Có nên quy định mức trần cho các trường đại học?
(Cadn.com.vn) - Ngày 16-12-2015, Bộ GD – ĐT ban hành Thông tư 32 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, một trong những căn cứ để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh là phải đảm bảo quy mô tối đa của trường, không vượt quá 15.000 SV ĐH chính quy. Thông tư 32 sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2016. Ngay lập tức các trường phản ứng gay gắt. Điều này cũng thật dễ hiểu vì nó đụng đến “nồi cơm” của các trường. Trong khi đó, dư luận xã hội lại tỏ ra đồng tình với quy định “mức trần” cho các trường ĐH là giải pháp phù hợp cho tình trạng thất nghiệp tràn lan hiện nay.
Theo Thông tư 32 thì sẽ có 18 trường ĐH vượt trần quy định phải cắt bớt. Nếu thực hiện thì nhiều trường sẽ có một nửa giảng viên thất nghiệp. Đơn cử như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tổng số SV ĐH chính quy hiện nay khoảng 26.000; đội ngũ giảng viên của trường là 1.250 người. Một cán bộ của trường cho biết nếu cứ áp dụng cứng nhắc việc khống chế quy mô thì có đến một nửa số giảng viên của trường thất nghiệp vô lý, vì không có sinh viên để bố trí giờ giảng.
Tương tự, Trường ĐH Cần Thơ cũng sẽ có một lượng không nhỏ giảng viên, SV bị đẩy ra đường. “Hiện tại Trường ĐH Cần Thơ có 32.000 SV, nếu thực hiện theo Thông tư 32 thì nhà trường phải cắt giảm 17.000 SV. Không lẽ trường buộc tất cả số SV này nghỉ học?”, thầy Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ băn khoăn.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Nếu thực hiện theo Thông tư 32 sẽ rất khó khăn cho nhà trường. Trường buộc phải tinh giản biên chế, đẩy giảng viên ra đường. Trong khi phòng học, cơ sở vật chất được nhà trường đầu tư đáp ứng quy mô đào tạo hiện nay, giờ cắt giảm SV sẽ gây ra lãng phí. Phải có lộ trình cụ thể chứ không thể buộc các trường phải cắt giảm đột ngột như vậy”.
Có thể thấy hầu hết đại diện 18 trường vượt trần đều cho rằng quy định trên bất hợp lý, nặng tính áp đặt chủ quan vì đội ngũ giảng viên của các trường đáp ứng đủ quy mô SV lớn hơn.
Trong khi các trường phản ứng thì không ít người dân tỏ ra đồng tình với Thông tư 32 của Bộ. Theo anh Hoàng Kim H. (một người dân sống tại Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), các trường chạy theo lợi nhuận đào tạo không theo nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tràn lan. Do đó, quy định mức trần về quy mô đào tạo sẽ góp phần giảm thất nghiệp. Đồng quan điểm này, thầy Văn Thịnh (một giáo viên về hưu ở Huế) chia sẻ: Hiện cả nước có 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, nếu không quy định mức trần quy mô đào tạo cho các trường nhằm “siết” lại thì con số thất nghiệp còn tăng lên nữa. Nên nhớ rằng theo thống kê chỉ chưa đầy nửa năm số người thất nghiệp đã tăng lên 47.500 người (từ 178.000 hồi tháng 7-2015 lên 225.000 người hồi tháng 12-2015).
Tranh cãi về Thông tư 32 của Bộ bên nào cũng có lý của mình. Theo quy luật, trường uy tín chất lượng, đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ và chất lượng tốt thì sẽ có nhiều người học. Ngược lại, trường không chất lượng, dù có cho phép lấy nhiều chỉ tiêu, đầu vào đầu ra dễ dãi không được xã hội thừa nhận thì người học sẽ quay lưng.
Tuy nhiên, khi mà người dân vẫn chưa có được đầy đủ thông tin về chất lượng các trường vì tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, khi mà cơ chế chính sách tuyển dụng vẫn còn những kẽ hở cho những người học cho có bằng dù ở trường kém chất lượng vẫn chen được vào các cơ quan Nhà nước làm việc... thì cần thiết phải có sự điều tiết từ chính sách của Nhà nước nhằm giảm tình trạng thất nghiệp và đảm bảo khả năng kiểm soát đối với quy mô đào tạo của toàn hệ thống. Nhưng việc chấn chỉnh quy mô đào tạo không nên thực hiện theo hướng gây sốc, không bắt các trường đang vượt quy mô phải cắt giảm chỉ tiêu đào tạo ngay lập tức khiến giảng viên thất nghiệp, SV bị đẩy ra đường, mà cần phải có lộ trình phù hợp.
Hoài Thuận