Có hay không độc tố và ô nhiễm nguồn nước do nuôi hàu bằng lốp xe?

Thứ hai, 18/04/2016 10:01

(Cadn.com.vn) - Nhiều người lâu nay vốn có sở thích ăn đặc sản hàu Lăng Cô đang lo âu sợ rước bệnh khi nghe thông tin ngư dân nuôi hàu thương phẩm ở vùng đầm Lập An (TT Lăng Cô, H. Phú Lộc, TT-Huế) sử dụng lốp xe cũ làm giá thể nuôi. Vùng này là nơi cung cấp hàu cho nhiều nhà hàng, quán ăn ở Đà Nẵng, TT-Huế… Bên cạnh đó, từ ngày 15-4, hàng trăm lồng cá nuôi ở vùng đầm Lập An bỗng dưng chết trắng. Nhiều người cho rằng do môi trường nước ở vùng này bị ô nhiễm mà "thủ phạm" là nuôi hàu bằng lốp cao su.

Nuôi hàu bằng lốp cao su

Thời gian gần đây, tình trạng ngư dân ở TT Lăng Cô sử dụng lốp xe máy, xe đạp đã qua sử dụng để nuôi hàu ở đầm Lập An lại xuất hiện rầm rộ. Thông tin này khiến người tiêu dùng vô cùng lo sợ bởi nhiều ý kiến cho rằng món ăn giàu chất dinh dưỡng này có khả năng nhiễm chất độc từ lốp xe cao su cũ. Giữa tháng 4-2016, dưới cái nắng gắt gao, có mặt tại đầm Lập An (thuộc quần thể vịnh Lăng Cô) có hơn chục cái lán được dựng lên bên đường để tiện cho việc mua bán hàu. Một người đàn ông khoảng 50 tuổi trên vai đeo hàng chục lốp xe bám đầy hàu vừa vào bờ đã nhanh tay gỡ hàu từ lốp xe ra. Một số sản lượng được đóng thùng xốp đem đi nơi khác tiêu thụ; số còn lại được chủ vựa thuê người lao động tách lấy thịt, ngâm vào chậu nước bán cho du khách và các nhà hàng, quán ăn, người dân trong vùng.

Toàn bộ số lốp xe sau khi được "gọt" sạch hàu được đem phơi cạnh đầm này để đợi nuôi lứa hàu mới. Theo lời kể của người đàn ông này, trước đây, người dân trong vùng thường dùng cọc gỗ truyền thống để nuôi hàu thương phẩm. Hàu sẽ bám vào các cọc gỗ này để sinh sống và lớn dần. Tuy nhiên, với cách nuôi này thì chi phí đầu tư nhiều hơn và mỗi lần thu hoạch thì tốn kém nhiều thời gian hơn. "Vì thế, sau này, người dân trong vùng đều sử dụng những lốp xe cũ để nuôi hàu. Đến khi thu hoạch, chỉ cần đưa các lốp xe lên bờ, rồi gỡ hàu ra; rất thuận tiện vừa tiết kiệm chi phí vừa tiết kiệm thời gian"- người đàn ông phân tích.

Sau khi gỡ hàu ra, lốp cao su cũ được phơi tràn ra đường đầm Lập An
để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.

Theo chị H., một chủ vựa hàu ở đầm Lập An, thì hàu chưa tách vỏ có giá 20 ngàn đồng/kg, còn hàu tách lấy thịt thì có giá 70 ngàn đồng/kg. So với giá hàu ở các nơi khác thì hàu ở Lăng Cô có giá rẻ hơn, vì vậy, nhiều người tìm đến đây mua. Chị H. cho biết, hàng của chị được bán khắp nơi nhưng nhiều nhất là bạn hàng ở Đà Nẵng, TP Huế. Có ngày cao điểm, chị H. bán gần 1 tấn hàu ra thị trường. Khi được hỏi, liệu nuôi hàu bằng lốp xe ăn vào có độc không thì chị H nói rằng: "Em lo chi, nhà chị nuôi hàu đã lâu năm rồi mà ăn hoài có ai bị chi mô. Người dân ở đây ai cũng ăn mà không thấy bệnh tật chi cả".

