Có một miền khát vọng

Thứ hai, 29/06/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Tây Nguyên – miền đất của núi đồi thảo nguyên, của những cánh rừng trùng điệp, những đồi cà-phê, hồ tiêu bạt ngàn, những âm hưởng cồng chiêng ngàn năm vang vọng với những con đường vàng rực hoa dã quỳ. Xứ sở này vừa lạ mà vừa quen. Cái quen thuộc của âm hưởng núi đồi, của truyền thuyết và huyền thoại trong những đêm lửa bập bùng bên hũ rượu cần. Cái lạ lẫm của sự khởi sắc, thay da đổi thịt từng ngày, mang trong mình nỗi khát khao vươn lên của những con người nơi đây. Tất cả những khoảnh khắc về Tây Nguyên hôm nay sẽ được giới thiệu đến với khán giả cả nước qua bộ phim tài liệu “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng” vừa được Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng sản xuất. Bộ phim dài 36 tập sẽ được công chiếu từ ngày 10-7 trên sóng truyền hình Việt Nam lúc 23 giờ từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần.

Miền khát vọng

Với những ai chưa một lần đến Tây Nguyên, xem xong bộ phim sẽ muốn khoác ba lô lên đường ngay. Bởi hiếm có một miền đất nào mà ở đó lại có sức hấp dẫn kỳ lạ đến vậy. Ở TP Buôn Ma Thuột cái nắng, cái gió mang hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu, ở Đà Lạt có cái lạnh thấu xương vào mùa đông, trên những con đường vắt vẻo đầy hoa và sương. Nếu đi về miền Krông Pa, qua những rừng cao su bạt ngàn Chư Sê,  ta có thể đắm mình trên cánh đồng Ayun Hạ rực rỡ mùa vàng, một cánh đồng lúa mênh mông giữa núi đồi và thảo nguyên. QL14 vắt ngang những dãy núi trùng điệp trải dài từ bắc đến nam Tây Nguyên – “con đường tơ lụa” của miền đất huyền thoại hùng vĩ này.

Đã đến Tây Nguyên hàng chục lần, nhưng mỗi lần đều để lại trong tôi những cảm xúc mới. Tây Nguyên đang thay da đổi thịt từng ngày, tôi cảm nhận được sức sống và niềm khát khao vươn lên mãnh liệt của vùng đất này. Nhiều lần về với buôn làng giáp biên giới Campuchia, trên con đường đất bazan đỏ au, xuyên qua rừng cà-phê, cao su, chúng tôi thấm thía sự gian nan khi công tác tại đây. Vậy nên, khi xem những thước phim của đồng nghiệp, lặn lội vào tận rừng sâu, đến với đồng bào dân tộc ít người bên dãy Ngok Linh hùng vĩ, tôi thật sự đồng cảm. Và có lẽ không chỉ mình tôi có cảm giác ấy, bởi mỗi hình ảnh, mỗi thước phim về Tây Nguyên, tự nó đã để lại trong lòng người xem bao xúc cảm.

36 tập phim đã đưa người xem lần lượt đi qua những vùng đất mang dấu ấn đặc trưng rất kỳ thú của Tây Nguyên. "Đà Lạt - Phố hoa" (tập 29), kể những câu chuyện về hoa, về người trồng hoa và những nét độc đáo của nó; "Đường qua rừng lạnh biên thùy" (tập 24)- con đường từ Đắc Lắc đi Gia Nghĩa, men theo vùng đệm biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia; "Giàn đồng cao Sêrêpok" (tập 19) – dòng sông chảy ngược với những nhánh, ngã rẽ mang trong mình bao huyền tích. Nó được bắt đầu từ hồ Lăk thơ mộng - nơi có tộc người Ê Đê Bi làm ruộng và chăn voi, đi thuyền độc mộc đến dấu tích bộ đàn đá được phát hiện đầu tiên của nhân loại... Những tập phim về Tây Nguyên cứ nối tiếp nhau, không chỉ mô tả cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những huyền tích, huyền thoại, sử thi đậm chất văn hóa bản địa mà còn là những bức tranh về Tây Nguyên khởi sắc hôm nay. Ấy là thủ phủ của cà-phê Việt, là xứ sở hồ tiêu Chư Sê, là hương trà B’lao,...  Đặc biệt, còn có những tập phim nói về khát vọng và ước mơ của những người di cư lên miền đất hứa này. "Những dấu chân đất đỏ" (tập 34) nói về những cuộc di dân khổng lồ về miền đất này. Họ tới đây mang theo một khát vọng làm giàu, khát vọng đổi đời. Trong một bài viết, chúng tôi khó có thể nói hết về Tây Nguyên, nhưng trong 36 tập phim sẽ giúp người xem hình dung khá đầy đủ về con người, vùng đất và những đặc điểm tự nhiên, lịch sử của Tây Nguyên.

