Có một mùa thu cách mạng trong thi ca
Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại. Từ bảo vệ nền độc lập non trẻ đến thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới, hải đảo... Trong những tháng năm ấy, tinh thần yêu nước, bản lĩnh cách mạng, văn chương nghệ thuật... cũng được hình thành phục vụ những yêu cầu cách mạng cũng như từng bước đề cập tới những vấn đề của đời sống thế sự thời hậu chiến. Theo năm tháng, những chiến dịch, chiến công và tên tuổi những người anh hùng đã lùi vào ký ức trong niềm tự hào, tôn kính. Tuy nhiên, ấn tượng sâu sắc nhất mỗi khi hồi tưởng lại quá khứ vẻ vang đó là một mùa thu cách mạng. Mùa thu đã làm đổi thay vận mệnh của dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ dẫu còn bao hiểm nguy, thách thức.
Trong thơ xưa, mùa thu thường gắn với cảm quan của con người với quy luật về sự ngừng kết đến tiêu táp. Đó là khi lá rụng, cây xơ xác (Thu đến cây nao chả lạ lùng- Tùng, Nguyễn Trãi). Từ lác đác đến ngổn ngang những điển cố về dấu hiệu của mùa thu: Giếng ngọc, rừng phong, tiếng chày đập vải, lá ngô đồng rụng... Ngay cả đến mùa thu của làng quê đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam trong thơ cụ Nguyễn Khuyến vẫn còn bóng dáng của sự rơi rụng đó (lá vàng trước gió sẽ đưa vèo- Mùa thu câu cá). Trong Thơ mới, cùng với sự xuất hiện những tri thức, hiểu biết và quan niệm mới về vũ trụ, nhân sinh, đã hình thành nên sự thức tỉnh mới mẻ về trần thế, về đời thực thay vì những viễn cảnh trong tưởng tượng. Tuy nhiên, không phải vì lẽ đó mà mùa thu đã thoát ra khỏi nỗi ám ảnh thời gian. Ta gặp trong Đây mùa thu tới tiếng reo vui nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi một quỹ đạo của chữ sầu. Nào là những: (rặng liễu) đứng chịu tang, lệ ngàn hàng, hoa rụng, nhánh khô gầy, vắng người sang những chuyến đò... Giữa bao nhiêu cái mới từ nền văn minh hiện đại đến đánh thức một phương Đông cổ kính, là khi các nhà văn hướng vào nội tâm tự khám phá những chiều sâu cảm xúc trong tâm hồn mình nhưng thơ về mùa thu sao vẫn sầu? Bởi trong lòng họ không có được niềm vui ấy khi cô đơn, lạc lõng trên chính quê hương mình. Là người dân của một đất nước mất tự chủ, nỗi sầu nhân thế, quốc sự còn ảo não hơn cả cảnh sắc thiên nhiên.
Nhưng rồi có một mùa thu đã đến. Mùa thu không bình lặng, đơn điệu như bao năm qua mà sôi sục một khí thế đấu tranh, cả dân tộc bước sang một trang sử mới. Và rồi cũng từ chính những câu thơ lại vang lên một xúc cảm mới từ một tâm hồn náo nức:
Mùa thu nay khác rồi/Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới/Trời thu thay áo mới/Trong biếc nói cười thiết tha!/Trời xanh đây là của chúng ta/Núi rừng đây là của chúng ta/Những cánh đồng thơm mát/Những ngả đường bát ngát/Những dòng sông đỏ nặng phù sa
(Đất nước- Nguyễn Đình Thi).
Mùa thu ấy dẫu mới chỉ vẻn vẹn “một vùng trời đất trong tay” nhưng đã trở thành tâm điểm để nhìn ra giang sơn đất nước, hướng tới tương lai của dân tộc. Những gì mà người thanh niên cách mạng, chàng thi sĩ trẻ tuổi đang lắng nghe là vọng âm từ núi đồi. Tưởng như giữa cảnh núi rừng vắng lặng ấy của chiến khu Việt Bắc chỉ thấy hoang vắng, rợn ngợp nhưng nhà thơ vẫn nhìn ra sức sống trỗi dậy. Mùa thu ấy đang gấp gáp, khẩn trương trong cuộc tái sinh của một dân tộc có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ: “Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa”. Cũng với nguồn cảm hứng và tình cảm ấy, nữ thi sĩ Ngân Giang đã cất lên tiếng nói của lớp thanh niên tri thức Hà thành bằng những câu thơ cảm động:
Hà Nội hôm nay cờ đỏ bay/Cho lòng Hà Nội cũng say say/Chín mùa, cả chín mùa trông đợi/Mà những người xa đã ở đây/Hà Nội tưng bừng hồn Tổ quốc/Thét lên thành nhạc, nói thành thơ/Núi quen quân đội vang chân bước/Những bước chân quen mấy thuở chờ. (Chín mùa trông đợi- Ngân Giang)
Chín mùa mong đợi ấy đâu phải như “chín năm làm một Điện Biên” như cuộc kháng chiến sau này mà đó là biểu tượng của sự vô cùng, vô tận. Chín năm cũng là trăm năm, ngàn năm mong đợi giây phút này. Cách tác giả gọi tên “hồn Tổ quốc” khiến chúng ta nghĩ tới hồn vía núi giang sơn đã trở về trong tiếng nhạc thét, thơ nói, tiếng đoàn quân hô vang... Những sắc thái ấy làm nên sự thiêng liêng cho đất kinh kì. Cảm nhận tinh tế và sâu lắng hơn, “ông Hoàng” của Thơ mới Xuân Diệu lại chọn cho trang thơ của mình một biểu tượng độc đáo khác:
Xuân nước Việt khởi một ngày Tháng Tám/Triều nhân dân lên với sóng Hồng Hà/Lụt cờ đỏ nổi giữa ngày u ám/Trời sao vàng mọc lúc nước bao la.
(Xuân Việt Nam)
Với Xuân Diệu, mùa thu đó là “xuân” bởi không phải là kì ngưng kết (thu liễm) như quan niệm truyền thống mà mùa xuân tươi mới mở ra vận hội mới cho dân tộc. Kế thừa ý tưởng về “dân nước”, Xuân Diệu khẳng định sự đồng thuận giữa lòng dân và thiên nhiên sông núi như những lớp sóng đồng hành cùng dâng lên rào rạt: “Triều nhân dân lên với sóng Hồng Hà”. Ngọn cờ đỏ sao vàng như là tâm điểm cho sự hội tụ sức mạnh, tinh thần dân tộc. Từ chiến khu D của miền Nam, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ cũng cảm nhận được sâu sắc khí thế ấy:Những tròng mắt bừng bừng ánh lửa/Gót chân chai giậm vỡ nhựa đường/Biển cờ đỏ sao vàng/Dâng ngập trời Nam Bộ.(Du kích Đồng Nai- Huỳnh Văn Nghệ).
Lửa, cờ đỏ, sao vàng, những đôi chân đầy sức mạnh đã tạo nên khí phách của những ngày tháng không thể nào quên ấy. Dọc từ Bắc chí Nam, từ thành thị tới nông thôn, người người cùng như nước triều dâng, như ngọn lửa hòa vào không gian của những con đường rộn rã bước chân. Để rồi từ mùa thu ấy, vượt qua những cuộc kháng chiến vĩ đại, đất nước ta đã trưởng thành lớn mạnh hơn. Nhưng, cứ mỗi mùa thu đến, ký ức hào hùng ấy lại hiện về như một niềm tự hào của người dân nước Việt.
Phương Việt