Trao đổi về việc ngư dân sử dụng vỏ lốp xe cũ thả xuống đáy nước làm giá thể nuôi hàu thương phẩm, một giảng viên Trường Đại học Nông lâm Huế phân tích rằng, thành phần chính của lốp xe là cao su, nếu là cao su tái chế sẽ chứa nhiều độc tố do tồn dư từ các phế thải cao su và một phần được hình thành trong quá trình tái chế. Ngoài ra, trong quá trình làm tăng độ bền của lốp xe, người ta thường dùng bột lưu huỳnh để lưu hóa, lúc này sản sinh ra một số chất độc tố... Nếu ngâm trong nước lâu ngày lốp sẽ phân hủy tạo ra các chất lưu huỳnh, carbon đen và các chất độc trên gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các loại thủy sinh. Nếu nhiễm độc cấp tính các chất như lưu huỳnh ban đầu chỉ đau đầu, chóng mặt nhưng nếu tích tụ lâu ngày sẽ phá hủy hệ tiêu hóa, hệ thần kinh. "Khi người dân nuôi hàu bằng lốp xe cũ với một lượng lớn như vậy, cơ quan chức năng cần lấy mẫu kiểm nghiệm để người tiêu dùng yên tâm".

Tách hàu lấy thịt để bỏ cho các nhà hàng, quán ăn.

Cá chết bất thường

Mấy ngày gần đây, hàng chục hộ nuôi cá hồng, cá bớp, cá dìa... ở đầm Lập An (TT Lăng Cô) "đứng ngồi không yên" khi cá bỗng dưng chết trắng lồng. Ông Mai Văn Xỉ, Phó phòng NN&PTNT H. Phú Lộc, cho biết: Ở vùng đầm Lập An, cá nuôi bắt đầu chết đại trà từ hôm 15-4 khi thời điểm Huế xuất hiện đợt nắng nóng dữ dội nhất kể từ đầu năm đến nay. Hiện, có trên 1 tấn cá từ 50 lồng nuôi của gần 60 hộ ở TDP An Cư Đông 1 và 2 bị chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trước tình hình này, nhiều ngư dân đã bán vội số cá còn lại và "tận thu" lượng cá đã chết để vớt vát phần nào chi phí đầu tư, công chăm sóc. Ông Thọ, một ngư dân chuyên nuôi cá lồng cạnh cầu Lăng Cô buồn bã, nói: "Đêm hôm trước, cá nuôi trong lồng vẫn bình thường. Vậy mà sáng ra, gần 2.000 con cá nuôi hơn 1 năm tuổi đột ngột chết trắng lồng. Bây giờ, số cá chết này chỉ bán đổ bán tháo cho heo ăn, được đồng nào hay đồng đó".

Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, cá nuôi chết hàng loạt tại Lăng Cô là do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng và sốc chênh lệch độ mặn - ngọt đột ngột. Nguồn nước đầm Lập An bị ô nhiễm trong mùa nắng nóng cũng có thể là nguyên nhân làm cá chết. "Đầm Lập An đang "gánh" hàng trăm ngàn vỏ lốp cao su cũ do ngư dân thả xuống đáy nước làm giá thể nuôi hàu thương phẩm nhiều năm nay khiến cho môi trường nước ô nhiễm nghiêm trọng"- một hộ có cá chết bức xúc.

Ngày 15-4, ngành chuyên môn và UBND H. Phú Lộc kiểm tra thực địa việc nuôi hàu bằng vỏ xe cũ ở đầm Lập An. Tại đây, cơ quan chuyên môn đã lấy các mẫu liên quan như: nguồn nước, vỏ xe cũ người dân dùng nuôi hàu, mẫu phẩm cá chết... để kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân. Ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND H. Phú Lộc cho biết, huyện phải chờ kết quả kiểm nghiệm từ cơ quan chức năng, sau đó mới có hướng xử lý. Thông tin nuôi hàu bằng lốp xe cũ ở đầm Lập An là chính xác, việc người dân lo ngại khi ăn loại đặc sản này là có cơ sở. Thiết nghĩ rằng, sau khi có kết quả kiểm nghiệm thì cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần sớm công bố việc ăn hàu nuôi bằng lốp cao su có độc tố hay không để người tiêu dùng an tâm.

H.Lan