Còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
(Cadn.com.vn) - Ngày 6-8, Đoàn giám sát do ông Trần Việt Hùng – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trưởng đoàn cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương đã có buổi làm việc triển khai giám sát thực hiện chủ trương, quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Gia Lai.
Tỉnh Gia Lai có diện tích rừng lớn nhất Tây Nguyên và thứ 2 của cả nước với gần 721.000ha đất có rừng (trong đó rừng tự nhiên: gần 659.000ha), độ che phủ rừng đạt 46,3%. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) tại Gia Lai diễn biến phức tạp, phá rừng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi và kể cả có cán bộ kiểm lâm, cán bộ QLBVR tiếp tay cho lâm tặc.
Bên cạnh đó, dù tại Gia Lai không còn chỉ tiêu khai thác gỗ tự nhiên nhưng qua quá trình giám sát tại địa phương vẫn còn nhiều cơ sở chế biến gỗ được cấp phép hoạt động. “Gia Lai có tới 276 cơ sở chế biến mà hoàn toàn lấy gỗ từ rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên. Đây là tỉnh có nhiều cơ sở chế biến nhất khu vực Tây Nguyên nhưng diện tích trồng rừng của tỉnh thì thấp nhất khu vực. Rừng tự nhiên đã đóng cửa, chế biến lâm sản thì không trồng rừng sản xuất thì lấy gỗ ở đâu ra mà chế biến. Đây là câu chuyện bất cập”, ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nêu thực tế.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - ông Trần Việt Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Liên quan đến chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai đã được Đoàn giám sát phân tích kỹ và minh chứng rằng công tác này đã không đi đúng hướng. Bởi từ chủ trương của Chính phủ, hai mục tiêu chính của việc chuyển đổi rừng nghèo là phục vụ tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người đồng bào DTTS trong vùng dự án.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng vụ nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương phân tích: “Tỉnh Gia Lai có gần 36.000 ha đất rừng nghèo chuyển đổi mà chỉ giải quyết việc làm cho 986 lao động người đồng bào DTTS tại chỗ là quá ít. Trong kiểm tra giám sát theo yêu cầu của Thường trực Ban Bí thư về chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, chúng tôi rất không đồng tình là toàn bộ diện tích chuyển rừng nghèo sang trồng cao su là giao cho các doanh nghiệp nhưng họ không gắn với việc giải quyết đất ở, đất sản xuất. Không những thế, còn xảy ra việc tranh chấp đất ở, đất sản xuất giữa đồng bào DTTS tại chỗ với các công ty này”.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trần Việt Hùng đề nghị: Gia Lai vẫn cần phải thực hiện giải quyết những tồn tại về việc chuyển đổi rừng nghèo trồng cao su đúng như chủ trương của Chính phủ nhằm đạt các mục tiêu là tạo sinh kế và phát triển đời sống cho đồng bào DTTS tại địa phương.
Đồng thời, các cơ quan chức năng tỉnh phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là các đầu nậu lâm tặc và các cơ sở chế biến lâm sản bất hợp pháp. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cần phải coi việc trồng và tu bổ rừng là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện công tác này được tốt hơn trong thời gian tới.
Minh Tân