Cơ hội lập kỷ lục về xuất khẩu thủy sản
(Cadn.com.vn) - Bước vào năm 2014, các thị trường nhập khẩu thủy sản truyền thống như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia... đã rộng cửa hơn với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Riêng tại Đà Nẵng, nhiều DN đã tìm ra giải pháp để vươn lên. Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã vượt hơn 50% kế hoạch, nâng giá trị xuất khẩu lên hơn 90 triệu USD trong năm 2013 và đặt mục tiêu cao hơn trong năm nay. Cty Cổ phần XNK Thủy sản miền Trung – Đà Nẵng (Seaprodex) đặt mục tiêu trong năm 2014 đạt tổng doanh thu 1.400 tỷ đồng, kim ngạch XNK 57,50 triệu USD, trong đó xuất khẩu 30 triệu USD và nhập khẩu hơn 27,5 triệu USD.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, mục tiêu 6,7 tỷ USD xuất khẩu thủy sản trong năm 2014 của Việt Nam có phần “khiêm tốn”, mà đáng lẽ con số này phải 7,2 tỷ USD.
Mặc dù vậy, ông Lĩnh nhận định, nếu chỉ dựa theo phương thức từ trước đến nay như khai thác điều kiện tự nhiên và nhân công giá rẻ thì cùng lắm mỗi năm chỉ xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD. Do đó, trước mắt cũng như lâu dài, ngành thủy sản cần đầu tư mạnh để tăng giá trị gia tăng cũng như đáp ứng được nhu cầu của các thị trường khó tính, như Nhật Bản, EU.
Ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: B.T |
Khẳng định nguyên liệu là mấu chốt của vấn đề, ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Tổng giám đốc Cty CP XNK Thủy sản miền Trung – Đà Nẵng (Seaprodex) cho rằng, nguyên liệu chiếm hơn 80% giá trị sản phẩm. Trong khi, thủy sản Việt Nam luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu.
* Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, quý I-2014, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,61 tỷ USD, đây là dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2014. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ đang dẫn đầu của thủy sản xuất khẩu Việt Nam ở 4 mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ và cua ghẹ. |
Do đó, để phát triển bền vững Nhà nước cần xác định đây là ngành mũi nhọn và có đầu tư trọng tâm cho ngành này cũng như có các chính sách hỗ trợ DN. Trong lộ trình phát triển, trước mắt Nhà nước cần có hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, quản lý tốt về quy hoạch, kiểm soát chặt sản lượng, thời vụ thu hoạch, chất lượng chế biến, giá cả xuất khẩu.
Từ đó, tạo chuỗi liên kết hài hòa giữa người nuôi với DN chế biến; DN cung ứng thức ăn và ngân hàng tài trợ vốn thương mại. Đồng thời khuyến khích đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị xuất khẩu. Hơn nữa, cần có giải pháp để hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các DN trong nước với DN nước ngoài.
Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo về Năm DN 2014 với vai trò của mình, Sở Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ DN ổn định sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu... Nhờ đó, tình hình sản xuất kinh doanh và các hoạt động thương mại quý I giữ được mức tăng trưởng khá, sản xuất thủy sản chế biến tăng 7,4%.
Tuy nguyên liệu thủy sản thị trường vẫn còn khó khăn, song các DN xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng, thúc đẩy sản xuất thực hiện tốt các đơn hàng đã ký. Trong thời gian tới Sở tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất và những khó khăn, vướng mắc để đề xuất những biện pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất cho DN.
Nguyên Phương