Có một Đà Nẵng như thế trong tôi
Vào Đà Nẵng, tôi tìm đúng góc phố hai mươi năm trước từng lang thang qua đó. Đó là một ngã tư ở quận Hải Châu với hai thân cây khẳng khiu xam xám trong ký ức. Tôi tìm hàng bò bía. Ở trung tâm thành phố thì sự đổi thay không mạnh mẽ và rõ rệt như ở các quận bên kia sông. Chỉ biết rằng, nhịp sống Đà thành vẫn dịu êm và an yên như thế. Thứ tôi tìm là một hàng bán đủ thứ cho trẻ em và thanh niên ăn vặt. Họ chỉ mở vào tối muộn, cỡ 7 rưỡi 8 giờ ra là có. Lạ một cái, lúc nào tôi ra cũng không có khách. Vậy mà đồ bày ê hề. Nào bò bía, nào bánh tráng nướng, nào gỏi, nào đông sương và cả mấy món ngọt. Nhưng tôi chỉ thích bò bía vì nó quá đặc biệt. Ngày đó, tôi là một trong số vài trăm sinh viên miền Bắc vào Đà Nẵng học theo diện “đỗ vớt”, tức là nguyện vọng 4 như bây giờ. Khỏi phải nói, được vào giảng đường đại học là ước mơ thành sự thật. Thành phố miền Trung này bỗng hiện ra lạ lẫm nhưng cũng to lớn, uy nghi. Và có lẽ cả một sự tự hào.
Một ông cụ hằng ngày đứng ngó cầu xoay với đôi mắt lung linh đượm màu sương gió. Có cần phải tự hào thế không? Đó là điều tôi đã nghĩ. Nhưng không, cảm giác đó là thật. Cầu sông Hàn mang cả niềm mong mỏi và thỏa mãn, mang cả tâm hồn thời đại mới. Giờ đã bao nhiêu năm rồi? Hằng ngày vẫn có nhiều người Đà Nẵng duy trì thói quen đó vô tư như thế.
Nếu so với hai mươi năm trước khi tôi còn học tập tại nơi đây, quả thật không lời nào có thể tả hết sự thay da đổi thịt của “thành phố đáng sống” này. Một Đà Nẵng phát triển năng động ngay trước mắt tôi, rất khác khi tôi cũng đứng trên cây cầu biểu tượng này và nhìn về phía quận Ba ngày đó. Sự thay đổi ấy hệt như một thước phim tài liệu, khi được chiếu trên dòng chảy của thời gian. Đầu tiên là chiếc cầu sông Hàn này, cây cầu mà thầy giáo dạy môn địa lý kinh tế ở Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã thốt lên đầy tự hào: “cây cầu này là của chúng tôi, do những bàn tay này xây nên”.
Giờ đây đã qua hai thập kỷ, cầu Sông Hàn đứng đó sừng sững, đón chào những người đàn em của mình hòa chung với sự phát triển vượt bậc của thành phố. Hai, ba, bốn,… từng cây cầu mới được xây nên cũng chính là hiện thực hóa khát khao của người Đà Nẵng. Những cây cầu ấy còn có ý nghĩa hơn cả biểu tượng. Đó là ý chí, là tinh thần và sức mạnh của con người.
Từ cầu Sông Hàn đi qua bốn năm ngã tư là đến quán đồ ăn vặt quen thuộc. Với một sinh viên xa nhà thì bò bía là món ăn vừa rẻ vừa ngon. Cũng biết tiếc công cha mẹ gửi tiền bạc từ nơi xa xôi, tôi cũng biết tiết kiệm từng chút, nhưng không hiểu sao hôm đó lại hứng chí ăn liên tục. Mà cao sang gì, chỉ cái cuốn bò bía đó thôi mà ăn không ngừng nghỉ.
Cô bán hàng thấy dân nói giọng Bắc cũng hơi lạ lẫm, vừa luôn tay cuốn vừa hỏi han xem tại sao lại có cậu bé ham ăn như thế. Cô ngạc nhiên một hồi, rồi chuyển sang thích thú. “Ra thế, cũng tốt cho các con”. Năm đó, tôi lang thang khắp phố phường, ăn cũng nhiều đặc sản Đà Nẵng, đều bắt gặp khuôn mặt hồn hậu và cảm thông như vậy.
Cuốn bò bía chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng đáng quý là ở cái tình người bán. Thấy ăn ngon, sẵn sàng mời thêm miễn phí. Chẳng ai bán hàng như thế. Bán từng cuốn một, tính tiền từng chiếc mà lại sẵn sàng mời thêm. Về sau có người nói buôn bán là phải thế, kiếm khách và giữ khách, đó là nghệ thuật, ở đâu cũng vậy. Lầm to, tùy người và tùy miền thôi, có lẽ đó là phong cách vùng miền nhưng để phong cách đó đi vào lòng người thì không dễ.
Đà Nẵng se lạnh. Đến lúc các hàng quán mời thêm chén trà nóng như đáp trả lại hờn dỗi của thiên nhiên. Đà Nẵng mà cũng lạnh? Thỉnh thoảng thế thôi, có lúc Sài Gòn còn lạnh cơ mà. Người dân nơi đây luôn tìm cách lý giải tự nhiên như thế, không than vãn, không lấy đó làm cớ để nghỉ ngơi, bỏ bê buôn bán, kể cả mưa dầm, kể cả nước dâng.
Cũng lạ, ở Đà Nẵng thỉnh thoảng lại gặp chuyện như thế. Hồi đó ra chợ Cồn, thấy thứ gì cũng lạ lẫm. Chợ miền Trung khác với chợ miền Bắc bởi cái không khí chầm chậm, bình yên. Cũng là chợ, cũng kẻ bán người mua mà sao thời gian trôi thật chậm, người nào cũng bình tĩnh, mội câu bán hai câu mua, không thấy ồn ã, không thấy bon chen. Quả là một trải nghiệm tuyệt vời trong những ngày tháng xa nhà. Đi mua hàng trong chợ, nhận được những nụ cười hiền rồi tự nhiên muốn mua gì đó. Cũng chẳng lạ. Người Đà Nẵng vẫn hiền hòa thế thôi. Thành phố phát triển, hạ tầng đẹp hơn, duy có tình người Đà thành vẫn vẹn nguyên, an yên, nồng ấm và bình dị.
ĐINH THÀNH TRUNG