Có mảnh vườn ươm vàng ký ức

Thứ ba, 12/04/2022 21:36
Chiến tranh đã lùi xa gần ½ thế kỷ nhưng làm sao có thể quên một dân tộc đã đi qua bao cuộc chiến khốc liệt gần suốt thế kỷ XX. Điều đó cho tôi sự đồng cảm về nghĩa tri ân, lòng trắc ẩn, ký ức một thời đã qua với những người thân yêu, với làng mạc bản quán quê mình khi đọc tản văn "Khói bay về trời" của Nhà báo Duy Hiển (NXB  Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành tháng 1-2022).
Bìa sách "Khói bay về trời".
Bìa sách "Khói bay về trời".

Tập tản văn chia làm hai phần, phần một có tên "Cảm xúc tháng bảy", phần hai "Hoa góc vườn". Phần một là các bài viết về hồi ức những năm tháng chiến tranh đầy bi tráng trên quê hương của chính tác giả, Quảng Nam, những câu chuyện một thời khắc sâu trong tâm khảm không dễ gì phai nhạt. Phần hai là những tản văn viết về những cảm xúc, suy tư, suy ngẫm mang tính thời sự với những điều tác giả bắt gặp hoặc bất chợt nhận ra trong cuộc sống hôm nay ở chính mảnh đất quê mình. Song điều dễ nhận thấy điểm tương đồng của tập tản văn là mạch nguồn cảm xúc của một tâm hồn văn chương mang "căn cước" đậm chất chân quê trước dòng đời biến chuyển. Góc nhìn của một nhà báo trước những sự thật trần trụi, thậm chí nhiều khi bất nhẫn cái gọi là quy luật cuộc đời, nhất là những số phận, những câu chuyện dù bắt gặp thoáng qua của thời hậu chiến. Dù chỉ bất chợt thôi nhưng nó buộc ta phải se lòng, tự vấn để câu trả lời chẳng bao giờ là cuối.

Túc tắc gom góp ký ức từ những mảnh vụn vỡ của chiến tranh, đó là những câu chuyện về những người thân yêu, máu mủ, gia tộc, gia đình tác giả… nên các bài viết về ký ức đong đầy cảm xúc chân thành, tạo hiệu ứng sức hút với người đọc. Ngoài điểm nhận diện chung nhất ở góc nhìn nhà báo qua "Cảm xúc tháng bảy", tháng cả dân tộc này tri ân quá khứ, thì có lẽ để cảm nhận rõ nhất những đau thương, mất mát của từng số phận đi qua chiến tranh không ai khác hơn chính là những người từng đi qua chiến tranh và nỗi đau của người ở lại. Nhiều khi tôi nhận ra những dòng viết của tác giả như những lời thì thào, phát ra từ tâm khảm.

Hãy lắng lòng đọc những dòng đầu "Cảm xúc tháng bảy: "Suốt đời tôi không bao giờ quên hình ảnh mẹ tôi ngày nhận giấy báo tử của chú út tôi. Lúc ấy miền Nam vừa mới giải phóng độ một năm. Ngồi bệt xuống mái hiên căn nhà tranh xập xệ, mẹ tôi ôm mặt khóc, giọng nghẹn lại, đứt quãng: "Nhà họ đi còn có người về, nhà mình răng chẳng có ai về?!". Hay "Đi bất cứ nơi đâu trên dải đất này đều bắt gặp nghĩa trang liệt sĩ. Dưới những nấm đất lặng im ấy là bao cuộc đời oanh liệt, bi tráng. Và phía sau những ngôi mộ ấy là bao người mẹ, người chị "nuốt lệ khi chồng con không về" (Cảm xúc tháng bảy).

