH rồi sau đó học tiếp Thạc sĩ và giờ là nghiên cứu sinh. Với anh và cộng đồng LHS Lào, cô Toàn không chỉ là một giáo viên dạy ngoại ngữ mà như một người thân trong nhà. Còn Mimee - cô SV năm nhất khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì cho rằng, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ phong phú và khó học nhất thế giới, nhưng cô Toàn đã biến việc này trở nên đơn giản, dễ tiếp thu bằng những câu chuyện ngoài sách vở, đó là tình yêu thương chân thành dành cho họ. “Khi chúng tôi chưa hiểu rõ nghĩa tiếng Việt, cô lại sử dụng tiếng Lào để giải nghĩa, so sánh. Cô nói tự học tiếng Lào là vì yêu đất nước chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi học tiếng Việt cũng bằng tình cảm của mình”, Mimee ôm lấy cô Toàn thổ lộ.

Sinh viên Lào đang học tại Đà Nẵng tranh thủ lúc cô Toàn về nước đến học thêm môn Tiếng Việt.

Mỗi lần cô Toàn về nước, SV Lào đang học tại Đà Nẵng tranh thủ đến nhà cô (tổ 28, P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) học thêm môn Tiếng Việt. Chồng cô là sĩ quan nghỉ hưu, từng có thời gian công tác trên đất Lào nên việc cô đón SV nước bạn về nhà ở trong thời gian thực tập hoặc chương trình “Người mẹ thứ hai” càng trở nên ấm cúng... Hỏi đã ngoài 60, bạn bè đồng nghiệp đã nghỉ ngơi, vui thú tuổi già cùng con cháu, sao cô cứ đi miết, cô Toàn cười hiền: “Tôi buộc chỉ cổ tay rồi, không sao dứt ra được! Cả chục năm đi về như vậy nó sâu đậm, máu thịt lúc nào không hay. Tôi chưa bao giờ hết yêu thương nước bạn Lào”.