Cỗ trung thu của mẹ

Thứ ba, 15/09/2020 20:28

Nhà một bầy con, Trung thu không đứa nào có lồng đèn, bánh nếp, bánh dẻo. Nhưng không vì nghèo mà con của mẹ không có Trung thu. Ấm áp, dịu dàng, tuổi thơ chúng tôi lớn lên cùng ký ức cỗ Trung thu mỗi năm của mẹ.

Hoài niệm.

Đêm Trung thu, trăng còn lấp ló sau rặng tre, chúng tôi đã ùa ra sân rình trăng. Còn mẹ, lụm cụm trong bếp. Mẹ chạy đua cùng trăng. Mẹ nấu chè, món chè thập cẩm mà các con đứa nào cũng thích. Rồi mẹ làm bánh, không phải bánh nếp bánh dẻo mà là bánh ú, bột lọc nhân tôm. Loay hoay một mình, mẹ không cho đứa nào phụ. Mẹ bảo cứ chơi cho đã đời đi, chừng nào xong mẹ kêu hẵng về ăn.

Và như thế, chúng tôi yên chí đi chơi. Không cần múa lân, lồng đèn, những đứa trẻ nhà quê tự bày trò chơi trăng. Giữa ngã ba trước nhà, người lớn trong xóm hiểu ý nên nhường chỗ rộng rãi đó cho chúng tôi đùa nghịch mà đi né, chúng tôi nô đùa đủ kiểu. Chơi trốn tìm, chuyển qua bịt mắt bắt dê rồi kéo co, chơi đến chừng mệt đứt hơi thì trở về nhà trong bộ dạng của những... tàn binh. Mẹ không gọi (chắc không nỡ) nhưng khi chúng tôi về nhà thì cỗ bàn đã dọn sẵn, chỉ chờ phá.

Đêm Trung thu, ngôi nhà vách đất lợp ngói được trăng phả vào dòng ánh sáng mờ ảo bỗng lấp lánh, đẹp lạ lùng như ngôi nhà trong những câu chuyện cổ tích. Và giữa cái sân đất rộng rãi có chiếc mâm nhôm sắp đầy những chén chè và những đĩa bánh ú. Không cần tuyên bố lý do, mẹ chỉ bảo nhanh ngồi vào mâm. Mẹ đập đá cho các con ăn chè, hối các con lột bánh ú nóng hổi mà thưởng thức.

Đấy là mâm cỗ thịnh soạn nhất của tuổi thơ- cho đến bây giờ, tôi vẫn không thay đổi ý nghĩ đó. Món chè thập cẩm ngon lạ kỳ. Những chiếc bánh ú được bóc vỏ, lòng bánh trắng trong, nhân bánh rõ hình con tôm hồng hào. Chúng tôi say sưa ăn, mẹ dặn cứ từ từ mà ăn, mẹ nấu nhiều lắm, không phải sợ. Lần nào cũng vậy, tôi luôn bị chị Hai trêu, nó chỉ nín thở ngồi ăn. Trời trời, nói vậy thiệt oan uổng. Có phải mỗi tôi mới thấy ngon miệng, có phải mỗi tôi mới mẫn cán ăn từ màn đầu đến màn cuối đâu. Mà tôi cũng thinh lặng giai đoạn đầu, đang đói, chứ khi đã lửng bụng rồi, tôi vừa ăn vừa làm cái loa phát thanh mà. Tôi khơi mào và lôi kéo anh, chị cùng bé Út vào câu chuyện đó.

Bữa tiệc kéo dài không thời hạn. Mẹ bảo cứ vui chơi thoải mái, kẻo mai thức dậy lại ấm ức chơi chưa đã. Mẹ đã bật đèn xanh như vậy, chị em càng rôm rả hơn. Các con náo nhiệt sôi nổi, ba mẹ chỉ mỉm cười không thành tiếng, lắng nghe những câu chuyện trên trời dưới biển của các con chứ không nói gì. Là ba mẹ đang nhường sân Trung thu cho các con làm chủ- tôi biết. Lâu lâu, ba lắc đầu cười: thêm con vịt nữa thì sân nhà mình xôm hơn cái chợ. Ba nói xong, tiếng các con còn to hơn, inh ỏi hơn lúc chưa nói.

Tiệc tan, các con đi ngủ, mẹ lui cui dọn dẹp.

Sáng hôm sau, mặt mũi đứa nào cũng bơ phờ vì đêm hôm giỡn quá liều. Mẹ hỏi Trung thu vậy có thấy vui hông? Tôi gật lịa rồi hỏi hồi nhỏ, Trung thu của mẹ có gì vui? Mẹ đang vui nhưng nghe con gái hỏi thì ngậm ngùi trả lời: mồ côi từ hồi mới lọt lòng, tuổi thơ mẹ không có Trung thu. Nói xong, mẹ cười nhẹ tênh. Còn tôi, lặng người...

