Cõi nhạc Châu Kỳ

Thứ hai, 29/12/2014 08:47

(Cadn.com.vn) - Châu Kỳ là nhạc sĩ hàng đầu thể loại Bolero ở Việt Nam, tài sản âm nhạc của ông là hàng trăm bản tình ca ngọt ngào, còn mãi trong lòng người mộ điệu...

Chân dung cố NS Châu Kỳ

NS Châu Kỳ sinh ra ở làng Dương Mộng (thuộc xã Phú Mỹ, Phú Vang, TT-Huế). Cha ông là bậc thầy về Ca Huế, chị ruột là một "ngôi sao" biểu diễn thời ấy, cùng thời với nữ nghệ sĩ Phùng Há, Năm Phỉ, Ái Liên, Bích Hợp. Cậu học sinh Châu Kỳ có thiên hướng đam mê âm nhạc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học khá giỏi về nhạc lý, sáng tác, kỹ thuật thanh nhạc. Ông hát hay nên bà chị ruột lập đoàn ca kịch hiệu Hồng Thu, đã năn nỉ em... bỏ học để chuyên nghiệp cầm ca. Từ cú sốc mất mẹ trong trận bão lớn, năm 1943, Châu Kỳ viết ca khúc đầu tay Trở về, gây được tiếng vang trong giới tân nhạc, sau đó ông lần lượt cho ra đời các nhạc phẩm: Khúc ly ca, Từ giã kinh thành, Mưa rơi, Khi ánh trăng vàng lên...

Chọn miền Nam làm nơi sinh sống, nhưng Châu Kỳ vẫn dành tình cảm yêu thương nhất đối với quê mẹ, qua những ca khúc "để đời" như Thương về miền trung, Miền Trung thương nhớ, Huế xưa, Hương Giang tôi còn chờ, Tìm nhau trong kỷ niệm... Thời gian dù có phôi pha, nhiều nhạc sĩ theo thể loại trữ tình quê hương hiện nay, đều không phủ nhận là ít nhiều đã chịu ảnh hưởng từ ông.

Vào cuối những năm 1930, ở Việt Nam hầu hết là nghe và hát nhạc Pháp, nên những sáng tác của Châu Kỳ đã xây nền móng cho dòng Tân nhạc kết hợp giữa nhạc phương Tây và cổ nhạc Việt.

Cổng làng (mới) dẫn vào nhà cũ của NS Châu Kỳ.

Bolero là một điệu nhạc nhảy rất thịnh hành ở Tây Ban Nha, du nhập vào Việt Nam những năm đầu của thập niên 1950. Các sáng tác theo thể điệu Bolero phần lớn là những câu chuyện kể, nội dung gần gũi, bình dị, với lối nhạc dễ hát, dễ nghe vì vậy dễ đi vào lòng người. Điển hình nhất là ca khúc Giọt lệ đài trang được Châu Kỳ viết vào năm 1957, ca khúc là chuyện tình có thật của tác giả với cô tiểu thư con nhà trâm anh thế phiệt Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh...

Nhạc sĩ Châu Kỳ đã sáng tác khoảng 200 tác phẩm, góp phần làm nên tên tuổi của nhiều danh ca một thời: Hoàng Oanh, Băng Châu, Chế Linh, Tuấn Vũ, Giao Linh, Phương Dung... Ông được mệnh danh là "vua" nhạc Bolero "thất tình ca", với những bài hát làm lay động lòng người, buồn thương cho những mối tình đẫm nước mắt. Hơn nửa thế kỷ, một số ca khúc vẫn sống được trong lòng công chúng như Đón xuân này nhớ xuân xưa, Miền Trung thương nhớ, Đà Lạt thơ, Đàn không tiếng hát, Chiều trên đồi thông, Huế xưa, Hương Giang tôi còn chờ, Tìm nhau trong kỷ niệm, Mùa thu còn đó...

Vũ Hào