Có hay không nước nhiễm dioxin thải ra môi trường?
(Cadn.com.vn) - Xung quanh Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, một số hộ dân sinh sống gần đó phản ánh nhà thầu đã thi công sai đồ án thiết kế xử lý, xả nước nhiễm dioxin thẳng ra môi trường không qua xử lý, đầu độc người dân TP. Vậy thực hư vấn đề này là gì?
Những phản ánh chấn động
Thời gian qua, Báo Công an TP Đà Nẵng nhận được phản ánh của một số hộ dân sinh sống gần tường rào sân bay Đà Nẵng, sát với phạm vi công trường xử lý dioxin, cho rằng nhà thầu tiến hành dự án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường.
Theo phản ánh của người dân, việc thi công không được phép bơm nước trực tiếp ra khỏi phạm vi thi công mà phải được xử lý và kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi của dự án. Tuy nhiên, nhà thầu đã thay đổi biện pháp thi công này bằng cách bơm thẳng nước ra hệ thống cống của thành phố mà không có biện pháp kiểm soát, làm chất độc dioxin đã lan ra trong các đường cống của thành phố và hồ Công viên 29-3 (?). Để chứng minh điều này, người dân đã đưa ra một clip dài gần 30 phút quay lại cảnh nước được bơm trực tiếp từ trong hồ khu vực nạo vét đất bùn xử lý dioxin vào cống ngang đường mương vành đai sân bay.
Triển khai xử lý nhiễm dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. |
Bằng một bản vẽ chi tiết hóa, người dân phản ánh rằng tuyến thoát nước từ bàu sen trong sân bay có điểm đầu nối với mương hộp (2,4x2m) thông nhau với hồ 29-3. Mặt khác cống ngang qua đường được nối trực tiếp với mương hộp (5,4x2m) chạy cắt ngang qua bên kia đường Điện Biên Phủ rồi chia làm hai nhánh: nhánh 1 chạy theo đường Lê Độ xả ra biển; nhánh 2 chạy vòng lên xả ra kênh Phú Lộc. Theo người dân phản ánh thì vào những ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ nhà thầu đã lợi dụng để xả nước và nghi ngờ một lượng lớn đất bùn được bơm theo dòng nước vào hệ thống của thành phố. Họ cho rằng cách làm này của nhà thầu nhằm trục lợi về kinh tế đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh nghi vấn về việc thải trực tiếp nước nhiễm dioxin ra môi trường, người dân còn phản ánh việc nhà thầu đã không theo thiết kế khi đào vét khu vực nhiễm dioxin. Cụ thể, theo thiết kế, trước khi tiến hành đào vét các khu vực thấp cần hạ mực nước ngầm xuống dưới mặt đất tự nhiên 60cm, để tránh việc phát tán thêm chất độc xuống sâu và khu vực lân cận trong quá trình đào. Tuy nhiên nhà thầu đã không làm theo thiết kế.
Quy trình xử lý thế nào?
Ngay sau phản ánh của người dân, chúng tôi tiến hành tìm hiểu về quá trình thực hiện dự án và được biết: Dự án xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng nhằm tẩy sạch dioxin và qua đó loại bỏ nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho cộng đồng xung quanh.
Dự án được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng (Việt Nam) phối hợp thực hiện sau khi được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Quốc phòng- Quân chủng Phòng không Không quân là chủ dự án, chịu trách nhiệm đảm bảo dự án đáp ứng mọi quy định và luật của Việt Nam về bảo vệ môi trường. USAID là cơ quan thực hiện, chịu trách nhiệm tìm kiếm các nhà thầu thực hiện thi công, gồm: nhà thầu đào xúc và thi công Tetra Tech; nhà thầu quản lý thi công CDM Smith và nhà thầu xử lý khử hấp thu nhiệt Terra Therm. Các nhà thầu được chọn đã hoàn thành hơn 3.000 dự án xử lý, bao gồm các dự án tại hơn 50 căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ và Châu Âu.
Toàn bộ đất nhiễm dioxin được đảm bảo đào vét hết đưa vào hệ thống lò đốt. |
Theo quy trình xử lý của dự án, vấn đề sức khỏe, an toàn của công nhân, cư dân địa phương là quan tâm hàng đầu. Với bùn đất ô nhiễm phải áp dụng các biện pháp tốt nhất để đảm bảo không bị phát tán bùn đất nhiễm dioxin ra ngoài khu vực dự án. Chẳng hạn như việc lắp đặt hàng rào chắn bùn để giữ lại đất/bùn trong nước rửa trôi; làm sạch tất cả xe cộ, thiết bị và nhân công trước khi di chuyển từ khu vực nhiễm dioxin đến khu vực sạch; vào mùa mưa thì giảm thiểu tối đa các hoạt động thi công. Hoặc với bụi ô nhiễm, đơn vị thi công tiến hành thường xuyên các biện pháp như theo dõi tốc độ gió, phun nước khử bụi, che đậy đất trên xe tải trong khi vận chuyển đồng thời tiến hành quan trắc bụi và lấy mẫu khí tại các khu vực đào đất để đảm bảo rằng bụi không phát tán ra ngoài khu vực dự án.
Đặc biệt với nước thải, toàn bộ nước thải phát sinh từ các hoạt động xử lý sẽ được thu gom, lấy mẫu và xử lý nếu cần trước khi cho chảy ra khỏi khu vực của dự án. Trước khi tiến hành bơm nước ra khỏi khu vực dự án, đơn vị thi công đều phải tiến hành quan trắc, đảm bảo nguồn nước an toàn trong giới hạn cho phép thì mới đưa ra.
Nồng độ dioxin trong bùn đất ở sân bay Đà Nẵng cao hơn nhiều lần cho phép vì thế toàn bộ đất bùn ở 2 "điểm nóng" trong sân bay (khoảng 73 ngàn mét khối) sẽ được đào vét đưa vào lò đốt. Việc đào vét được đảm bảo thực hiện cho đến khi không còn bùn đất nhiễm dioxin cao. Dự kiến 95% dioxin sẽ bị phân hủy trong lò. Đất sạch sau khi đốt sẽ được san lấp trả lại mặt bằng trong sân bay.
Như vậy mục đích lớn nhất của dự án nhằm trả lại môi trường sạch cho sân bay Đà Nẵng; các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu khi thi công; nguồn nước đều phải được quan trắc đảm bảo an toàn trước khi thải ra ngoài khu vực dự án; bùn đất nhiễm dioxin ở 2 "điểm nóng" được đảm bảo nạo vét hết cho vào lò xử lý.
Bài, ảnh: PV