"Có người lính ra đi từ đó không về"...
(Cadn.com.vn) - Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Trưng bày Bảo tàng Quảng Trị Nguyễn Cường, tận tình hướng dẫn chúng tôi lên khu vực trưng bày hiện vật chiến tranh cách mạng, nơi đong đầy cảm xúc tự hào và bi tráng của một thời hoa lửa trong cuộc trường kỳ giải phóng dân tộc. Mỗi hiện vật ở đây đều gắn với câu chuyện hào hùng, chạm đến ký ức sôi sục chiến đấu kiên cường và bất khuất của lớp lớp cha anh không tiếc máu xương giành lại độc lập, hòa bình hôm nay. Và trong suối nguồn xúc động ấy, chúng tôi bắt gặp lá thư của chiến sĩ Giải phóng Hồ Kã (còn gọi Hồ Văn Kã) được gửi từ chiến trường ác liệt Quảng Trị vào năm 1972 về cho người thân ở quê nhà. Đây cũng là bức thư duy nhất được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị.
"Hiện vật này được tìm thấy vào năm 2011 trong một đợt sưu tầm hiện vật, cổ vật tại nhiều xã H. Vĩnh Linh (Quảng Trị)", anh Nguyễn Cường chia sẻ. Nhóm sưu tầm do bà Cái Thị Vượng dẫn đầu, hiện là Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị. Thời điểm đó, anh Cường đang là Phó phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Trưng bày và có mặt trong đoàn cán bộ này. Những ngày "cắm" địa bàn, đoàn cán bộ đến thăm gia đình AHLLVT Đào Xuân Hướng ở thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp, H. Vĩnh Linh và bất ngờ được vợ ông là bà Hồ Thị Điệp rưng rưng sẻ chia câu về người em trai Hồ Kã đã hy sinh vào tháng 7 năm 1972 trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Một trong những kỷ vật về người em mà bà nâng niu 40 năm qua chính là bức thư Kã viết trên chiến trường vào tháng 5 - 1972 và cuốn nhật ký dày 50 trang được anh ghi lại trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1968. Khoảnh khắc lắng đọng bức thư dài 3 trang qua lời đọc của người chị nhớ thương em, đoàn cán bộ Bảo tàng nhận ra đây là hiện vật vô cùng giá trị cần được lưu giữ để giới thiệu rộng rãi cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về gian khổ, hào hùng nhưng rất đỗi vinh quang của dân tộc. Đáp ứng mong mỏi này, bà Điệp đã trao tặng cho đoàn cán bộ Bảo tàng những kỷ vật giữ gìn 40 năm qua. Từng dòng thư và cuốn nhật ký ngời sáng tinh thần chiến đấu, khí phách của người lính Giải phóng và càng lấp lánh hơn khi hiểu rõ về người chiến sĩ anh dũng ấy.
Bức thư của Liệt sĩ Hồ Kã được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị. |
Sinh năm 1950 tại Vĩnh Chấp, H. Vĩnh Linh trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, gồm 8 anh chị em, anh Kã là con trai duy nhất. Khi mới 15 tuổi, anh đã tham gia quân ngũ, thuộc Tiểu đoàn 4 độc lập. Ngay sau khi mới thành lập, đơn vị của anh được cử vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu. Hơn 1 năm sau, anh được cử đi học và huấn luyện tại Trường Sỹ quan Lục quân ở Sơn Tây. Năm 1968, anh được điều về đơn vị Đại đội 7, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Lúc này, anh đang ở cấp bậc Thiếu úy, chức vụ Đại đội trưởng. Năm 1972, đơn vị anh tham gia trực tiếp chiến dịch Trị - Thiên giải phóng Quảng Trị. Quá trình xa nhà để học tập và chiến đấu, anh đều tranh thủ biên thư về thăm gia đình, cho những người thân yêu và bà con lối xóm. Nét chữ rắn rỏi, thể hiện ý chí kiên cường, quyết tâm chiến đấu của người lính trẻ đã khiến người thân ở hậu phương thêm phần vững tin. Tuy nhiên, việc anh tình nguyện vào chiến trường miền Nam được giữ kín để mẹ già bớt lo lắng, chỉ đến bức thư được viết vào ngày 19 tháng 5 - 1972, cũng là bức cuối cùng anh mới thổ lộ.
