“Con ơi! Mẹ đến đây rồi!”

Thứ hai, 25/11/2013 13:38

(Cadn.com.vn) - Đến Lữ đoàn PK573 – Quân khu 5 để phản ánh tình hình đơn vị giúp dân khắc phục hậu quả sau trận lũ lịch sử vừa xảy ra trên địa bàn thị xã An Nhơn (Bình Định), tình cờ chúng tôi nghe được câu chuyện cảm động về tình cảm của hai mẹ con người dân  địa phương bị chia cắt bởi dòng nước lũ.

Hơn 9 giờ sáng ngày 16-11, chiếc ca nô cứu hộ của Lữ đoàn Phòng không 573 (Quân khu 5) cặp bờ, đưa hơn 30 người từ trong vùng lũ ra đến nơi sơ tán, trong lúc mọi người lục đục bước xuống, thì có một phụ nữ trẻ tự ý trèo lên ca nô.

Những khoảnh khắc xúc động trước, ...

Thấy cô gái khóc nức nở, Thượng tá Nguyễn Bá Khanh, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn lại gần hỏi han. Cô gái cho biết, cô là Lê Thị Hòa 24 tuổi, nhà ở P. Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, là công nhân của một công ty tư nhân, có chồng nhưng đã ly dị hơn 1 năm nay. Sáng 15-11, chị Hòa con mang con gái là Vũ Lê Anh Thư mới 18 tháng tuổi vào nhà mẹ đẻ cách đó gần 3km gửi để đi làm. Nào ngờ buổi chiều tan ca, nước đã ngập cao chị không thể về đón con.

Lo cho con, cả đêm 15-11 chị Hòa liên tục điện thoại cho mẹ và các em hỏi thăm tình hình, hướng dẫn cách cho cháu ăn, cháu ngủ. Nhưng do cháu Thư vẫn còn bú mẹ và ăn sữa, lúc sáng chị chỉ gửi đủ sữa uống trong ngày cho con chứ không có dự phòng, giờ sữa hết, cháu đói nên khóc cả đêm không chịu ngủ.

Sáng 16-11 chị mất liên lạc hoàn toàn với mọi người, điện vào số máy nào cũng không liên lạc được. Đứng đợi hơn cả đêm nhưng con mình vẫn chưa được đưa ra, nên chị sốt ruột xin đi theo đoàn vào đón cháu.

... trong ...

Cán bộ, chiến sĩ ai cũng cảm thông cho hoàn cảnh của chị, đội cứu hộ quyết định đặc cách cho chị theo sau khi đã hướng dẫn chị mặc áo phao cẩn thận. Là người địa phương, song giữa dòng nước lũ, mất gần 1 giờ chị vẫn không xác định được đường đưa lực lượng cứu hộ về nhà mẹ đẻ.

Khắp nơi một màu trắng xóa của nước, những ngôi nhà bị ngập chỉ còn trơ mái. Mất phương hướng hoàn toàn, lo cho con, không cầm lòng được, chị khóc nấc lên. Trong lúc tìm nhà chị Hòa, nhưng mọi người còn kịp cứu thêm được 4 cụ già từ những ngôi nhà chìm sâu trong nước lên ca nô. Lượng xăng dự trữ sắp hết, anh em đành neo ca nô vào một cột điện, tìm cách gợi chuyện để chị Hòa bình tĩnh, sau chị nhớ ra nhà mẹ cách mấy cái lò gạch cũ khoảng 200m, nếu đến được đó chị có thể chỉ tiếp đường về nhà.

Thượng tá Nguyễn Bá Khanh nhanh chóng điện thoại hỏi một cán bộ của địa phương vị trí những chiếc lò gạch. Theo chỉ dẫn, chiếc ca nô tiếp tục nổ máy, thẳng hướng lò gạch tăng tốc. Quả nhiên chị Hòa đã xác định được phương hướng và tìm thấy nhà mình.

Một tình huống nữa lại xảy ra, ca nô không thể tiếp cận ngôi nhà do vướng ngọn cây và dây điện. CBCS cũng không dám liều lĩnh bơi vào đưa cháu bé ra vì nước lớn, sẽ rất nguy hiểm cho cháu. Mọi người đành bơi vào các nhà dân gần đó, xem ai có thuyền nhờ họ giúp nhưng không có kết quả. May mắn, hai chiếc thuyền đi lấy củi tình cờ chạy ngang qua, nên được huy động.

... và sau khi mẹ con chị Hòa gặp lại nhau.

Cháu bé được hai người cậu chở ra ca nô. Nhìn chiếc thuyền nhỏ và cháu bé liêu xiêu trong dòng nước, ai cũng thót tim, còn chị Hòa đưa tay lên cầu trời khấn phật. Có một điều lạ là khi người cậu ôm trong lòng, cháu Thư rất ngoan và không hề khóc. Vậy mà khi chị Hòa vừa bế cháu lên ca nô, cháu khóc, lẫy và vung tay đánh vào người mẹ thùm thụp.

Cả hai mẹ con đều nức nở. Phải gần một phút dỗ dành con, cháu bé mới chịu nín và ngậm bầu vú mẹ say sưa bú. Thì ra cháu hờn vì bị mẹ đã “bỏ rơi”, cháu đâu biết rằng cả đêm qua và sáng nay mẹ cháu đã gần như kiệt sức vì lo cho cháu.

Được mọi người dìu vào nơi sơ tán an toàn, chị Hòa vừa khóc vừa hỏi tên những ân nhân đã cứu mẹ con mình. Song chiếc ca nô đã quay đầu, tiếp tục tăng tốc hướng về vùng lũ, mọi người chỉ kịp nhắn lại phía sau “chúng tôi là bộ đội Lữ đoàn Phòng không 573”.

 Nguyễn Việt Hùng