Có nên “xóa tư cách chức vụ” đối với cán bộ đã nghỉ hưu?

Thứ năm, 18/04/2019 08:00

Ngày 17-4, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu và chính sách thu hút nhân tài.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Phiên họp.

Băn khoăn về thời hiệu hồi tố

Theo tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, được các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đồng tình. Do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở Nghị định.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết phải bổ sung trong dự thảo Luật quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác. Tuy nhiên, để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị tách nội dung này thành điều riêng quy định theo hướng: cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tuy đồng tình với quan điểm của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật về chủ trương này, song ý kiến nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội vẫn còn không ít băn khoăn. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, quy định này vừa mang tính răn đe, vừa gắn với thực tiễn của Việt Nam, khi mà trong thời gian qua, chúng ta xử lý một số trường hợp cán bộ cấp cao được người dân và xã hội đồng tình. “Tuy nhiên, đằng sau đó có việc là nghỉ việc, công việc đã bàn giao, mọi việc đã tốt đẹp rồi, đã nhận huân chương theo niên hạn... nhưng lại có vấn đề xuất hiện thì tôi nghĩ vấn đề này cần có giới hạn hồi tố trong thời gian nào. Ví dụ, 65 tuổi tôi nghỉ hưu, đến 72 tuổi gọi đến bảo trước đây có vi phạm giờ mới kỷ luật. Cần có giới hạn hồi tố 3 năm hay 5 năm thôi”, ông nói.

Nhìn từ trường hợp ông Vũ Huy Hoàng

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, kỷ luật là vấn đề lớn, “vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính chính trị, vừa mang tính đạo lý. Chúng ta vừa chịu áp lực của dư luận, của cử tri, vừa phải giải quyết vấn đề mang tính đạo lý”. Đề cập đến điểm c, khoản 5, Điều 84 là xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm, bà đề nghị cân nhắc để quy định cho chuẩn và giải đáp mọi thắc mắc của dư luận thời gian qua. Đây là vấn đề cán bộ, viên chức, cử tri, người dân rất quan tâm. Xóa là xóa cái đang hiện hữu, tồn tại, không thể xóa cái không còn.

Đưa vụ việc xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương của ông Vũ Huy Hoàng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng đây là bước đầu chúng ta làm, nhưng khi làm Luật này cần cân nhắc kỹ hơn. “Bây giờ xóa tư cách bộ trưởng khóa X của ông A sẽ đặt ra trường hợp không ổn ở chỗ, chức vụ này về mặt nhà nước là vấn đề lịch sử khách quan, đã từng tồn tại. Những việc ông A đã làm, đã ký với tư cách một chủ thể về mặt nhà nước và của cơ quan đó. Vậy những văn bản ông A đã ký nếu không bị pháp luật bác bỏ thì vẫn còn hiệu lực”, bà Lê Thị Nga lý giải. Bà Nga cho rằng, đây là vấn đề lớn, cần tìm khái niệm chỉ rõ, xóa là xóa các quyền lợi về tinh thần, vật chất mà người đó được hưởng bắt nguồn từ chức vụ họ đã đảm nhiệm trước khi nghỉ hưu. Đây là quyền về nhân thân gắn với chức vụ đó, còn những quyền khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... không gắn với chức vụ ấy thì họ vẫn được hưởng bình thường.

Đồng tình với việc giao Chính phủ quy định chi tiết về hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, không quy định trong luật này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục bàn thêm bởi “vấn đề quan trọng là dính tới chúng ta ngồi đây, bao nhiêu công chức, bảo vệ quyền dính tới chúng ta thì chúng ta cân nhắc cho kỹ”. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nên giữ hình thức kỷ luật giáng chức, vì đây là hình thức kỷ luật quan trọng, có giá trị răn đe lớn.

Hai bộ trưởng không quyết định được lương cho Viện Toán

Về chính sách đối với người có tài năng, quan điểm của Ủy ban Pháp luật cho rằng thực tiễn thời gian qua, một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này đã phát huy những hiệu quả nhất định. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn ra câu chuyện đáng lưu ý là năm 2011, Giáo sư Ngô Bảo Châu về Viện Toán, nhưng hai bộ trưởng không quyết định được lương cho Giáo sư, Viện Toán sau đó quyết định trả lương phá lệ là 5 triệu đồng. Hay, một Phó Giáo sư, Tiến sĩ trẻ (35 tuổi), học ở Đại học Seoul về ngành động cơ được Trường Đại học Bách khoa thu hút, trả lương khoảng 17-18 triệu đồng, nhưng Vinfast trả lương 200 triệu đồng/tháng. Sau đó, trường cũng tìm mọi biện pháp để giữ, có chính sách bồi dưỡng, đào tạo... nhưng không giữ được. Việc tương tự cũng xảy ra với nhiều khoa khác, đặc biệt là bộ môn cơ khí, chế tạo máy và động cơ về làm việc cho một số doanh nghiệp liên quan đến ô-tô.

“Tôi biết đồng chí cán bộ đó, mỗi tháng được trả lương 200 triệu đồng, tức là một năm 2,4 tỷ đồng, đây là mức cạnh tranh rất lớn. Cán bộ trẻ người ta thấy làm 2 năm cho doanh nghiệp thì lương bằng rất nhiều năm làm giảng dạy. Tôi rất trăn trở, tại sao người ta kéo người của chúng ta được mà chúng ta không kéo người của người ta được”, bà Nguyễn Thanh Hải bày tỏ.

Đặt vấn đề “ở cơ quan ngoài nhà nước, doanh nghiệp, tại sao họ vẫn giải quyết được mối quan hệ giữa các nhân viên dưới sự điều hành của người ta, đó là do cơ chế của người ta, không bao giờ có chuyện người này làm kém lương lại cao, người kia làm giỏi lương lại thấp, tất cả được đánh giá đúng trên vị trí, năng lực”, bà kỳ vọng Bộ trưởng Nội vụ có đề xuất mạnh mẽ “cởi trói” cho người đứng đầu trong công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ.

“Chẳng hạn đối với chúng tôi, người đứng đầu các ban, ủy ban của Quốc hội, trong cơ quan mình thấy có cán bộ này rất giỏi nhưng lương chỉ ở mức đó, vì chưa thi được vào chuyên viên chính, chưa đến thời hạn. Nhưng có cán bộ đã thi được vào chuyên viên chính, thậm chí chuyên viên cao cấp nhưng đóng góp cho công việc rất hạn chế. Để họ nghỉ, hay giảm lương, muốn thay đổi vị trí công tác của họ thì rất khó, bởi quyền hạn của chúng tôi không có. Hôm trước tôi cũng xem một phóng sự trên ti vi, nhiều bác sĩ giỏi không còn làm việc ở những bệnh viện công mà làm ở bệnh viện tư... vì chế độ đãi ngộ, lương quá chênh lệch”, Trưởng ban Dân nguyện ví dụ.

T.THỦY – T.VÂN – TTXVN