"Từ bữa xa mẹ ra đi đến nay con vẫn khỏe thường và như lần trước con biên thư cho mẹ đó. Bữa nay con khỏe hơn hồi con về thăm mẹ, điều đó là sự thật, mẹ hãy tin ở con. Về phần công tác và chiến đấu của con bình thường, có điều vui là thực hiện được một ước mơ nhỏ của con là được vào Quảng Trị, ghé thăm thị xã mà mẹ đã nuôi con lớn khôn...Khi mô có dịp con kể ngày ấy con về Quảng Trị. Một điều vui nữa là trong những ngày cả nước lên đường thì con có trong đoàn quân Nam tiến, tuy nỏ có chi nhưng được đóng góp công sức nhỏ bé của con để cùng bà con hai miền Nam Bắc cùng góp sức đánh Mỹ ngụy, để kiên quyết giải phóng miền Nam ruột thịt...Mẹ ơi, trong những giờ phút cả nước lên đường như sóng trào bão dậy ai mà chẳng nô nức đóng góp sức mình vào trong đó. Điều này con mong sao mẹ luôn yên tâm để con vui làm nhiệm vụ, đó cũng là góp công đánh Mỹ...", trang thư thứ 2 của anh chứa đựng quan tâm và cả sự quyết tâm, lòng quả cảm như thế.
Cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa Quảng Trị và hát tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống trong chiến dịch Giải phóng Quảng Trị. |
"Cuộc chiến đấu của chúng con chỉ mới bước đầu, chúng con còn đi, còn đánh... Con còn phải đánh đến cùng để giành lại đất nước", lời thư Kã mang niềm tin mãnh liệt. Xuyên suốt bức thư, chỉ duy nhất 1 lần đứa con lũy thép nhắc đến cái chết. Tuy nhiên, không phải trong trạng thái sợ hãi đối mặt với bom đạn ác liệt mà là dí dỏm, hài hước để củng cố tinh thần cho người thân nơi quê nhà. "Con đã hy sinh rồi mà vẫn biên thư về thăm mẹ, anh chị và mấy cháu đây, mẹ nghĩ có buồn cười không nào?" , sự lạc quan của anh mở đầu thư khiến người đọc vững vàng, bởi những người lính như Kã sẵn sàng xả thân mình, "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" nên nỗi sợ về cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Năm 1972, Mỹ - ngụy thất bại nặng nề trên chiến trường Quảng Trị nên điên cuồng phản công nhằm tái chiếm Thành Cổ. 81 ngày đêm trong mùa hè đỏ lửa năm đó, địch đã dội 328 ngàn tấn bom các loại, hàng trăm ngàn đạn pháo...bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Trong cuộc chiến khốc liệt dữ dội ấy, đơn vị Kã có nhiệm vụ chặn đầu cuộc phản công của đối phương ở phòng tuyến phía nam TX Quảng Trị. Hàng ngàn chiến sĩ Giải phóng đã ngã xuống để bảo vệ từng mét đất quê hương và Kã cũng đã anh dũng hy sinh tại một điểm chốt trên tuyến QL1A đoạn qua xã Hải Thọ, H. Hải Lăng vào ngày 2 - 7 - 1972. Dòng thư viết trên chiến hào ngày 19 - 5 - 1972 ấy trở thành lời sau cùng của anh với người thân. Nhưng cho hôm nay và mai sau, bất kỳ ai chạm vào dòng thư ấy, đều sẽ cháy lên niềm tự hào mãnh liệt về những người con ưu tú của đất nước, sống và chiến đấu vì nghĩa lớn, muôn đời tạc dạ tri ân.
Bảo Hà