Coi chừng, “Thượng đế” cũng khóc

Thứ bảy, 16/10/2021 07:20

Nắm tình hình và chủ động công tác phòng ngừa, nhiều đơn vị của Công an tỉnh Quảng Trị đã liên tục gửi cảnh báo đến quần chúng nhân dân về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhất là tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh, tội phạm “biến hóa” nhiều chiêu, từ mời gọi, chăm sóc khách hàng, hoặc giả danh hù dọa khiến nạn nhân dễ lọt bẫy, mất tiền oan. 

Tang vật một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản tín dụng ngân hàng bị cơ quan Công an thu giữ.

Ngày 15-10, Công an TP Đông Hà (Quảng Trị) cho biết đã cảnh báo rộng rãi đến người dân về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền trong quá trình đi mua ô-tô. Theo cơ quan Công an, hiện một số tỉnh đang xảy ra các vụ việc liên quan nhân viên bán hàng của công ty kinh doanh ô-tô lợi dụng để lừa đảo. Cụ thể, đối tượng dùng mẫu hợp đồng mua bán xe của công ty để ký hợp đồng với khách hàng, sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Sự tận tâm, nhiệt tình của đối tượng khiến bị hại mất cảnh giác và ở những phi vụ này, số tiền bị lừa lên hàng trăm triệu đồng. Để phòng ngừa các hoạt động lừa đảo tương tự trên địa bàn, Công an TP Đông Hà một mặt đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân còn đề nghị các công ty, doanh nghiệp tăng cường công tác rà soát hồ sơ của nhân viên, quản lý nhân viên chặt chẽ. 

Một thủ đoạn lừa đảo khác rất đáng quan tâm ở hoàn cảnh hiện tại, khi nhiều người thất nghiệp, kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19. Nắm bắt nhu cầu vay mượn tăng cao, đối tượng lừa đảo mạo danh các công ty tài chính lớn liên hệ với nạn nhân để hỗ trợ vay vốn, thủ tục nhanh gọn. Nạn nhân sau đó được hướng dẫn làm hồ sơ, cung cấp thông tin cá nhân, tải ứng dụng cho vay của các đối tượng. Nạn nhân phấn khởi khi được thông báo đã duyệt được gói vay, đợi tiền về. Nhưng sau đó, lại bất ngờ nhận được báo quá trình giải ngân bị “lỗi”, đề nghị chuyển tiền cọc để làm tin, số tiền này sẽ được hoàn trả. Nghe ngon ngọt, cũng thấy không có gì để mất, nạn nhân chuyển ngay tiền. Cũng chỉ chờ chuyển xong tiền thì đối tượng chiếm đoạt và biến mất, bất chấp mọi nỗ lực liên lạc, tìm kiếm của bị hại. 

Không “mặt đối mặt”, liều lĩnh như thủ đoạn lừa đảo mua ô-tô, đối tượng lừa đảo qua mạng viễn thông cũng tinh vi và táo tợn. Theo đó, thủ đoạn giả danh các nhà mạng điện thoại thông báo trúng thưởng tuy không mới nhưng vẫn khiến người dân sập bẫy. Tâm lý tự nhiên có “lộc” đến bất ngờ mà mất cảnh giác. Theo Công an, những đối tượng lừa đảo trên yêu cầu khách hàng cào thẻ card điện thoại nộp vào tài khoản chúng cung cấp để hoàn thiện các bước thủ tục nhận quà. Đến khi nộp xong thì không liên lạc được nữa. Cũng tương tự như vậy, đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng điện thoại thông báo có người gửi tiền nhưng tài khoản bị lỗi, đề nghị hỗ trợ cung cấp mã số thẻ hoặc mã OTP để kiểm tra. Nếu thiếu cảnh giác, chỉ giây lát sau, tài khoản bị hại đã bị “đục” và hẳn nhiên tiền có sẵn sẽ “rơi tự do” vào túi kẻ lừa đảo. CA cũng nhấn mạnh đến thủ đoạn giả danh cán bộ Tòa án, CA, Viện kiểm sát gọi điện đến cho nạn nhân để thông báo có liên quan các vụ án rửa tiền, tai nạn giao thông… yêu cầu nộp tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, chứng minh thu nhập, cung cấp mã OTP… Lời lẽ của đối tượng đầy hù dọa khiến nhiều nạn nhân răm rắp làm theo. 

Trước đó, Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo kiếm tiền trực tuyến. Cụ thể, các đối tượng phạm tội sử dụng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản thông qua ứng dụng kiếm tiền online giả danh các ứng dụng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới. Với một kế hoạch “đầu tư” tinh vi, nạn nhân sau khi tham gia, nộp tiền chơi game xổ số và trúng do đối tượng lừa đảo tự sắp xếp, nên tưởng bở đầu tư thêm, chơi lớn, lại trúng lớn nhưng để rút tiền ra lại phải nộp thêm tiền phí, thuế... Nhưng nộp xong thì mất cả chì lẫn chài, cả gốc lẫn thưởng.

BẢO HÀ