KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV:

Có lỗi, sai sót trong biên soạn, thẩm định sách giáo khoa

Thứ năm, 05/11/2020 15:00

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 4-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế- xã hội (KT-XH); nhiều đại biểu nêu ý kiến về bất cập trong công tác biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và một số nội dung trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình tại phiên họp.

Làm rõ bất cập trong sách giáo khoa lớp Một

Đánh giá tốt về công tác xây dựng xã hội học tập, hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020 trong bối cảnh dịch bệnh, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương; một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo. Cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, xuống cấp, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức, chưa có giải pháp hữu hiệu. Việc đào tạo nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển KT-XH của đất nước…

Một hạn chế rất đáng quan tâm được các đại biểu nêu ra là việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp Một. Cho rằng không phải tự nhiên mà phần lớn xã hội bức xúc khi nhắc đến bộ sách giáo khoa lớp Một trong thời gian gần đây, các đại biểu nghi ngờ sách giáo khoa khi biên soạn đã bị "gọt đẽo" theo một hệ thống chưa hoàn thiện. Không riêng gì một cuốn sách mà cả 5 bộ sách đều bị các lỗi về biên soạn, về bản quyền, về ngữ liệu,...

Các đại biểu kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan có trách nhiệm trong việc bày tỏ thái độ, quan điểm đúng đắn; đứng về phía quyền lợi của người học, nhất là trẻ em; đảm bảo các quyền của trẻ em thông qua giảng dạy văn hóa, được bảo vệ và thực thi nghiêm túc; dành sự quan tâm trước hết cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Cùng với đó, có thể cân nhắc lùi thời gian để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt; làm rõ trách nhiệm của các bên.

Các lỗi, sai sót cần được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học

Giải trình về các ý kiến của đại biểu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ông đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về sách giáo khoa từ các nhà khoa học giáo dục, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, giáo viên, người dân bình thường, với tư cách là ông bà, cha mẹ của các cháu học lớp 1. Theo Phó Thủ tướng, kỳ họp Quốc hội nào cũng có một chủ đề liên quan đến giáo dục được cử tri và các đại biểu quan tâm, lần này là sách giáo khoa.

Luật Giáo dục sửa đổi đã quy định rõ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về sách giáo khoa và các khâu hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập Hội đồng và quy trình thẩm định, phê duyệt sách... Việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ, nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm. Trong các phiên họp gần đây, Chính phủ đều thảo luận về vấn đề sách giáo khoa. "Có thể nói, cuốn tiếng Việt của nhóm Cánh diều đã được Bộ thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn", Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cho rằng, lỗi này cần phải được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học. Báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã nhìn nhận có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ; trong đó trách nhiệm theo luật định thuộc về Bộ trưởng. Bộ đã có các bước chỉ đạo khá cương quyết, điển hình là thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Theo Phó Thủ tướng, những sai sót đó có thể tránh được và Bộ phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, nghiêm khắc, để trong quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, có rất nhiều việc Bộ GD-ĐT không thông tin kịp thời, không có sự trao đi đổi lại một cách cần thiết. Trước đây, ngành GD-ĐT duy trì một chương trình một bộ sách giáo khoa. Chương trình và sách giáo khoa này gần như không phân biệt và coi như bắt buộc. Nay, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa để phát huy sáng tạo, không độc quyền. Tuy nhiên, dù một bộ sách hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải bằng hoặc tốt hơn trước. Việc đó là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Bộ không thể hoàn thành được nếu không có sự đóng góp của đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục và đặc biệt là toàn thể nhân dân. Bộ GD-ĐT cần phải tận dụng công nghệ thông tin, công khai các bản thảo sách giáo khoa trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để lấy ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo viên và người dân. Những ý kiến đúng sẽ được tiếp thu chắt lọc, ý kiến chưa đúng cần có giải thích để tạo được sự đồng thuận. Nếu ngành GD-ĐT được quan tâm như hiện nay thì Việt Nam sẽ đổi mới giáo dục thành công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng trong phiên thảo luận ngày 4-11, một số ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của chỉ tiêu tăng 6% GDP và đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; giải pháp hỗ trợ, phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, giải bài toán về nợ xấu và bổ sung các chỉ tiêu môi trường chủ yếu…

T.P