Cơ may hoàn nguyên qua "Mặt trời trong xác lá" của Trương Vũ Thiên An
Ảnh bìa tập thơ Mặt trời trong xác lá và chân dung nhà thơ, thầy giáo Trương Vũ Thiên An. |
Trương Vũ Thiên An là bút danh của Trương Văn Quang, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Dạy văn và viết văn đối với anh như hai bàn tay trong một cơ thể miệt mài, như hai lối đi của một con đường khúc khuỷu với nhiều bài giảng bản lĩnh, những trang bình văn sắc sảo và một hồn thơ có giọng điệu riêng. Lớp giáo viên văn sau 1975 của Đất Quảng, người như Trương Văn Quang có ít, còn ít.
Sau tập thơ đầu mới 2 năm - tập thơ "Tạ", NXB Hội Nhà văn, 2018, giải B (không có giải A) Giải thưởng văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ ba, 2014-2018 của UBND tỉnh Quảng Nam, Trương Vũ Thiên An đã cho ra mắt tác phẩm mới: Mặt trời trong xác lá, NXB Hội Nhà văn, tháng 6-2020; gồm 57 bài thơ, bìa và trình bày của Mạnh Hiếu. Trong Lời bạt, tác giả viết: "Để an trú vào niềm tin bất diệt: đằng trên, đằng dưới, đằng sau những xác lá vẫn mãi câu chuyện về những mặt trời tưởng chừng đã ra đi. Đã tắt trên triền dốc. Đã đoạn tuyệt với cội cành. Mặt trời vẫn còn đó. Và xác lá vẫn còn có cơ may được hoàn nguyên". Trong mọi ẩn dụ của hình tượng, lần này, "sự trở về" trong vẻ đẹp ban đầu, trong hành trình và cơ hội ngược dòng của sự tha hóa và tan rữa. Đáng nói là, hành trình đó, cơ hội đó được Trương Vũ Thiên An sáng tạo trong thời điểm gấp gáp và thăng hoa nhất của đời mình.
Những bài thơ đã cho thấy sự khác biệt với chính tác giả trước đó, để từng trang viết không là đá lát vuông vắn trong khu vườn thiếu sót nắng mưa. "Mặt trời trong xác lá" với chiêm nghiệm và biểu đạt của Trương Vũ Thiên An đem lại cho người đọc những ấn tượng mạnh. Niềm đau thân phận được gửi vào những tùy biến, dự cảm khắc khoải, đầy hiểm nguy trong bài "Cây khế", đặc biệt là "chuyện kể" và sợi dây liên tưởng giờ phút "sụp đổ" của "hồi kết" bi kịch: "có ai đó đòi sách giáo khoa viết thêm chuyện người anh sám hối/ tôi cứ dờn dợn sợ một ngày đại bàng nằm trong túi ba gang". "Lá" là một biểu tượng trong thơ Trương Vũ Thiên An. Lá đảm nhiệm vai trò tượng trưng với "hàng cây lá đổ phi thường" (Họ). Mặt trời trong thơ cũng thoát so sánh cũ để chứa đựng cùng lúc tâm cảm phức hợp ngột thở của sống.
Ám ảnh của thơ Trương Vũ Thiên An còn là hình ảnh và âm điệu. Hình ảnh nhiều tầng bậc, nối kết, dẫn dắt liên tưởng bất ngờ khiến câu thơ không dừng lại nửa chừng và rất khó tóm thâu một nghĩa khái quát tường minh - vì tác giả "muốn cả bài thơ là một không khí, một thế giới hình tượng, một chân dung không gián đoạn, không đứt gãy" (Chú thích bài thơ Trịnh). Những bài thơ "Vĩ sắc", "Hoàng hôn bậc thang", "Trên mặt phẳng không lời", "Nhà văn"… được đọc bằng khá "đau đầu" bởi tác giả rất quyết liệt nhằm tránh "cái ngày bị chữ đè mất tích" (Chữ).
Mặt trời trong xác lá là thơ - thân - phận đồng thời là thân - phận - thơ của một Trương Vũ Thiên An đang tiếp cận sự thật về mất còn và nỗi đau, về khoảnh khắc và muôn thuở, về sự trở lại và ra đi, về cái đẹp và sự hiện hữu của chính nó... Trương Vũ Thiên An đang sống và sẽ sống trong một thế giới do anh nếm trải và phiêu lãng, để anh nhìn thật nhất về thân phận rồi "náu nương một mặt trời tận sáng" mà viết lên những câu thơ "da diết một phổ màu tươi sắc nhất" cho riêng mình.
NGUYỄN MINH HÙNG