Đà Nẵng sau một tháng ra quân xử lý xe khách trá hình:

Còn nhiều diễn biến phức tạp

Thứ năm, 19/09/2013 11:06

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-9, tại Hội trường Cty cổ phần Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Văn Chính – Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng chủ trì hội nghị sơ kết 1 tháng ra quân xử lý xe khách trá hình hoạt động trên địa bàn TP Đà Nẵng. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý loại hình vận tải phi pháp này đã được các phòng, ban chức năng CATP Đà Nẵng và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thảo luận, tìm hướng giải quyết.

Đại tá Nguyễn Văn Chính - Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tập trung xử lý 10 “điểm đen”

Theo thượng tá Phan Thanh Sương - Trưởng Phòng CSTT CATP Đà Nẵng, thực hiện Công văn số 5554/UBND-QLĐT của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về xử lý kiến nghị liên quan đến việc các xe khách trá hình gom khách, hai ngành Công an và GTVT tổ chức lực lượng, thành lập Tổ công tác liên ngành gồm các đơn vị: Phòng CSTT, Phòng CSGT và Thanh tra giao thông.

Hằng ngày, lực lượng này tổ chức tuần tra kiểm soát (TTKS), trong đó tập trung xử lý 10 “điểm đen” có các xe dù hoạt động được UBND TP chỉ đạo xử lý gồm: KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang (Q. Sơn Trà), đối diện khách sạn Đại Long, Cty Đình Nhân, Cty Phát Xuân Tùng, Hãng xe Thanh Thủy, phía sau bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Bình Dân cùng địa bàn Q. Thanh Khê, Gara ô-tô Hoàng Dũng, Bệnh viện Quân y 17 và Bệnh viện Đà Nẵng cùng địa bàn Q. Hải Châu.

Kết quả sau 1 tháng ra quân, tổ liên ngành phát hiện 848 trường hợp vi phạm, lập 828  biên bản vi phạm hành chính với số tiền 580 triệu đồng. Trong số này, có 712 xe ô-tô vi phạm các lỗi đỗ, dừng, bắt khách sai quy định, đi ngược chiều, vào đường cấm, không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông...

Lách luật bằng các hợp đồng khống

* Cùng ngày, Sở GTVT TP Đà Nẵng công bố kết luận thanh tra (TT) đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô-tô tại 20 đơn vị KDVT vận chuyển khách theo hợp đồng, khách du lịch và vận tải hàng hóa bằng container. Báo cáo TT chỉ rõ, hầu hết các đơn vị bị “điểm mặt” trong đợt TT đều bộc lộ sự buông lỏng quản lý trong hoạt động vận tải, dẫn đến nhiều vi phạm.

Trong đó  100% số xe không cung cấp đủ các thông tin tối thiểu về thông tin về xe và lái xe; hành trình của xe; tốc độ của xe; số lần và thời gian dừng, đỗ xe...; đã có những lái xe sử dụng ma túy, nhiễm HIV; hợp đồng lao động với lái xe và nhân viên phục vụ hầu hết chưa đảm bảo các nội dung theo quy định; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe. Trong khi đó, một số đơn vị có sự thay đổi về số lượng phương tiện và nơi đỗ xe so với phương án kinh doanh đề nghị cấp giấy phép KDVT nhưng không thông báo cho cơ quan cấp phép theo dõi...

* Cũng trong ngày 18-9, Trung tâm Quốc tế về chính sách Chất có cồn (ICAP), Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT Đà Nẵng tổ chức phát động và ký kết triển khai giai đoạn 2 (2013-2015).

C.H

Mặc dù tổ công tác liên ngành tăng cường kiểm soát, xử lý nhưng hiện tượng xe dù, bến cóc tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp, nhất là đối với các xe khách trá hình núp bóng chạy hợp đồng và du lịch. Ông Lê Viết Hoàng - Tổng Giám đốc Cty cổ phần vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng phản ánh, hiện nay tại Đà Nẵng, xe khách của 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định chạy hợp đồng ra Đà Nẵng rất đông, đa phần lách luật bằng các hợp đồng khống, không chỉ gây khó khăn cho các xe kinh doanh tuyến cố định mà còn ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương.

