Có nên cố giải ngân kinh phí chi đặc thù bằng mọi giá?

Thứ sáu, 08/10/2021 16:30

Thông thường vào thời điểm cuối năm các ngành, các cấp lại phải "chạy đua" với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, không như các năm trước vì dịch bệnh diễn biến phức tạp nên năm nay hầu như nhiều nhiệm vụ, kế hoạch đầu năm không triển khai được hoặc dở dang chưa thể hoàn thành. Đặc biệt là các công việc, nhiệm vụ đòi hỏi phải tập trung đông người, phải triển khai trên địa bàn rộng, phức tạp như tập huấn, hội nghị, kiểm tra, thanh tra...

Hiện nay, dịp cuối năm khi tình hình dịch bệnh có chiều thuyên giảm, các địa phương đang thực hiện nới lỏng giản cách xã hội nên các cơ quan, tổ chức đều đồng loạt triển khai các nội dung công việc bị dồn ứ, tồn đọng từ đầu năm chưa triển khai được. Vì vậy, rất nhiều chương trình công tác, chương trình hoạt động bị trùng lắp, chồng chéo về đối tượng, địa bàn triển khai hoặc các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, thanh tra...

Vấn đề đáng nói đến ở đây là bên cạnh phải hoàn thành công tác chuyên môn, nghiệp vụ được giao thì nhiệm vụ không kém phần quan trọng là nhiều cơ quan, đơn vị phải giải ngân hết kinh phí đã được cấp từ đầu năm, trừ việc giải ngân vốn đầu tư công. Câu chuyện về việc tìm mọi cách để giải ngân hết kinh phí chi đặc thù đã được nói đến nhiều từ lâu nay, tuy nhiên "đâu lại vào đấy" gây dư luận không tốt.

Việc không giải ngân được kinh phí đặc thù đã cấp năm trước thì thường năm sau không những không được bổ sung kinh phí mà sẽ bị cắt phần kinh phí bằng với số không giải ngân được. Thậm chí, còn bị phê bình, kiểm điểm và mang tiếng yếu kém, thiếu năng động, "có tiền mà không biết xài"!

Vì vậy, có thể nói áp lực giải ngân kinh phí chi đặc thù, chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị là rất lớn khi sắp kết thúc năm công tác. Mặc dù, nhiều trường hợp vì lý do khách quan, bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, có sự thay đổi về cơ chế, chính sách dẫn đến ách tắc, không thể giải ngân...

Theo chúng tôi, cần có biện pháp ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng cố gắng giải ngân kinh phí đặc thù được cấp bằng mọi giá! Bởi lẽ, như vậy sẽ dẫn đến triển khai các nhiệm vụ được giao qua loa, hình thức, đối phó, không hiệu quả. Đặc biệt, việc triển khai trùng lắp, chồng chéo sẽ gây lãng phí, thất thoát lớn cho ngân sách trong khi kinh phí từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, khó khăn, nhất là thời điểm dịch bệnh hoành hành.

Ngoài ra, việc cố giải ngân bằng mọi giá mà không mang lại kết quả thiết thực gì thì không những gây lãng phí ngân sách mà còn tốn thời gian, công sức của cả những người thực hiện lẫn người có liên quan khi phải thực hiện những công việc nhàm chán, vô bổ, không thiết thực...

Việc triển khai những công việc mà không mang lại hiệu quả, làm chỉ vì mục đích tiêu hết tiền là rất nguy hiểm, tạo tiền lệ xấu trong quản lý, điều hành và là nguyên nhân làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đây cũng là nguyên nhân làm tha hóa, biến chất một số cán bộ, công chức trong thời gian qua.

Do đó, không nên cố giải ngân bằng mọi giá kinh phí được cấp mà nên chuyển trả ngân sách khoản kinh phí không sử dụng hết hoặc chuyển mục đích sử dụng kinh phí hợp lý, đảm bảo hiệu quả. Bởi hiện ngân sách không quá dư dả, trong khi nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần được bố trí kinh phí để thực hiện, nhất là đảm bảo mục đích an sinh xã hội, vì cuộc sống người dân.

Thạc sỹ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum