Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với quê hương
(Cadn.com.vn) - Chúng tôi về xã Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1-3-1906 - 1-3-2016) gặp những dòng người đổ về tham quan khu lưu niệm...
Suốt hơn 70 năm hoạt động cách mạng bền bỉ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhà lý luận chính trị, nhà ngoại giao và nhà văn hóa kiệt xuất, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, tư duy năng động. Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã để lại trong lòng đồng bào, đồng chí những tình cảm quý trọng, thương yêu và ngưỡng mộ. Ông là tấm gương chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, trung với nước, hiếu với dân, được phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế, bạn bè và nhiều nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên thế giới kính trọng...
Một góc khu lưu niệm. |
Còn nhớ năm 1970, người dân H're ở H. Ba Tơ (Quảng Ngãi) tự nguyện xin bác Phạm Văn Đồng được đổi họ của mình thành họ Phạm để tỏ lòng tôn kính đối với một người con của quê hương. Một cựu chiến binh (CCB) già ở H. Bình Sơn (Quảng Ngãi), cứ hàng tháng vào ngày rằm, mồng một lại bắt xe buýt đến đây dâng hương hoa. Có năm vừa mổ mắt xong, vết thương chưa lành vậy mà vẫn không vắng mặt. Hỏi thì người CCB này nói, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là ân nhân của cuộc đời ông, vì thế ông phải đến thắp hương hàng tháng cho đến khi nào không thể đi được. Có một người đặc biệt nữa thường xuyên đến đây cho đến giữa năm 2015, đó là cố Anh hùng Lao động Hồ Giáo. Ông Giáo coi Thủ tướng Phạm Văn Đồng như người cha thứ hai của mình với bao kỷ niệm sâu sắc, gắn bó. Ông thường xuyên đến đây hương khói và tần ngần trước bức ảnh chụp mình với Thủ tướng năm nào.
Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực thuộc Bảo tàng Quảng Ngãi được đưa vào sử dụng năm 2008 với nhà đón khách, phòng chiếu phim, nhà trưng bày tranh ảnh- hiện vật lưu niệm, tủ sách giới thiệu trước tác của ông. Ngoại thất là hệ thống sân vườn cây cảnh, đường nội bộ. Khu mộ thân sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ngôi nhà thờ họ Phạm, nơi thờ phụng các bậc tiền bối chi tộc họ Phạm tại làng Thi Phổ Nhất và cũng là nơi Thủ tướng về sống, làm việc trong những năm 1936-1937 cũng được trùng tu.
Đến tháng 10-2015, khu lưu niệm giai đoạn 2 được khánh thành, mở rộng thêm gần 34.000m2 với nhiều công trình lớn. Khuôn viên sân vườn, hồ sen; nhà trưng bày hiện vật hiến tặng; chỉnh lý lại nhà trưng bày liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng; nhà di tích; tuyến đường tránh dân sinh, các hạng mục đầu tư giai đoạn 2 kết nối đồng bộ, hài hòa, phù hợp không gian, kiến trúc cảnh quan với giai đoạn 1 để trở thành khu lưu niệm hoàn chỉnh.
Theo anh Lê Trình, Phó phòng, phụ trách khu lưu niệm thì hiện nay đã có hơn 760 hiện vật về cuộc đời Thủ tướng được trưng bày tại đây phần lớn từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia, bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5 trao tặng. Mới đây, ngày 26-2, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 do Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch, Phó Chính ủy Quân khu đã về Quảng Ngãi, tặng bức ảnh quý Thủ tướng về thăm Bộ Tư lệnh Quân khu 5, tặng 100 triệu đồng để tu bổ, kiến tạo khu lưu niệm. Nhân dân ở khắp nơi cũng đã lặn lội đến hiến hiện vật. Ông Nguyễn Quốc Vũ ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) mới đây tặng tờ tín phiếu sau Cách mạng tháng 8 có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng. Khu lưu niệm đón rất nhiều khách cả trong và ngoài nước, những dịp lễ, tết có cả ngàn người/ngày. Có một người lái xe của quân đội Lào khiến các nhân viên khu lưu niệm chú ý khi đứng rất lâu trước chiếc xe đạp đã cũ mà Thủ tướng từng đi. Anh nói với mọi người: "Thủ tướng của một nước mà giản dị biết bao!".
