Coi “ép” nào cũng quan trọng như “ép không”

Thứ sáu, 14/05/2021 12:48

“Hoạt động truy vết cơ bản thực hiện theo form sẵn có. Nhưng chúng tôi tập trung cho các câu hỏi gợi mở, tái hiện để các F nhớ lịch trình. Càng không rõ thì càng phải ưu tiên làm rõ. Chẳng có mô hình hay công thức nào cả, chỉ là chúng tôi truy vết với tinh thần “ép nào cũng là ép không”. Bà Hồ Đàm Như Nga – Chủ tịch UBND P. Tam Thuận, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng chia sẻ khi nói về việc phường được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng biểu dương, khen thưởng về cách làm hay trong công tác truy vết COVID-19.

Người dân P. Tam Thuận tự giác khai báo y tế thuận lợi với phương pháp gợi mở, gợi nhớ của cán bộ y tế. Ảnh: C.K

Càng không rõ càng phải làm cho rõ

Bà Nga kể, hôm trước đang họp BCĐ phòng chống dịch thì Chủ tịch UBND quận thông báo trên địa bàn mới phát hiện ca dương tính. Vì thế lãnh đạo phường nhanh chóng xin phép về sớm, không biết sau đó chủ tịch thành phố biểu dương và đề nghị khen thưởng.

Với dân số 19 nghìn người, địa bàn giáp ranh nhiều phía, cán bộ y tế Tam Thuận phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, tổ trưởng, bí thư chi bộ cơ sở mới có thể “điểm danh” được từng ca để nhanh chóng khoanh vùng dịch tễ. “Một ca mắc COVID-19 liên quan đến đám tang trong đợt dịch năm 2020 ban đầu đã khiến chúng tôi “rụng rời”. Xử lý tốt trường hợp đó đã cho lực lượng chống dịch nhiều kinh nghiệm quý giá. Đuổi theo các F rất mệt mỏi, nên lực lượng y tế phường quyết tâm làm kỹ hồ sơ ban đầu khi khai thác thông tin...”, bà Nga chia sẻ.

So với các địa phương, cán bộ của Trạm y tế P. Tam Thuận không nhiều, thậm chí là thiếu hụt khi trạm trưởng đang trong thời gian nghỉ sinh. Vậy yếu tố nào khiến 5 con người có thể làm chủ việc truy vết, điều tra dịch tễ đối với các F liên quan đến 3 người mắc COVID-19 trên địa bàn? Chị Trần Thị Tình - Phó Trạm trưởng cho biết, ban đầu tâm lý của người liên quan thường ngại hoặc không nhớ nên không khai hết lịch trình. Lúc đó cán bộ y tế vừa phải ghi chép vừa động viên và gợi nhớ, ngoài tờ khai theo mẫu luôn có ghi chú, có người hết vài tờ giấy. Sau khi hoàn thành việc khai báo, cán bộ sẽ đọc lại một lần và hỏi thêm các mối quan hệ, các mốc thời gian, chỗ nào chưa rõ thì lập tức liên hệ với tổ dân phố, chi bộ, hàng xóm để đảm bảo đã “đánh chặn” đúng và trúng.

Chị Nguyễn Thị Minh Hải – cán bộ y tế phường Tam Thuận kể, mấy ngày này, giấc ngủ ngắn lại thường xuyên bị chắp vá khi giữa đêm người dân tới khai báo y tế. Chị em coi trạm như nhà, gọi đâu chạy đó với phương châm chặn trước còn hơn đuổi sau. “Thời gian chủ yếu ở trên trạm, muốn về nhà phải báo trước để các thành viên trong gia đình né đi rồi mới vào nhà. Xong rồi lại vội vã đi”, chị Hải tâm sự.

Y tế - Công an đi một cặp, khu dân cư hậu thuẫn

“Y tế - Công an phải đi một cặp. Không thể truy vết, khoanh vùng thần tốc nếu không có anh em cảnh sát khu vực. Phải nói nếu 2 gọng kìm này phối hợp nhịp nhàng, thêm sự hậu thuẫn, hỗ trợ từ khu dân cư nữa thì mọi việc đều thuận lợi, tranh thủ được thời điểm vàng khi phát hiện các ca F0, F1”, Chủ tịch UBND P. Tam Thuận cho biết.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Thanh - Trưởng CAP Tam Thuận, Q. Thanh Khê, ngay khi phát hiện có ca nhiễm hoặc người tiếp xúc gần, cảnh sát khu vực đã định vị được người đó thuộc tổ nào, các mối quan hệ ra sao, thậm chí trong nhà có những ai… Khi tiếp nhận khai báo, những kỹ năng trong chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng công an sẽ hữu ích với những câu hỏi sâu, gợi nhớ, gợi mở cho F1, F2. Cũng có một số người ban đầu hạn chế những thông tin đời tư, nhưng sau khi nhận thức được tầm quan trọng của phòng chống dịch, họ hợp tác và ủng hộ. Điều này khiến hoạt động truy vết, khoanh vùng diễn ra nhanh chóng.

Theo bà Hồ Đàm Như Nga, hiện tại trên địa bàn phường có 50 tổ phòng chống COVID cộng đồng tương ứng với 50 tổ dân phố. Khi tổ dân phố nào có ca mắc theo thông báo của thành phố thì tổ đó lập tức chuyển trạng thái thành “Tổ COVID F0”, cùng với việc phong tỏa, cách ly khi cần thiết thì hoạt động truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng được thực hiện theo phương châm “đánh chặn từ sớm để khỏi đuổi theo”. “Chúng tôi thống nhất với nhau kiểu gì cũng vất vả thì tốt nhất là nên đánh chặn từ trước thay vì đuổi theo. Chính vì vậy, tất cả các F đều nằm trong tầm kiểm soát. Nghĩa là chịu khó, chủ động, linh động theo thực tế địa phương chứ cũng chẳng có mô hình, sáng kiến nào đặc biệt cả”, Chủ tịch UBND P. Tam Thuận chia sẻ.

Công Khanh