Miền khát vọng đang được đưa lên phim. Ảnh: H.H 

Hành trình của phim

Ông Đoàn Huy Giao – Tổng đạo diễn dự án phim tài liệu “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng” (dài 36 tập sẽ được công chiếu trên sóng truyền hình Việt Nam lúc 23 giờ  từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần) giải thích: cái tên “Miền mơ tưởng” là thể hiện mơ ước, khát vọng thay đổi cuộc đời của những đoàn người di cư đến đây. Mặt khác, với những người bản địa, thì từ trong văn hóa, bản sắc, đời sống tâm linh của họ đều toát lên chất mơ tưởng. Trong khuôn khổ, đoàn làm phim mới chỉ thể hiện được Tây Nguyên qua phân giới hành chính, chứ chưa thể hiện được sức sống, sức lan tỏa của Tây Nguyên qua những vùng khác. Còn ông Huỳnh Hùng, Tổng Biên tập dự án phim cho biết, ngoài phần tổng quan (tập 1), đoàn làm phim chọn hình thức khoanh vùng không gian đặc trưng cho từng tập phim. Đặc biệt, trong mỗi không gian đặc trưng có nhấn mạnh đến các sự kiện nổi trội, những nhân vật nổi trội. Mỗi tập đều có một đến hai chuyên gia hoặc là người trong cuộc dẫn dắt, liên kết nội dung biểu hiện. Việc liên kết giữa các tập trước với tập sau thông qua “điểm báo” ở cuối phim bằng hình ảnh đi kèm với lời bình.

Ông Hùng cho biết thêm, với cách bố cục như vậy, 36 tập phim vừa có cái riêng, cái chung, trình bày được nhiều góc cạnh khác nhau của Tây Nguyên. Đặc biệt, cách thể hiện vì thế mà cũng linh động hơn. Chẳng hạn khi nói về văn hóa bản địa trong thế giới huyền ảo của người ở rừng sâu, đoàn làm phim đã khai thác khía cạnh truyền thống trong cách ứng xử với thiên nhiên của người ở rừng, cách họ kiếm miếng ăn hằng ngày, cách họ dựa vào sự ban tặng hào phóng của thế giới tự nhiên đầy bí ẩn.  Thế nhưng khi đến với Tây Nguyên, đoàn làm phim lại thay đổi cách thể hiện một cách linh hoạt. Cụ thể, tập trung phản ảnh những thay đổi “dữ dội” của Tây Nguyên sau chiến tranh do có sự góp mặt của hơn  80% dân số thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau từ mọi miền đổ về lập nghiệp. Ấy là những luồng di dân bất tận, những đồi cà-phê, cao su, hồ tiêu nhanh chóng thay thế những cánh rừng đại thụ. Đất rừng chuyển hóa thành đất cây công nghiệp trở thành một tiềm năng mới thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng đất này.

Tây Nguyên đang thay đổi nhanh chóng từng ngày. Vì vậy, 36 tập phim không chỉ phản ánh cuộc sống sôi động của vùng đất này hôm nay mà còn dùng làm tư liệu quý giá cho mai sau. Bởi theo cách nói của ông Huỳnh Hùng, một vài tư liệu phim giữa thế kỷ trước so với bây giờ đã có sự đổi thay quá lớn. Và rằng, một miền mơ tưởng đã và đang nhanh chóng chìm vào thời gian bất tận của quá khứ.

Hải Hậu