Con người là trung tâm của thành phố thông minh

Thứ năm, 24/10/2019 12:06

Bên lề hội nghị thượng đỉnh, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT  Việt Nam) đã chia sẻ những giải pháp xây dựng thành phố thông minh (TPTM).

Ông Trương Gia Bình.

P.V: Việc xây dựng TPTM ở Việt Nam đang gặp khó khăn gì thưa ông?

Ông Trương Gia Bình: Đầu tiên là nhận thức về tầm quan trọng của TPTM. Phải nói rằng đây là phương thức phát triển trên toàn thế giới vì chúng ta đang bước sang kỷ nguyên số. Thứ nữa, TPTM vẫn là một khái niệm mới. Nó là gì, cái gì quan trọng nhất, vẫn chưa đồng nhất. Khó khăn cuối cùng, song cũng là đầu tiên, chính là tiền ở đâu? Phải có quyết tâm đầu tư và cơ chế đầu tư thế nào? Đây đang là vướng mắc làm chậm tiến độ TPTM.

P.V: Theo ông đâu là nền tảng để xây dựng TPTM?

Ông Trương Gia Bình: Khi chúng ta nói đến TPTM là nói đến dữ liệu và nguồn dữ liệu rất lớn. Nguồn dữ liệu ấy phải được thông suốt, trong đó 5G là hạ tầng để truyền dữ liệu không dây mang tính quyết định. Ngoài ra, chúng ta phải có hạ tầng dữ liệu cho tất cả các hệ thống hạ tầng quốc gia, đây là điều bắt buộc phải làm. Cuối cùng, phải tạo cơ chế để thiếu ngân sách xây dựng TPTM thì có các Cty công nghệ đầu tư. Tôi hiểu các Cty công nghệ Việt Nam sẵn sàng đầu tư. Tiền không phải vấn đề với họ, mà cơ chế mới quan trọng. Cơ chế phải đi vào cuộc sống thật nhanh. Sự lãng phí thời gian lúc này ảnh hưởng rất lớn tới vận mệnh tương lai đất nước.

P.V: Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng TPTM cần làm gì thưa ông?

Ông Trương Gia Bình: Đầu tiên phải đưa nhanh vào các quy chế, quy tắc, tiêu chuẩn của TPTM để người ta biết phải xây dựng như thế nào. Thứ nữa, phải phát triển một quy chế thông thoáng về hợp tác công tư, làm sao để tiến độ của đề án thay vì 1-2 năm xuống còn vài tháng. Đơn cử với Đà Nẵng, tôi rất vui mừng khi Đà Nẵng được giải cao quý của Hiệp hội CNTT và Dịch vụ máy tính Châu Á- Thái Bình Dương. Điều đó ghi nhận TP Đà Nẵng đã đi sớm và làm tốt việc xây dựng TPTM nhưng khối lượng công việc còn rất lớn, phải nhanh, nhanh hơn nữa.

P.V: Thưa ông, TPTM sẽ phục vụ người dân thế nào?

Ông Trương Gia Bình: Cuộc chuyển đổi số hay CMCN 4.0 người ta lấy người dân làm trung tâm. Vậy thì phục vụ người dân thế nào? Trước tiên người dân được hưởng nước sạch, người dân đi lại không bị tắc nghẽn giao thông, người dân ốm đau đến viện không phải chờ đợi lâu, được chữa bệnh bằng thuốc tốt. Thứ nữa, người dân ra đường phải được an toàn, an ninh. Đó là các thứ đầu tiên mà TPTM phải đáp ứng. Còn nếu nói lên nữa, TP phải xanh, phải sống như trong rừng cây, không khí trong lành, đấy là mục tiêu hướng tới.

P.V: Muốn như vậy, người dân phải có năng lực công nghệ mới có thể sống trong TPTM?

Ông Trương Gia Bình: Rất may mắn, với khởi sự của Job, công nghệ và cả thế giới đã nằm trên tay bạn với 1 cái chạm. Đấy không phải vấn đề. Ở Singapore có ứng dụng trên điện thoại thông minh khi đi ô-tô sóc họ lập tức báo “ô-tô sóc” và nhà nước lập tức phải sửa con đường đó. TPTM phải là sự tương tác thường xuyên giữa Chính phủ và người dân, lấy người dân làm trọng tâm.

P.V: Cảm ơn ông đã chia sẻ.

HẢI QUỲNH (thực hiện)