Ngôi nhà của cha mẹ Thủ tướng Phạm Văn Đồng hiện là điểm nhấn trong khu lưu niệm. Cha là quan nhà Nguyễn, anh em cũng nhiều người làm quan nhưng chàng thanh niên Tám Tô (tức Phạm Văn Đồng) luôn đồng cảm với người nghèo. Ông thường ăn cơm cùng với người nông dân làm cho nhà mình với sự gần gũi, thương yêu. Anh Phạm Ngọc Chinh, cháu họ của Thủ tướng, người trông coi ngôi nhà của gia tiên nói rằng: Giữ cương vị Thủ tướng, có lúc gọi là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng suốt 31 năm (từ 1955- 1986) nhưng ông vẫn giữ một tấm lòng son, giản dị, thanh liêm, không có ưu ái nào đối với con cháu hay địa phương. Tất cả phải đi lên bằng đôi chân thực sự của mình. Thủ tướng thường chỉ cái giếng trước nhà và bảo: "Giếng nước này còn trong lắm! Gia đình, dòng tộc và bà con chòm xóm cố gắng giữ cốt cách nhà mình cho trong, cho sáng mãi như nguồn nước này".
Cán bộ, nhân dân xã Đức Tân tham quan khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. |
Ông Võ Hoài Lênh, một CCB ở xã Đức Tân kể lại những kỷ niệm gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhiều nhất là trong thời gian ông làm ở Đảng ủy xã. Còn nhớ thời điểm 1992, về thăm quê, tại UBND H. Mộ Đức, Thủ tướng khuyên cán bộ, nhân viên của huyện nên bỏ thuốc lá để giữ sức khỏe. Hơn một nửa trong đó có ông Lênh đã bỏ thuốc lá từ lần gặp gỡ này. Mỗi lần nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong huyện, Thủ tướng luôn mong Mộ Đức phải làm gương trên mọi lĩnh vực, phấn đấu xây dựng H. Mộ Đức thành một huyện giàu về đời sống vật chất, đời sống văn hóa, đời sống tinh thần, một huyện đẹp, thiên nhiên đẹp, xã hội đẹp; là tấm gương sáng cho các huyện trong tỉnh.
Đã trở thành thông lệ, vào những ngày kỷ niệm, những dịp lễ tết truyền thống, người dân xã Đức Tân lại về thăm khu lưu niệm Phạm Văn Đồng. Bức ảnh chân dung ông với khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị, đôi mắt sáng ngời như nhắc nhở mọi người giữ vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, về một ngày mai tươi sáng của đất nước, quê hương. Theo đồng chí Lê Đức Thiết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đức Tân, tự hào về quê hương của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cả xã quyết tâm giảm nghèo. Khi tỉnh và huyện chọn xã Đức Tân làm điểm xây dựng nông thôn mới, bà con đã đồng tình hưởng ứng. Bộ mặt Đức Tân đã đổi mới khang trang, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt những lời khuyên của Thủ tướng với thanh thiếu niên về sự học đã thực sự lan tỏa. Đức Tân hiện nay là một trong những địa phương có truyền thống hiếu học nhất huyện. Chỉ riêng thôn 4 hiện có 4 tiến sĩ đang công tác khắp cả nước.
Đại tá Bùi Tá Tuân, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan trong đó có Bộ CHQS tỉnh tổ chức học tập, tọa đàm; làm phóng sự, phim tài liệu tuyên truyền, trình chiếu trên các phương tiện thông tin đại chúng; tọa đàm nói chuyện về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng; phát động các cơ quan và nhân dân sưu tầm và hiến tặng hiện vật liên quan đến Thủ tướng, trồng cây, thả cá tại khu lưu niệm; làm lễ đặt viên đá xây dựng tượng Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại khuôn viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng. LLVT tỉnh thấy trách nhiệm và vinh dự tham gia các hoạt động ý nghĩa này.
Đi trên con đường bê-tông thẳng tắp dọc ngang những cánh đồng lúa xanh, cảm nhận niềm vui của người dân Đức Tân. Mới đầu xuân 2016, con em của xã lên đường nhập ngũ đã đến thắp hương tại khu lưu niệm, hứa sẽ xứng đáng với quê hương của Thủ tướng. Mảnh đất địa linh nhân kiệt hun đúc bước chân những chàng trai trẻ theo tiếng gọi non sông như người thanh niên Tám Tô năm nào.
Hồng Vân