Có một tuổi thơ lung linh (*)

Thứ năm, 06/11/2014 09:02

(Cadn.com.vn) - Ở cái thành phố gần 1 triệu dân này, phụ nữ cầm bút viết văn vốn đã ít, cho in thành sách lại càng ít hơn và tất nhiên một tác phẩm đáng để đọc lại càng ít nữa. Tuy nhiên, truyện ký "Lung linh tuổi thơ" (Nxb Hội Nhà văn-2014) của Nguyễn Thái Phi lại may mắn nằm trong sự hiếm hoi đó. "Lung linh tuổi thơ" là tác phẩm đầu tay của tác giả người Hà Nội, gốc Quảng Ngãi, hiện sống tại Đà Nẵng. Thật ra, trong suy nghĩ ban đầu Nguyễn Thái Phi không có ý định viết văn để in thành sách mà chỉ viết để chia sẻ với bạn bè qua email hoặc trên facebook về những năm tháng ấu thơ của mình. Đó như là một hồi ức về Hà Nội và các vùng trung du miền Bắc thời mà Nguyễn Thái Phi đi sơ tán vì chiến tranh từ khi mới lên 6 tuổi.

Tác giả Nguyễn Thái Phi.

Gần 100 trang sách với 20 đề mục nhỏ, như là 20 đoạn phim quay chậm về cuộc đời. Nhân vật chính trong tác phẩm chính là tác giả - một bé gái chưa bước qua khỏi lớp vỡ lòng (lớp mẫu giáo ngày nay) đã phải rời xa góc phố nhỏ thân quen của Hà Nội về các miền quê và núi rừng hoang vắng để sơ tán vì bom đạn chiến tranh. Cô bé sống xa cha mẹ lại còn quản lý, chăm sóc  hai đứa em nhỏ. Ba chị em như bầy gà con lưu lạc. Thời gian sơ tán kéo dài đến 5 năm, có lúc sống với mẹ, có lúc chỉ ba chị em sống với nhau giữa sự đùm bọc của đồng bào miền quê và miền núi ở các làng quê dọc theo hai bờ sông Lô.

Nhờ sự di chuyển liên tục qua một vùng không gian rộng lớn hết Vĩnh Phúc đến Hà Bắc và những lần theo thuyền đi dọc sông Lô, Nguyễn Thái Phi từ nhỏ đã hòa mình vào thiên nhiên bao la, rừng núi, ruộng đồng, sông nước hiền hòa và giận dữ. Đặc biệt là sự đón nhận và chia sẻ tình người thời chiến tranh. Thiên nhiên và con người đã để lại những dấu ấn đậm nét, khó phai mờ trong ký ức về tuổi thơ của tác giả. "Lung linh tuổi thơ" mang lại cho người đọc những cảm giác thú vị, bởi sự cảm nhận nhạy bén và sự quan sát tinh tế về cuộc sống xung quanh.

Đời sống trẻ em vùng sơ tán tuy nhọc nhằn, khó khăn và đầy rẫy những bất trắc có thể xảy ra, nhưng tuổi thơ vẫn cứ hồn nhiên với chuyện chờ bác quản lý ngủ say, hẹn nhau trốn nhà đi xem phim bãi, cỡi trâu ngã lăn kềnh giữa trận cười vang, chơi đồ hàng trong bóng mát giữa hai vồng sắn, mót đậu, mót khoai, trèo cây hái ổi, bắt cá, tắm sông... Trong mỗi chuyện tác giả biết cách chọn lọc những chi tiết đắt giá, gây nhiều cảm xúc, từ đó gợi mở ra những điều lớn lao hơn về cuộc sống: "...

Từ một con gà đã nuôi cho đến lúc có được những quả trứng tươi hồng còn loang vết máu, tôi đã hiểu ra điều gì đó rất tự nhiên nhưng vô cùng thiêng liêng đó là sự sinh sôi nảy nở của muôn loài trên mặt đất này." Hoặc chuyện ba chị em giúp gà mái mẹ bảo vệ đàn con: "... Mấy chị em tôi bẻ vội ngọn cây xua đuổi diều hâu đi và gọi đàn gà về gần nhà, tránh nguy hiểm. Tội nghiệp con gà mẹ quá, nó thật dũng cảm, một mình đương đầu với diều hâu. Nhìn cách nó che chở bảo vệ đàn con với khuôn mặt dữ tợn đã tái xám tôi không khỏi cảm động và cứ nhớ mãi! Sau này mỗi khi nghe nói về tình mẹ con, trong tôi luôn thấp thoáng hình ảnh con gà mẹ xù lông dữ tợn che chở cho đàn con...".

Không cầu kỳ, góc cạnh trong con chữ, văn của Nguyễn Thái Phi dịu êm như một dòng suối hiền hòa, nhưng lại có sức cuốn hút người đọc chảy miên man theo dòng sông ký ức đầy ắp những dấu ấn lung linh thời thơ ấu của tác giả, qua đó người đọc như thấy sự thấp thoáng bóng dáng của chính mình. Nói đến "Lung linh tuổi thơ" bạn đọc Minh Lan viết trên facebook: "... Đọc sách có lúc bật cười vì sao giống mình thế. Có lúc ngẫm lại, rớt nước mắt thấy bạn và các em còn vất vả hơn mình nhiều...".

Trên trang blog cá nhân, bạn đọc Hồng Loan chia sẻ: "Lung linh tuổi thơ không chỉ thắp lên ngọn lửa ký ức tưởng đã xa rồi, mà nó còn gợi cho thế hệ trẻ về kỹ năng sống, về tình yêu thương chia sẻ, tính cộng đồng... Ánh sáng ấy mãi mãi lung linh trong trái tim người đọc". Được vậy là sự thành công ngoài niềm mong đợi của Nguyễn Thái Phi.

Mai Hữu Phước

(*) Đọc "Lung linh tuổi thơ" - Truyện ký của Nguyễn Thái Phi - NXB Hội Nhà văn 2014.