Còn mãi với thời gian

Thứ năm, 25/09/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Hiện là nhà quản lý văn hóa, nhạc sĩ Hoàng Bích vẫn miệt mài sáng tác những ca khúc mang đậm hơi thở của quê hương. 40 năm lao động sáng tạo nghệ thuật, ông đã có những tác phẩm có giá trị còn mãi với thời gian.

Nhạc sĩ Hoàng Bích.

“Quan chức” văn nghệ

Nhạc sĩ Hoàng Bích là một “quan chức” văn nghệ đến hơn 30 năm. Từ năm 1976, ông đã trải qua các công việc của một Phó trưởng ban rồi Trưởng ban Văn hóa Thông tin (VHTT) H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Giám đốc Nhà văn hóa huyện. Năm 1993, ông là Trưởng phòng VHTT - Thể dục thể thao; Phó Chủ tịch UBND H. Thăng Bình, phụ trách văn xã; và bây giờ là Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Nam.

Nhưng ông lúc nào cũng giản dị, tuềnh toàng khiến người ta không có cảm giác ông là một “quan chức”. Trong những cuộc vui với bạn bè, ông thích đàm đạo chuyện văn nghệ, chuyện làng văn, làng âm nhạc, rồi nghêu ngao hát vài câu. Với ông, cuộc sống có những niềm vui giản đơn bên bạn bè, gia đình, người thân, trong sự nghiệp âm nhạc có một vài tác phẩm được nhiều người nhớ đến, như thế là hạnh phúc lắm rồi. Ông dường như thoát ra khỏi cái “ảo tưởng vĩ nhân” thường có ở nhiều văn nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ tỉnh lẻ, bởi ông đã nếm trải nhiều vui buồn, cay đắng và cả vinh quang trong cuộc đời.

Ông xem nhiều giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam là những kỷ niệm đánh dấu một chút thành công trên chặng đường sáng tác của mình. Mỗi khi có ai nhắc đến những thành quả này, ông chỉ cười và bảo: “Chẳng qua là họ ưu ái cho tôi, chứ còn khối người tài giỏi với những ca khúc hay đấy thôi”. Rồi cũng có người đố kỵ, nói về ông thế này thế kia, nhất là khi ông giữ những trọng trách quan trọng của huyện, nhưng ông nói rằng, cái sự vuông tròn trong trời đất âu cũng là lẽ thường. Ông vẫn miệt mài với công việc, với cây đàn guitar...

Có lúc Hoàng Bích được mời làm giám khảo trong những cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, dù đôi khi phải lên tận những huyện miền núi, nhưng ông hầu như chưa từ chối lời mời nào. Ông mong muốn phong trào văn hóa văn nghệ ở những địa phương còn nhiều khó khăn trên địa bàn Quảng Nam sôi nổi và phong phú hơn, xem đó như một món ăn tinh thần để kích thích bà con hăng say lao động sản xuất. Ông còn dành thời gian để lắng nghe các ca khúc mang âm hưởng dân gian và nghiên cứu thêm về dòng nhạc dân gian bởi đó cũng chính là âm hưởng chủ đạo trong các sáng tác của ông.

Ca từ giản dị

Năm 12 tuổi, cậu bé Hoàng Bích tập tành sáng tác ca khúc và bài “Giấu lúa” đã ra đời vào năm 1966, thời kháng chiến chống Mỹ, khi bom đạn không ngừng dội xuống vùng quê Thăng Bình ngăn người dân tiếp lương thực cho cách mạng. Dù trong bài hát có những câu chữ chưa thật chuẩn xác nhưng việc học sinh Trường Lý Tự Trọng, Thăng Bình đều ngân nga ca khúc này càng thêm gieo vào lòng Hoàng Bích tình yêu âm nhạc và tình yêu quê hương. Hàng loạt ca khúc ra đời sau đó như “Tam Kỳ nổi dậy”, “Hát về em gái quê hương”, “Cây lúa quê tôi”, “Hồ Cao ngạn”, “Hạt bụi hồng”, “Hỏi mùa thu”..., và sau này là nhiều tác phẩm khí nhạc soạn cho đàn bầu, piano, violon.

Năm 1975, ca khúc “Hát về người em gái quê hương” ca ngợi người phụ nữ Việt Nam anh hùng được công bố trên Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng và sau đó được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Người dân TT Hà Lam, H. Thăng Bình đã tập trung dưới loa đài để thưởng thức bài này. Lúc đó, Hoàng Bích 22 tuổi. 

Những năm tháng theo Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Quảng Nam đã tạo điều kiện cho Hoàng Bích gắn bó với các loại hình hát, múa, ca kịch... Những ngày ấy, với cây đàn và tiếng hát, Hoàng Bích đã đi khắp nơi ở chiến trường Quảng Nam. Năm 1986, ông có hàng loạt tác phẩm được phổ biến và được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Việc được xem là thành công từ rất sớm dễ tạo cho người văn nghệ sĩ sự ảo tưởng, nhưng Hoàng Bích rất ít khi tự nói về mình. Ông thường lặng lẽ rút lui khỏi những cuộc gặp gỡ ồn ào và biết tránh những lời tâng bốc nhau theo kiểu xã giao. Ca từ trong sáng tác của ông cũng giản dị như chính cuộc sống thường nhật của ông. Đi nhiều, ông thẩm thấu những cái hay, cái đẹp của những vùng đất và đời sống của người lao động. Ca khúc của Hoàng Bích không quá ngợi ca một cách sáo rỗng, ông viết về quê hương đất nước, về đồng đội, về người mẹ Việt Nam anh hùng và về tình yêu bằng sự giản dị trong chính tâm hồn mình, bằng vốn sống và tri thức. Ngôn ngữ âm nhạc của ông bắt nguồn từ âm nhạc dân gian pha lẫn hơi thở hiện đại, vừa da diết, nồng nàn, vừa mang tính bác học, lại vừa mang tính đồng quê. Và nhạc sĩ Thuận Yến cho rằng, dù ở hình thức nào, thể loại nào, dù là khí nhạc hay thanh nhạc, nhạc sĩ Hoàng Bích cũng có một ngôn ngữ riêng.

Bây giờ, ở cái tuổi 55, ngoài công việc, ông tìm niềm vui bên con cháu. Các con của ông đều đã thành gia thất. Xúm xít bên ông là cháu nội, cháu ngoại, nghe tiếng trẻ cười nói bi bô, ông thấy lòng thật thanh thản. Thỉnh thoảng Đài Truyền hình Đà Nẵng, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam hay Đài Truyền hình Việt Nam... phát lại các ca khúc của ông, nhất là bài “Hát về em gái quê hương”, ông lại lâng lâng niềm hạnh phúc.

Tú Phương