Đó là câu chuyện bi tráng nói về ông Đỗ Thiệm ở Hóc Dần, Kỳ Trà nay là xã Tam Thạnh, Núi Thành, Quảng Nam. Ông Thiệm có hai người con trai đi bộ đội hy sinh, rồi người con trai út cũng vào nội thành làm cách mạng. Anh về thăm ba lần cuối, gặp ông trong khu rừng sim lúp xúp. Ông lặng lẽ bới xác đứa con trai áp út còn sạm thuốc súng ra sông tắm rửa sạch sẽ. Không có ni-lông, võng, dù, ông chặt những cành lá lót xuống huyệt, ngắm nhìn đứa con trai lần cuối rồi cẩn thận đắp lại ngôi mộ. Và với ông: "Chiến đấu với bọn Mỹ và tay sai, không có hy sinh làm sao giành được thắng lợi!".

Đó là hình ảnh người dì tác giả trong ngày khai quật những hố chôn liệt sỹ tập thể tại rừng cấm Khánh Thọ. "Đôi mắt nhòa lệ của dì trong khói hương nghi ngút vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi". Hay "Một đồng đội của ba tôi thời chiến khu, sau hòa bình vẫn sống đơn chiếc. Mỗi dịp lễ mừng đất nước thống nhất, cô lại đi thắp hương nghĩa trang rồi tổ chức liên hoan tại nhà, điện đồng đội tới hàn huyên". Đó còn là "những ngôi mộ không còn ai ruột rà đến thắp hương nữa vì Bà mẹ Việt Nam anh hùng ấy đã về theo con mình. Chiều nghĩa trang, những sợi khói hương bảng lảng bay về chốn mơ hồ (Khói bay về trời).

Những mảng ký ức dần hiện, những dòng cảm xúc tuôn trào và những con chữ nhiều khi cũng không lột tả hết được điều tác giả muốn bộc bạch để rồi tự vấn có nơi đâu trên mảnh đất này, có sự hy sinh nào cho dân tộc này là vô nghĩa. Khép lại quá khứ, nhìn về tương lai là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, nhưng với lịch sử cần có những nhìn nhận đúng sự thật (Viết sử nửa vời).

Trong phần hai tập tản văn là những bài viết nặng về những cảm xúc, hồi hướng ký ức tuổi thơ trong sáng, những vẻ đẹp bất chợt nhận ra từ những điều tưởng chừng rất giản dị trên chính mảnh đất quê đã từng đi qua những năm tháng mà cuộc chiến giờ đây là tàng tích đang dần xóa nhòa bởi sự phát triển đi lên của vùng quê dần lên phố lên phường. Hoa góc vườn có gì xa lạ, đó chỉ là loài hoa dẻ, một chiều cuối tuần tác giả về lại vườn xưa, một làn hương thôi cũng xáo động tâm can những tháng năm trong trẻo. "Hương hoa cứ cuốn hút ta đi trong chiều mộng mị, hương hoa như nhắc nhở sự chông gai của con đường vươn đến cái đẹp" (Hoa góc vườn).

Đó là ký ức về những chậu mãn đình hồng rất đẹp nhưng đẹp hơn cả loài hoa ấy là tấm lòng người thầy giáo có nhà nằm ở con phố nhỏ của Tam Kỳ, trước sân trồng rất nhiều chậu mãn đình hồng. Mùa xuân hoa mãn khai, đỏ hồng cả góc sân. "Dạy thêm chúng tôi, nhưng hầu như thầy không "bắt bí" hay lôi kéo học trò theo cái kiểu ra đề kiểm tra bằng bài toán đã dạy thêm… Hết tháng học đầu tiên, khi tôi nộp học phí thì thầy nói: "Thôi khỏi, em là con liệt sĩ".

Đó còn là mảnh vườn quê ngoại, ký ức phim bãi, người của làng… gợi nhắc về những chiều quê hanh nắng, mùi thị thơm phảng phất đâu đó trong cổ tích, ca dao. Tất cả để rồi mảnh vườn ký ức ươm vàng tuổi thơ bỗng trở nên xa ngái.

Đúng vậy, chỉ có xa đi người ta mới cảm nhận đúng nhất những xúc cảm lòng mình dẫu buồn thương, tiếc nuối. Đó còn là tâm sự chân tình của tác giả với nghề báo, một nghề đã giúp tác giả đi được nhiều nơi để lượm lặt, chắt chiu (nói một cách hình ảnh) những bình thường lấp lánh và cả mặt trái của tấm huân chương.

Võ Văn Trường