Còn nhiều bất cập trong thi hành Luật phòng chống tham nhũng và hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ năm, 06/10/2016 10:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-10, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị thành phố Đà Nẵng gồm các đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Thị Kim Thúy đã có buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV với Hội Cựu chiến binh (CCB) và các doanh nhân nữ thuộc Hiệp hội Doanh nhân nữ thành phố. Tại các buổi tiếp xúc, đã có gần 15 lượt ý kiến của các CT gửi đến Tổ ĐBQH về các vấn đề trong Luật Phòng chống tham nhũng và các vấn đề kinh tế, an sinh xã hội…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy thay mặt Tổ đại biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các CT.

Nhiều bất cập trong phòng chống tham nhũng

Tại buổi TXCT chuyên đề về Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) của ĐBQH thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của Thường trực Hội CCB TPĐN đã thu hút hơn 80 đại biểu đại diện cho 19.200 hội viên (HV) Hội CCB ở các quận, huyện, các đơn vị trực thuộc. Hội nghị tiếp nhận 8 ý kiến đóng góp tập trung vào các vấn đề về chủ quyền biển, đảo, những bất cập trong thi hành Luật PCTN năm 2005 và chế độ chính sách đối với người tham gia cách mạng.

Ông Huỳnh Minh Chức-Chủ tịch Hội CCB TPĐN cho rằng, qua 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005 đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, theo Chỉ thị 50-CT/TƯ ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị thì tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, việc phát hiện, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng phát hiện ít, một số vụ việc xử lý kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc, hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.  Ông Chức nêu ra các vấn đề bất cập trong thi hành Luật PCTN như: quy định về công khai minh bạch chưa bao quát, về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, chưa kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ; quy định về xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan tổ chức chưa rõ ràng; quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng gồm cơ quan kiểm tra của Đảng, kiểm toán, thanh tra Nhà nước và cơ quan giám sát chưa phù hợp; quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng thiếu biện pháp bảo đảm, chưa xác định rõ vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Luật PCTN và các văn bản trong hệ thống pháp luật, thiếu quy định về biện pháp xử lý và trình tự, thủ tục, thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm Luật PCTN... Ông Chức đề nghị Quốc hội cần có sự quan tâm, chỉnh sửa các vấn đề trên để Luật PCTN phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Doanh nghiệp rất sợ thanh tra, kiểm tra

Tại buổi tiếp xúc, đã có 7 lượt ý kiến của các nữ doanh nhân gửi gắm đến các ĐBQH, tập trung vào các vấn đề ô nhiễm môi trường biển sau sự cố Formosa, những thách thức đối với doanh nhân nói chung, doanh nhân nữ nói riêng trong quá trình hội nhập, các vấn đề liên quan đến tăng lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tình trạng thanh tra, kiểm tra quá nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ chính sách cho lao động nữ, chống tham nhũng...

CT Phạm Thị Xuân Nguyệt- Phó Giám đốc Cty 29-3 cho rằng, việc tăng lương, tăng các khoản về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... khiến khoản tăng chung mà doanh nghiệp phải gánh chịu thêm lên đến gần 35% so với trước đây, nên đây là một gánh nặng cho doanh nghiệp. Cùng chung quan điểm này, CT Nguyễn Thị Anh Đào-Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á cho rằng, vấn đề là lương người lao động (NLĐ) hiện nay thấp, chúng ta muốn tăng lương cho NLĐ, nhưng lương tăng chưa được bao nhiêu mà các khoản khác kéo theo đã tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp phải "còng lưng" gánh thêm kinh phí, từ đó sẽ giảm sức cạnh tranh, số khác lại tìm cách để giảm lao động xuống, tăng công việc, áp lực cho NLĐ... Trong khi đó CT Nguyễn Thị Yến-Cty Intimex Đà Nẵng cho rằng, tình trạng thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hiện nay quá dày đặc, hết thanh tra chuyên ngành đến thanh tra liên ngành. CT Yến đơn cử, Cty có kinh doanh về thực phẩm vì vậy có vấn đề kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, việc kiểm tra này lại được nhiều đơn vị như Sở Công Thương, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Cảnh sát môi trường... tiến hành thanh, kiểm tra, rồi có đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra, thanh tra. Nội dung thanh, kiểm tra lại cứ na ná nhau nên gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phản ánh của các nữ doanh nhân đồng thời cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để phản ánh trong kỳ họp tới. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, vấn đề mà các nữ doanh nhân nêu ra đều có sơ sở, vì vậy Đoàn ĐBQH thành phố sẽ bố trí buổi làm việc với các đơn vị liên quan để giải quyết từng nội dung, đặc biệt là vấn đề  liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đại biểu Kim Thúy cũng thừa nhận vấn đề thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hiện quá nhiều, thời gian tiếp các đoàn thanh tra dài. Mặt khác khi có thanh, kiểm tra người ngoài nhìn vào không biết lại nghĩ rằng doanh nghiệp "có vấn đề"  mới bị thanh, kiểm tra điều này vô tình ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, quyền lợi của doanh nghiệp nên cần phải được xem xét, giải quyết hợp lý.

Nguyễn Tuấn-Hiền Minh