Có hay không chuyện ngăn sông cấm chợ ở Đại Lộc?

Thứ bảy, 05/04/2014 11:59

(Cadn.com.vn) - Năm 2014, gặp thuận lợi về thời tiết, hàng trăm héc-ta thơm tại Quảng Nam được mùa đang vào kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, cũng như các loại nông sản khác, chưa kịp vui với chuyện được mùa người nông dân phải đối mặt với sản phẩm của mình bị... rớt giá.

Phập phồng rớt giá

Chị Nguyễn Thị Huệ, trú Hội Khách Tây, Đại Sơn, Đại Lộc, Quảng Nam tâm sự: Gần 1 ha thơm của gia đình cho trái lớn, đều đặn nhưng vẫn rất lo vì giá cả rất thất thường. Đầu vụ (đầu tháng 2 âm lịch), giá khoảng 10.000 đồng/quả nay chỉ còn 5.000 đồng đến 7.000 đồng/quả, nhiều lúc giá còn thấp hơn thế nữa. Nếu tính toán hết công sức, phân bón đầu tư thì giá như vậy người nông dân sẽ bị lỗ từ 2 đến 4 triệu đồng/ha. Cũng theo chị N.T.H, trú Đại Hòa, Đại Lộc-người chuyên thu mua thơm, cho biết: Vì đây là hàng nông sản, mang tính rủi ro cao nên giá cả thu mua tùy thuộc hoàn toàn quá trình tiêu thụ của thị trường. Nếu tiêu thụ nhanh, giá thu mua sẽ cao hơn...

Tương tự, ông Phan Văn C., trú Hòa Hữu Tây, Đại Hồng cho biết: Kinh tế của gia đình dựa vào nguồn thu nhập từ hơn 2 ha thơm nhưng xem ra việc tiêu thụ rất khó khăn bởi giá cả không được như mọi năm. Nhiều rẫy thơm đã chín vàng song một số nông dân chưa chịu thu hoạch vì đang... chờ giá. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn tỉnh Quảng Nam có gần 1.000 ha thơm, phân bổ chủ yếu ở các xã trung du thuộc các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Phú Ninh... hiện đang vào vụ thu hoạch chính.

So với mọi năm, thơm năm nay do được thâm canh nên trái lớn, chất lượng cao. Nếu được giá, người nông dân sẽ lãi từ 7 đến 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, do không có sự điều phối của các cơ quan chức năng nên giá cả đầu ra tùy thuộc tất cả vào thương lái. Khi biết thơm đang chín rộ, buộc nông dân phải thu hoạch, thương lái sẽ đưa ra nhiều lý do khác nhau để ép giá. Do thơm là hàng nông sản dễ bị ôi, thối nên phải bóp bụng bán để thu hồi vốn.

Năm 2013, mỗi xe thơm phải đóng 1,5 triệu đồng lệ phí.

Bất lợi

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, một nguyên nhân khác làm cho giá thơm trong những ngày qua tại các xã Đại Sơn, Đại Hồng rớt giá là do dư luận đang rộ lên tin đồn trong ngày 7-4, các cơ quan chức năng tại xã Đại Sơn và H. Đại Lộc tổ chức đóng gác chắn, không cho xe tải vào rừng chở nông sản. Bà Nguyễn Thị Tùng, trú Hội Khách Đông, Đại Sơn trình bày: Mấy ngày qua, cả gia đình mất ăn, mất ngủ vì thông tin đến ngày 7-4, UBND xã Đại Sơn sẽ tổ chức đóng gác chắn, cấm xe tải vào rừng chở thơm cho nông dân. Vì, gia đình có gần 3 ha thơm đang thu hoạch cách QL14B khoảng 5km, nếu không có xe vận chuyển thì đành phải bỏ tại rừng, xem như công sức, tiền của bỏ ra trong 2 năm qua phải mất trắng. Để vớt vát, gia đình phải gọi cậu con trai đang học đại học tại Đà Nẵng về lo thu hoạch thơm...

Xã, thôn không có quyền

Có hay không việc cấm xe tải vào rừng chở thơm cho nông dân, trao đổi cùng ông Hồ Viết Xiêm - trưởng thôn Tân Đợi và cán bộ UBND xã Đại Sơn, chúng tôi được biết: Năm 2013, Ban Dân chính có thu lệ phí của 7 chủ xe, với số tiền 1,5 triệu đồng/xe làm quỹ thôn nhưng năm 2014 chưa thu được đồng nào. Với chức năng của xã, thôn không có quyền cấm các xe tải vào rừng chở thơm cho người dân. Tuy nhiên, lợi dụng việc xe tải chở thơm, một số lâm tặc đã tổ chức khai thác gỗ, nhờ xe vận chuyển đi tiêu thụ làm cho rừng khu vực Khe Hoa bị cạn kiệt. Để ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép, UBND xã đã báo cáo cho cơ quan cấp trên có biện pháp ngăn chặn... Như vậy, hoàn toàn không có việc ngày 7-4-2014 UBND xã Đại Sơn sẽ cấm, không cho xe tải vào rừng chở nông sản của người dân như đồn đại hiện nay.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thủy, trú Hòa Hữu Tây, Đại Hồng trình bày: Trước thông tin như vậy, nhiều ngày qua, gia đình bà Thủy cùng một số hộ nông dân trồng thơm đã tổ chức thu hoạch theo kiểu “tận thu”, cả thơm chưa chín cũng thu hoạch, vì sợ đến ngày 7-4 khi UBND Đại Sơn cấm xe tải vào rừng sẽ không thể vận chuyển được... Tìm hiểu về thông tin trên, chúng tôi được bà Trà Thị Bàn - chủ kinh doanh vận tải, trú thôn Tân Đợi, Đại Sơn, cho biết: Những năm trước đây, khi phương tiện vào rừng chở thơm cho nông dân đều phải đóng lệ phí cho Ban Dân chính thôn Tân Đợi nhưng không có phiếu thu.

Cụ thể, năm 2013, phải đóng 1,5 triệu đồng/xe/mùa (từ khi thu hoạch đến khi hết thơm-nv). Năm 2014, Ban Dân chính thôn Tân Đợi yêu cầu nâng mức lệ phí lên 3 triệu đồng/xe. Bức xúc trước việc “tăng giá” này chủ các xe không chịu đóng nên họ dọa sẽ làm gác chắn, không cho xe vào rừng vận chuyển thơm. Cũng chính việc nâng mức lệ phí này buộc mỗi quả thơm phải “gánh” một khoản tiền không nhỏ, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.

Như vậy, để làm ra một trái thơm, người nông dân phải cực khổ đầu tư, chăm sóc trong 2 năm ròng rã. Niềm vui được mùa chưa trọn vẹn, họ phải phập phồng lo âu về sức tiêu thụ của thị trường, đại lý thu mua ép giá, lệ phí thôn... làm rớt giá. Mong các cơ quan chức năng sớm có những biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nông dân thoát khỏi những lo âu nói trên, yên tâm sản xuất...

M.T