Cơ hội cho các trường ĐH cải tổ chương trình đào tạo

Thứ năm, 24/11/2016 07:48

(Cadn.com.vn) - Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt (Quyết định 1982/QĐ-TTg), bậc đào tạo ĐH đã có sự thay đổi lớn khi thời gian đào tạo rút ngắn từ 4 -6 năm xuống còn 3 - 5 năm. Đây có thể xem là bước đi đúng đắn trong việc giúp cho hệ thống giáo dục đại ĐH tiệm cận với các chuẩn mực chung trên thế giới. 

 Theo TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, hiện nay việc đào tạo ĐH không còn cung cấp kiến thức cho sinh viên là chính như trước đây, mà đã hướng đến việc hướng dẫn sinh viên phát huy năng lực, phẩm chất. Vì thế, sinh viên không nhất thiết phải dành toàn bộ thời gian trên giảng đường, mà dành nhiều thời gian hơn để tự học có hướng dẫn, tự nghiên cứu, thảo luận... Mặt khác, việc các trường tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ cũng cho phép sinh viên xây dựng kế hoạch học tập linh hoạt hơn. Chương trình đào tạo cũng được thiết kế cô đọng hơn, chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cốt lõi, những quy luật chung nhất để trên cơ sở đó sinh viên có thể phát triển tư duy. Tất cả những yếu tố đó giúp rút ngắn được thời gian sinh viên lưu lại trường, nhưng kiến thức, kỹ năng mà sinh viên thu nhận được gia tăng.

Tiến sĩ Trần Đình Lý thống kê: Kể từ khi chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ đến nay, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có hơn 300 sinh viên tốt nghiệp với thời gian đào tạo là 3 năm và có khoảng 11% sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn. Điều đáng nói, tỉ lệ khá giỏi trong số này khá cao. Con số này chứng minh việc rút ngắn đào tạo đại học là hết sức hợp lý, có tính cạnh tranh tốt trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế.

Không chỉ cán bộ quản lý, giảng viên đồng tình với việc thay đổi thời gian đào tạo bậc đại học, nhiều sinh viên cũng cho rằng việc thay đổi này là xu thế tất yếu khi việc học của sinh viên hiện nay đã chủ động hơn trước rất nhiều. Nguyễn Phương Quý, sinh viên ngành Truyền thông Marketing, Trường ĐH Tài chính Marketing đang đăng ký học vượt một số môn, dự kiến tốt nghiệp ĐH trong 3,5 năm cho biết: “Đi học bây giờ theo tín chỉ nên số lượng môn học không quá nhiều trong tuần. Nhiều bạn trong lớp em vẫn sắp xếp được thời gian đi học, đi làm thêm. Chính vì vậy, nếu học đại học trong 3 năm, các bạn sẽ tập trung hơn, qua đó, các bạn có cơ hội đi làm sớm hơn. Sự thay đổi này là phù hợp khi tiết kiệm được thời gian cho chính sinh viên, tránh sự lãng phí với những kiến thức và thời gian không cần thiết nơi giảng đường”.

 Thẳng thắn nhìn nhận giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn nặng về tính lý thuyết nên sự chuyển hướng này theo TS Nguyễn Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TPHCM không gì khác ngoài việc khẳng định vai trò người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có việc làm ngay. Sự thay đổi này sẽ thúc đẩy việc chuyển phương thức đào tạo truyền thống sang hình thức đào tạo gắn với định hướng ứng dụng (tín chỉ) một cách mạnh mẽ hơn.

Theo GD&TĐ