Còn đó nhiều hoài nghi

Thứ hai, 17/09/2018 12:14

Một làn gió mới lại tiếp tục thổi quanh bán đảo Triều Tiên khi Seoul và Bình Nhưỡng gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3,  dự kiến diễn ra từ ngày 18 đến 20-9 tới.

Đến với hội nghị lần này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, một nhân vật theo đường lối tự do và đã có công đảo ngược chính sách cứng rắn bảo thủ nhằm vào Triều Tiên vốn được áp dụng gần một thập kỷ, đặt rất nhiều kỳ vọng. Trong đó, ông Moon Jae-in đặt ưu tiên tìm cách phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ, để từ đó mở đường cho một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Tuy nhiên, có nhiều hoài nghi về cách tiếp cận của ông trong vấn đề Triều Tiên.

Đó là lý do vì sao tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon hiện rớt xuống mức thấp kỷ lục 49% trong cuộc khảo sát của Gallup gần đây. Theo cuộc khảo sát khác được công bố hồi đầu tháng 9, Hàn Quốc hiện đang chia rẽ về việc liệu cuộc gặp thượng đỉnh trong tuần tới ở Bình Nhưỡng có giúp phá vỡ thế bế tắc liên quan ngoại giao hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên hay không. Và đó cũng là lý do vì sao các nhân vật bảo thủ hiện nay ở Hàn Quốc có xu hướng chỉ trích Triều Tiên và tự tách mình khỏi chính quyền của Tổng thống Moon để tự giành lấy lợi ích chính trị của mình. 

Tổng thống Moon đã có bước đi bất ngờ khi yêu cầu lãnh đạo phe đối lập bảo thủ đi cùng ông đến Bình Nhưỡng tham gia cuộc gặp thượng đỉnh, mà theo ông là nhằm giúp cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào tuần tới đạt được bước tiến quan trọng hướng tới phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, phe này từ chối ngay lập tức. Bởi họ cho rằng, câu hỏi lớn hơn nữa đặt ra là liệu Bình Nhưỡng có muốn đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa với Seoul hay không, và họ sẽ đề cập đến ở mức độ nào.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc được cho là có thể sẽ thuyết phục người đồng cấp Triều Tiên cung cấp danh sách chương trình hạt nhân hiện tại của đất nước. Tuy nhiên, không có nhiều hy vọng cho việc này. Căn cứ vào việc Triều Tiên không đưa ra bước đi phi hạt nhân hóa cụ thể, kể cả sau hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, nhiều người thật sự cho rằng, Tổng thống Moon cuối cùng cũng khó gặt hái được những thành công trong chuyến đi này.

Bởi vấn đề không chỉ ở đó. Nếu nhà lãnh đạo này không thể giải quyết các vấn đề kinh tế, ông ấy không thể duy trì được sự hài lòng của người dân với chính phủ nếu chỉ dựa vào chính sách Triều Tiên. Nếu nền kinh tế tồi tệ thêm, người dân Hàn Quốc sẽ không còn mấy mặn mà với vấn đề Triều Tiên mà sẽ tập trung hơn vào các vấn đề kinh tế.

THANH VĂN