Có nên rửa mũi hằng ngày cho trẻ không?
Mũi có chức năng: hô hấp, phát âm và ngửi. Trong đó, chức năng hô hấp đóng vai trò quan trọng nhất.
Không khí được làm ấm, làm ẩm và lọc sạch trước khi vào phổi. Mũi thực hiện được chức năng hô hấp nhờ niêm mạc mũi có hệ thống niêm mạc biểu mô trụ đơn có lông chuyển với các tế bào tiết và cấu trúc rất giàu mạch máu. Lớp nhầy này bắt giữ các vật lạ để lớp tế bào lông chuyển ra phía sau mũi. Hệ thống màng nhầy này hoạt động rất hiệu quả trong việc bảo vệ lớp biểu mô của mũi.
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho con hằng ngày để phòng chống các bệnh viêm mũi, họng trong khi trẻ không bị bệnh. Điều này vô tình làm mất đi lớp nhầy bảo vệ mũi vốn có và gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Không những vậy, việc sử dụng thường xuyên nước muối sinh lý để làm sạch mũi sẽ gây tổn thương niêm mạc mũi, dẫn đến tình trạng mũi dễ bị viêm hơn. Nước muối sinh lý chỉ thật sự tốt khi trẻ có tình trạng viêm mũi, ngạt và chảy nước mũi nhiều. Lúc này, việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp đảm bảo sự thông thoáng cho đường thở, giúp trẻ dễ thở hơn. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể dùng các dung dịch nước muối để vệ sinh mũi cho trẻ sau khi trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi.
Một số lưu ý khác khi rửa mũi cho trẻ:
-Nên dùng bình rửa mũi chuyên dụng với áp lực chuẩn để tránh làm hỏng niêm mạc mũi của trẻ.
-Rửa nước muối sinh lý đúng cách, đúng tư thế, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng vì nếu rửa không đúng cách sẽ khiến bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm.
-Trước khi rửa mũi, bố mẹ cần vệ sinh tay mình thật sạch sẽ, tránh để các vi khuẩn từ tay xâm nhập vào mũi hoặc miệng trẻ.
-Nên rửa mũi cho trẻ khi trẻ trước giờ ăn, rửa 2-3 lần/ngày tùy mức độ.
-Làm ấm dung dịch từ 34-37 độ C trước khi nhỏ mũi
-Không dùng bình xịt mũi của người lớn rửa mũi cho trẻ.