Cơ hội để du lịch Đà Nẵng “kéo gần” thị trường Đông Nam Á

Thứ tư, 19/02/2020 16:04

Ngành du lịch Đà Nẵng đang bắt đầu khởi động chiến dịch phục hồi sau “cú sốc” Covid – 19. Ngoài việc truyền thông hình ảnh cho thị trường nội địa, Hội nghị cấp cao các nước ASEAN dự kiến sẽ được tổ chức trên “sân nhà” vào tháng 4 sắp tới được xem là một trong những cơ hội lớn để thành phố quảng bá thương hiệu điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn đối với thị trường Đông Nam Á.

Lãnh đạo Sở Du lịch tặng hoa đón đoàn khách Campuchia đến thành phố tại sự kiện khai trương đường bay Đà Nẵng – Phnom Penh.

Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, ASEAN là một trong những nhóm thị trường trọng điểm của ngành du lịch trong thời gian qua. Số liệu thống kê năm 2019 cho thấy, tỷ trọng khách quốc tế đến từ các nước Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng tương đối cao, dẫn dầu là Thái Lan với 213.549 lượt khách (6,11%), Malaysia  77.619 lượt (2,22%) và thị trường Singapore đạt 27.572 lượt (0,79%). Đây là các thị trường khách nằm trong nhóm ASEAN đạt top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng trong những năm gần đây. Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, ngoài 2 thị trường lớn truyền thống là Hàn Quốc và Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ các đơn vị liên quan trong thời gian qua đã đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu hình ảnh Đà Nẵng đến các thị trường chiến lược. Đối với thị trường gần là các nước Đông Nam Á, ngành du lịch đã đổi mới phương thức quảng bá như tham gia Hội chợ Travex, Hội chợ MATTA, Hội chợ ITB..., tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Thái Lan, Malaysia, Singapore... “Để khai thác một thị trường mới phải mất rất nhiều thời gian cho công tác xúc tiến. Nhưng đây là nhiệm vụ tất yếu để ngành du lịch đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc, hạn chế những rủi ro khi bị tác động bởi các yếu tố khách quan”, bà Hạnh cho hay.

Đoàn khách Malaysia đến Đà Nẵng dịp khai trương đường bay Đà Nẵng – Kuala Lumpur.

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, ngay khi Bộ Ngoại giao có kế hoạch chuẩn bị cho hội nghị thì ngành du lịch thành phố đã tranh thủ các kênh liên lạc để kết nối đồng thời xác định đây là điểm nhấn quan trọng của năm 2020. Thành phố cũng đã hỗ trợ thông tin, chỉ đạo, giao nhiệm vụ rất sát sao để các sản phẩm du lịch, điểm đến, tour tuyến mang thương hiệu Đà Nẵng quan chức, doanh nghiệp lữ hành, nhà báo đến từ các quốc gia Đông Nam Á tiếp cận được tối đa. Theo ông Dũng, thị trường ASEAN là hướng tiếp cận, khai thác của các doanh nghiệp trong nhiều năm qua, khi ngành du lịch dự báo khả năng bão hòa của các thị trường truyền thống. Hội nghị cấp cao các nước ASEAN là cơ hội “nhất cử lưỡng tiện”, vừa giới thiệu hình ảnh Việt Nam đồng thời các doanh nghiệp du lịch của cả nước, của địa phương gặp gỡ, làm việc trực tiếp với các đối tác. Phía Đà Nẵng, các đơn vị trong lĩnh vực khách sạn, vận chuyển, các điểm đến dù đang rất khó khăn nhưng sẵn sàng cùng nhau chia sẻ nguồn lực như tài trợ dịch vụ lưu trú, tham quan trải nhiệm để đại biểu hội nghị, các doanh nghiệp đến từ ASEAN, cơ quan truyền thông được mắt thấy tai nghe về môi trường du lịch thành phố. “Đây là lúc cộng đồng doanh nghiệp du lịch thể hiện vai trò của mình trong xây dựng hình ảnh. Cùng với các bộ ngành cấp trung ương và chính quyền địa phương, ngành du lịch cũng sẽ tham gia hỗ trợ dịch vụ để có thể sản phẩm của mình xuất hiện tại hội nghị cũng như mang lại trải nghiệm cho quan chức, đối tác. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để xúc tiến tại chỗ, giới thiệu điểm đến, kéo gần lại thị trường du lịch Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng”, ông Cao Trí Dũng đánh giá.

CÔNG KHANH