Cơ quan quản lý yêu cầu tái xuất các lô hàng lúa mì lẫn cỏ dại Cirsium Arvense: “Lộng hành, không thể chấp nhận được”

Thứ năm, 18/10/2018 06:30

Ngày 17-10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra các Bộ: Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp trong việc chậm trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh; tình hình chuẩn bị các nội dung báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì buổi làm việc.

Buổi làm việc nóng lên khi có ý kiến từ phía Hiệp hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh về văn bản của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 yêu cầu tái xuất các lô hàng lúa mì lẫn cỏ dại Cirsium Arvense. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, khi những rào cản trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm) vừa được dỡ bỏ, thay thế vào đó là Nghị định 15/2018/NĐ-CP khiến doanh nghiệp “vỡ òa hạnh phúc” thì không bao lâu, một rào cản khác lại xuất hiện.

10 ngày qua, doanh nghiệp thành phố khốn đốn, lao đao vì có công văn của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp) yêu cầu từ 1-11-2018, không được nhập lúa mì có cỏ dại Cirsium Arvense vào Việt Nam bởi ảnh hưởng đến môi trường, trong khi mấy chục năm nay vẫn nhập khẩu. Giờ có nhiều con tàu đang trên đường chuẩn bị cập cảng mà lệnh của Cục là phải tái xuất các lô hàng này. Đây là lệnh của Cục chứ không phải của Bộ trưởng. Các đối tác từ Mỹ, Canada, ... đã không hợp tác, ảnh hưởng sẽ rất lớn - bà Lý Kim Chi bức xúc.

Sau khi thẩm định lại thông tin, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, ngày 5-9, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 ban hành Công văn số 95 về việc bắt đầu từ 1-11-2018, các lô hàng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại yêu cầu phải tái xuất.  “Xét về tính pháp lý là hoàn toàn không đúng thẩm quyền. Cục đã không đúng thẩm quyền nhưng Chi cục căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Cục ra một văn bản như vậy là càng sai thẩm quyền, lộng hành, tùy tiện áp dụng luật pháp không đúng thẩm quyền. Chúng ta là cán bộ công chức chỉ được phép làm những gì luật cho phép”, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo bà Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện Cục Bảo vệ thực vật đang thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để xử lý việc này. “Ngày 18-10, Cục sẽ họp với Hiệp hội Lương thực, thực phẩm để bàn về tác động của văn bản đó, chúng tôi sẽ trao đổi, báo cáo lãnh đạo Bộ để xử lý ngay”. Ngắt lời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, trước hết, nếu xác định sai thẩm quyền là yêu cầu phải thu hồi, còn việc bàn về tác động, đó là quá trình của Bộ liên quan đến đối tượng tác động, tính toán lợi ích quốc gia, đến cả đối ngoại chứ không phải chỉ có doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Cho rằng đây là bài học rất sâu sắc đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gay gắt “Chi Cục không thể làm thế này được, lộng hành, không thể chấp nhận được”. Theo ông chỉ có lãnh đạo Bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo pháp luật mới có thẩm quyền ký ban hành văn bản.

THU THỦY – THANH VÂN – TTXVN