Ông Hoàng viện dẫn, trước đây tỉnh Quảng Ngãi có 70 xe khách đăng ký với Cty chạy tuyến cố định, nhưng hiện nay hầu hết các xe này bỏ tuyến ra chạy hợp đồng, chỉ còn 26 xe vào bến. Việc có quá nhiều xe chạy hợp đồng làm phát sinh xe dù, bến cóc và cạnh tranh không lành mạnh với xe cùng tuyến cố định. Qua khảo sát thực tế, nhiều xe hợp đồng từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng phóng nhanh, vượt ẩu, chỉ chạy trong vòng 1,5 giờ đồng hồ, luồng lách qua nhiều tuyến đường để trốn tránh cơ quan chức năng.

Cũng về vấn đề này, Thượng tá Lê Ngọc - Phó Phòng CSGT CATP Đà Nẵng khẳng định, hiện nay các cơ quan chức năng chỉ kiểm soát được xe chạy tuyến cố định, còn xe hợp đồng và du lịch thì rất khó quản. Qua khảo sát thấy rằng, nhu cầu đi lại của người dân từ Bình Định và Quảng Ngãi ra Đà Nẵng là rất lớn, từ 300 đến 500 lượt khách/ngày.

Các xe tổ chức đón khách tại 2 địa phương này rồi làm hợp đồng chuyển ra Đà Nẵng. Trong câu chuyện này, hành khách được lợi là được đưa đón tận nơi và có thể mang theo phương tiện hành nghề (đối với ngư dân). Cái khó trong quá trình xử lý với các loại phương tiện này là đa phần chủ xe đều có hợp đồng, thậm chí mang theo rất nhiều hợp đồng khống.

Theo ông Nguyễn Xuân Ba - Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, trước thực trạng xe khách trá hình, lãnh đạo Sở GTVT  đã làm việc với 2 ngành đồng cấp tại Quảng Ngãi và Bình Định để tìm hướng giải quyết. Kết quả, 3 đơn vị đã đạt được một số thỏa thuận về mặt quản lý Nhà nước để trị tận gốc tệ nạn này như: Thường xuyên trao đổi thông tin về nhật trình của từng phương tiện.

Đối với các xe chạy hợp đồng chỉ được đăng ký 1 điểm đi và 1 điểm đến, không chạy lòng vòng nhiều nơi... Cũng theo ông Ba, trong quá trình xử lý vi phạm, tổ liên ngành nên chú ý đến phù hiệu dán trên xe. Nhiều xe đã hết thời hạn cấp phù hiệu nhưng chủ phương tiện sử dụng phù hiệu giả để lách luật.

 

Tăng cường hơn nữa công tác TTKS

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Đại tá Nguyễn Văn Chính - Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng nêu rõ, nguyên nhân căn bản để tồn tại loại xe khách trá hình núp bóng hợp đồng và du lịch là vì chủ phương tiện muốn né các loại phí, thuế. Thêm nữa, nhu cầu của người dân muốn đi lại nhanh hơn, thuận tiện hơn nên loại xe khách này mới có đất hoạt động.

Thời gian đến, để xử lý triệt để, lực lượng liên ngành phải tiếp tục tăng cường công tác TTKS và có sự điều chỉnh phù hợp với phương thức, thủ đoạn đối phó của chủ phương tiện. Trong quá trình tác nghiệp cần kết hợp xử lý các lỗi khác như: đi vào đường cấm, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, đậu đỗ sai quy định... Quá trình phối hợp giải quyết giữa các lực lượng trong tổ liên ngành cần phải chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng chức năng nhiệm vụ.

Ngoài lực lượng liên ngành, công an các đơn vị địa phương cũng cần phải chủ động TTKS, xử lý các điểm xe dù, bến cóc ở địa bàn mình quản lý. Về phía Sở GT-VT cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước, thường xuyên thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhất là hậu kiểm khi đã cấp giấy phép kinh doanh. Sớm nghiên cứu phối hợp kiểm tra hệ thống kiểm soát nhật trình trên từng phương tiện, nếu chưa có hướng dẫn xử lý thì công khai vi phạm đối với chủ phương tiện.

Về phía Cty cổ phần Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cũng nên nâng cao chất lượng phục vụ, sớm nghiên cứu mở tuyến trung chuyển trong nội thành Đà Nẵng để phục vụ tốt nhất nhu cầu hành khách.

Đinh Nga