Cỏ phố, nuôi bò... quê

Thứ sáu, 07/11/2014 10:08

(Cadn.com.vn) - Khi những bãi chăn thả trâu bò ở Hòa Khê (xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị thu hẹp, người chăn nuôi chỉ còn cách đi đến nơi khác để tìm nguồn thức ăn cho chúng. Oái oăm thay, nơi nhiều cỏ dại nhất chính là trung tâm thành phố.

Mờ sáng, ông Nguyễn Việt (57 tuổi, Hòa Khê) đã thức dậy để bắt đầu công việc "khác người": xuôi xe máy về trung tâm Đà Nẵng để cắt cỏ nuôi bò. Ông Việt cười ý tứ: "Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, đất mồ mả thì ngày càng tăng. Thôn chúng tôi nằm ngay khu nghĩa trang lớn nhất thành phố nên đồng áng bị thu hẹp nhiều. Giờ trâu bò khó có nơi gặm cỏ nữa, mà chăn thả nhờ trời thì không lời lãi là bao. May ra còn có cỏ ở dưới phố".

Để minh chứng cho sự cạn kiệt về thức ăn của trâu bò, ông Việt chỉ tay về những mảnh đất ngày xưa là đồng cỏ bây giờ biến thành nghĩa trang với sắt thép, xi - măng, gạch sỏi ngổn ngang. Ông là hộ nuôi ít nhất trong cái thôn nằm giữa bốn bề là mồ mả này, chỉ độc nhất một con. Ông phân tích: "Cỏ khan hiếm quá, ngày trước tôi nuôi nhiều lắm, giờ bán hết rồi. Chỉ chừa lại một con, đi cắt cỏ cho nó ăn mãi dưới trung tâm thành phố".

Ông Việt phải ngược xuôi hơn 30 km về thành phố để cắt cỏ nuôi bò.

Để có được vài bao tải cỏ non, ông Việt chạy xe máy rẻo quanh phố phường, ở đâu có những lô đất bỏ hoang hay những dự án đắp chiếu nằm chờ là cỏ dại mọc lên tua tủa. Công việc này tiêu tốn mất của ông nửa ngày công, còn cái khoản xăng xe xuôi ngược một vòng hơn ba chục cây số kia thì không tính vì theo ông đã là nông dân thì chấp nhận lấy công làm lãi. Ông Việt tính toán rằng, cỏ rác ở trung tâm thành phố khá nhiều, là nguồn cung chủ yếu để ông vỗ béo bò. Vì vậy mỗi đợt chỉ nuôi một con cho đến khi lớn thì bán rồi mới nuôi tiếp. Ông  cười cái nghề "độc"  của mình ở phố mà rằng ai đời dân nông nghiệp thực thụ lại "mò" mặt về nơi sầm uất để cắt cỏ dại.

"Nhiều lúc chất chở trên xe toàn là cỏ dại, lang thang phố này qua đường nọ cũng ngại lắm chứ. Nhưng, may mà còn có cỏ dại để cắt chứ không thì hết đường chăn nuôi luôn. Cái khổ nhất khi đi cắt cỏ ở khu vực bỏ hoang là sợ dẫm phải đinh rỉ, kim tiêm của tụi nghiện ngập. Vì vậy tôi phải thiết kế tấm lót giày bằng sắt của thùng phuy đó", ông Việt tâm sự.

Cùng thôn với ông Việt, ông Lê Đình Trác (59 tuổi) chăn nuôi bò với số lượng 20 con. Thiếu đồng cỏ, ông đành chấp nhận thả rong chúng quanh khu vực mồ mả và tận dụng cả ngày công để về trung tâm thành phố cắt cỏ dại. Khu vực mà theo ông là nhiều cỏ dại nhất là dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, nhưng cỏ ở đây trâu bò không thích lắm vì hơi muối và cát biển. Nếu cắt cỏ ở những nơi này thì khi mang về phải dùng nước sạch để "gội" cát biển mới giữ được sức khỏe cho vật nuôi. Ông giải thích: "Gia súc nó cũng cần được bảo vệ chứ, nhất là hệ tiêu hóa. Ăn cỏ pha cát một bữa đến hai bữa thì được chứ ăn cả năm thì bị bệnh là cái chắc. Mà con trâu con bò là đầu cơ nghiệp, mất chúng thì nông dân hết đường làm ăn".

Nuôi bò vỗ béo đang là mô hình được nhiều hộ dân H. Hòa Vang áp dụng.

Với số lượng đàn bò lớn, công việc chính của ông Trác là xuôi về phố cắt cỏ dại. Cả ngày ông lởn vởn quanh những khu bỏ hoang, những dự án nằm chờ đầu tư. Đến chiều, con cái của ông đi làm về thì chạy xe máy về để giúp ông vận chuyển số cỏ đó.

Thôn Hòa Khê với hơn 80% số hộ chăn nuôi gia súc lớn, chủ yếu là trâu bò đang hình thành một "làng nghề" khá độc đáo.  Cứ độ mỗi sáng người dân xuôi xe máy về trung tâm thành phố để cắt cỏ, chiều lại ngược núi chở cỏ lên. Những tưởng câu chuyện nghịch đời này hiếm gặp ở các thành phố lớn nước ta, nhưng đây là hình ảnh dễ bắt gặp tại Đà Nẵng.

Những nông dân vui tính ở thôn Hòa Khê đùa rằng, giá như có một ai đó đầu tư xe kiểu như xe buýt để chở trâu bò thì sướng quá. Buổi sáng chở về trung tâm thành phố ăn cỏ, chiều lại chở về chuồng. Đây là câu chuyện nói chơi của người dân nhưng xem ra là một câu hỏi khó đối với việc phân bổ công nghiệp - nông nghiệp khi muốn làm nông dân thực thụ ở Đà thành.

Bùi Đức Tú