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

 

Cỗ trung thu của mẹ

N hà một bầy con,
               Trung thu không
               đứa nào có lồng đèn, bánh nếp, bánh dẻo. Nhưng không vì nghèo mà con của mẹ không có Trung thu. Ấm áp, dịu dàng, tuổi thơ chúng tôi lớn lên cùng ký ức cỗ Trung thu mỗi năm của mẹ.

Đêm Trung thu, trăng còn lấp ló sau rặng tre, chúng tôi đã ùa ra sân rình trăng. Còn mẹ, lụm cụm trong bếp. Mẹ chạy đua cùng trăng. Mẹ nấu chè, món chè thập cẩm mà các con đứa nào cũng thích. Rồi mẹ làm bánh, không phải bánh nếp bánh dẻo mà là bánh ú, bột lọc nhân tôm. Loay hoay một mình, mẹ không cho đứa nào phụ. Mẹ bảo cứ chơi cho đã đời đi, chừng nào xong mẹ kêu hẵng về ăn.

Và như thế, chúng tôi yên chí đi chơi. Không cần múa lân, lồng đèn, những đứa trẻ nhà quê tự bày trò chơi trăng. Giữa ngã ba trước nhà, người lớn trong xóm hiểu ý nên nhường chỗ rộng rãi đó cho chúng tôi đùa nghịch mà đi né, chúng tôi nô đùa đủ kiểu. Chơi trốn tìm, chuyển qua bịt mắt bắt dê rồi kéo co, chơi đến chừng mệt đứt hơi thì trở về nhà trong bộ dạng của những... tàn binh. Mẹ không gọi (chắc không nỡ) nhưng khi chúng tôi về nhà thì cỗ bàn đã dọn sẵn, chỉ chờ phá.

Đêm Trung thu, ngôi nhà vách đất lợp ngói được trăng phả vào dòng ánh sáng mờ ảo bỗng lấp lánh, đẹp lạ lùng như ngôi nhà trong những câu chuyện cổ tích. Và giữa cái sân đất rộng rãi có chiếc mâm nhôm sắp đầy những chén chè và những đĩa bánh ú. Không cần tuyên bố lý do, mẹ chỉ bảo nhanh ngồi vào mâm. Mẹ đập đá cho các con ăn chè, hối các con lột bánh ú nóng hổi mà thưởng thức.

Đấy là mâm cỗ thịnh soạn nhất của tuổi thơ- cho đến bây giờ, tôi vẫn không thay đổi ý nghĩ đó. Món chè thập cẩm ngon lạ kỳ. Những chiếc bánh ú được bóc vỏ, lòng bánh trắng trong, nhân bánh rõ hình con tôm hồng hào. Chúng tôi say sưa ăn, mẹ dặn cứ từ từ mà ăn, mẹ nấu nhiều lắm, không phải sợ. Lần nào cũng vậy, tôi luôn bị chị Hai trêu, nó chỉ nín thở ngồi ăn. Trời trời, nói vậy thiệt oan uổng. Có phải mỗi tôi mới thấy ngon miệng, có phải mỗi tôi mới mẫn cán ăn từ màn đầu đến màn cuối đâu. Mà tôi cũng thinh lặng giai đoạn đầu, đang đói, chứ khi đã lửng bụng rồi, tôi vừa ăn vừa làm cái loa phát thanh mà. Tôi khơi mào và lôi kéo anh, chị cùng bé Út vào câu chuyện đó.

Bữa tiệc kéo dài không thời hạn. Mẹ bảo cứ vui chơi thoải mái, kẻo mai thức dậy lại ấm ức chơi chưa đã. Mẹ đã bật đèn xanh như vậy, chị em càng rôm rả hơn. Các con náo nhiệt sôi nổi, ba mẹ chỉ mỉm cười không thành tiếng, lắng nghe những câu chuyện trên trời dưới biển của các con chứ không nói gì. Là ba mẹ đang nhường sân Trung thu cho các con làm chủ- tôi biết. Lâu lâu, ba lắc đầu cười: thêm con vịt nữa thì sân nhà mình xôm hơn cái chợ. Ba nói xong, tiếng các con còn to hơn, inh ỏi hơn lúc chưa nói.

Tiệc tan, các con đi ngủ, mẹ lui cui dọn dẹp.

Sáng hôm sau, mặt mũi đứa nào cũng bơ phờ vì đêm hôm giỡn quá liều. Mẹ hỏi Trung thu vậy có thấy vui hông? Tôi gật lịa rồi hỏi hồi nhỏ, Trung thu của mẹ có gì vui? Mẹ đang vui nhưng nghe con gái hỏi thì ngậm ngùi trả lời: mồ côi từ hồi mới lọt lòng, tuổi thơ mẹ không có Trung thu. Nói xong, mẹ cười nhẹ tênh. Còn tôi, lặng người...

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Hoài niệm.