Con đường thơm hương
Tất nhiên là bạn có thể cũng đã từng đến một lành hương nào đó trên đất nước. Bởi theo tập tục của người Việt, nhà nào cũng có hương để thắp trên bàn thờ tổ tiên với nhiều loại khác nhau, có phân biệt hương Bắc hoặc hương Nam do cách tẩm mùi. Những làng hương tôi từng đi qua thường bắt gặp hình ảnh hương được phơi trong nắng, chủ yếu chân hương màu đỏ. Ngày xưa, làm hương bằng thủ công, người thợ phải se bột hương bằng tay, nay thì máy móc hỗ trợ từ việc chuốc cây tre lõi đến se bột nhang, nên cây hương được sản xuất nhiều. Với Thủy Xuân, có thể gọi là con đường thơm hương vì nhà nhà trưng bày hương với thiết kế nhiều kiểu khác nhau, thu hút du khách, mua hương thì chẳng bao nhiêu mà check in thì nhiều.
Trên con đường Huyền Trân Công Chúa đó, xe cộ khá vắng, cách Huế khoảng 7 km chỉ nhìn xa là đã biết làng hương. Xe chúng tôi dừng lại ở chỗ có thể nói là không gian rộng nhất với tên: Bảo Anh. Khá bất ngờ khi chính bà chủ tới mở cửa xe, mời tham quan thoải mái. Có lẽ với những người kinh doanh ở đây, việc khách tham quan trước sau cũng sẽ mua một món đồ gì đó. Tôi nói với bà chủ: "Chị cho phép tham quan, nhé". Bà chủ cười tươi, còn sẵn sàng giữ hộ túi xách cho chúng tôi dạo thăm các nơi khác. Chắc chắn hiếm ai tới làng hương để mua hương về làm quà, vì Huế còn có mè xửng, ớt khô, mắm tôm, mắm ruốc… Nhưng đến Huế mà không ngắm nhìn con đường thơm hương chắc chắn là điều thiếu sót. Cả một con đường rõ ràng trang trí hương cho khách check in. Ngay tiệm Bảo Anh chỗ tôi ghé, có tấm bảng hiệu, có chiếc ghế và thiết kế hương chung quanh cho khách chụp ảnh. Nếu không thích, có thể ghé bất cứ tiệm nào cũng được, chẳng ai từ chối những người khách. Hương ở đây được nhuộm đủ màu: xanh, đỏ, tím vàng hình như để tạo màu sắc hơn là để bán. Hương sắp xếp lên kệ, sắp xếp xoay tròn và sắp xếp như một tác phẩm nghệ thuật pha trộn sắc màu, chỉ nhìn vào là thích thú.
Chị chủ Bảo Anh nói, nơi này trưng bày là chủ yếu, còn hương làm ở nơi rộng hơn và vẫn duy trì bằng tay không dùng máy. Chị lại bảo, hương ở đây có nhiều mùi vị: trầm, quế, dầu sả…, loại bằng cây và cả nhang vòng, có khi chỉ đốt lên cho có hương thơm. Thực tế, khách tìm đến Thủy Xuân chẳng phải để mua hương, mà là vì màu sắc và cách thiết kế của hương. Có lẽ, người dân nơi đây cũng biết thế, biết khách đến tham quan là chính, nên họ có thêm dịch vụ cho thuê quần áo để chụp ảnh, bán đồ lưu niệm và nước giải khát. Hương trưng bày chỉ là tạo không gian cho nơi chốn đến, còn việc buôn bán đã có mối ở các chợ, đại lý các tỉnh, chỉ là đóng hàng để giao mà thôi.
Dạo con đường với sắc màu của hương, tôi có cảm giác như đang hòa trộn trên một con đường sắc màu. Tất cả chủ các cửa hàng đều vui vẻ, chị chủ còn để cho tôi chụp một tấm ảnh, chủ các gian hàng khác thì ngồi trên những chiếc ghế ngắm khách, các bạn trẻ thuê quần áo rồi tạo dáng chụp ảnh cho chuyến đi. Mỗi gian hàng bán hương đều có một quầy bán đồ lưu niệm, bán cả đặc sản Huế, cả những chiếc nón lá bài thơ, những móc khóa lưu niệm, lồng đèn và bán cả tiếng cười.
Tôi mua vài món hàng gọi là, dư chút tiền, chị chủ hàng liền lấy thêm một món hàng gói đưa cho tôi. Với chị, khách tới đã là vui, bởi chính hình ảnh khách chụp đưa lên mạng xã hội cũng góp phần cho tiếng tăm làng nghề vươn xa, chị nói thế.
Khuê Việt Trường