“Con sóng dưới lòng sâu”
Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế nói vui với nhau rằng, trong bộ đồ bảo hộ đặc chủng vừa nặng vừa nóng trông họ giống như những “phi hành gia” vừa thực hiện nhiệm vụ cách ly chống dịch vừa chăm sóc bệnh nhân. Vậy thì những bệnh viện lớn của Đà Nẵng được phong tỏa để chống dịch trông giống như con tàu khổng lồ gặp phải sự cố. Nhiệm vụ của họ là phải vừa tự vận hành xử lý sự cố vừa đảm bảo an toàn cho những người trên chuyến tàu bằng việc chạy đua không nghỉ với thời gian.
Các y, bác sĩ vừa cứu chữa vừa vào vai người thân chăm sóc bệnh nhân những ngày phong tỏa. |
Cuộc chạy đua dữ dội giữa lằn ranh “âm - dương”
Sáng 28-7, hàng rào phong tỏa được lập khiến 3 bệnh viện lớn trên một tuyến phố của nội thành là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng rơi vào cảnh im ắng lạ thường. Trong khi người dân được khuyến cáo tránh xa, nhiều người được giải phóng khỏi bệnh viện thì hàng nghìn bác sĩ, y tá, nhân viên y tế gấp rút cho một cuộc bám trụ. Ở đó, họ phải thực hiện nhiệm vụ kép là kiểm tra sức khỏe của chính mình và sát cánh cùng bệnh nhân nặng, những người mà họ xem như người thân.
Trong đêm đầu tiên, với nhận định từ Ban Giám đốc các bệnh viện Đà Nẵng là không loại trừ có một số y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị lây nhiễm Covid-19 từ các bệnh nhân vừa mới được phát hiện, nhiều người đã sống trong nỗi lo âu phập phồng không sao chợp mắt. Dù xác định tâm lý từ đầu là bác sĩ cũng có thể trở thành ca bệnh và được đọc “số báo danh” bất cứ lúc nào, nhưng vượt qua nỗi lo sợ cho bản thân, phía sau họ còn là cha mẹ, con cái, người thân. Đêm đầu tiên dài đằng đẵng rồi cũng qua với một số đồng nghiệp được gọi tên, họ chuyển từ cảm giác lo lắng sang bình thản vì những kế hoạch trong đầu đã được vạch lên cho 2 chữ “âm - dương”.
“Tất cả đã chuẩn bị cho một “cuộc chiến”. Nếu là dương thì sẽ chiến đấu với chính mình. Nếu âm thì chúng tôi làm việc gấp đôi để đồng nghiệp mình nghỉ ngơi điều trị và làm thêm việc để đảm bảo bệnh nhân không thấy khoảng trống. Không được phép ôm nhau nữa, nhưng qua ánh nhìn chúng tôi cùng hạ quyết tâm với nhau. Sẽ chiến thắng”, nữ điều dưỡng Thái Thị Thu Hà (phòng khám Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng) tâm sự.
Những ngày cách ly tại bệnh viện, vượt qua cảm giác phập phồng, thấp thỏm giữa lằn ranh “âm - dương” họ nhanh chóng vững chãi bên nhau trong môi trường sống, sinh hoạt và làm việc khắc nghiệt chưa từng có. Trong bộ đồ bảo hộ phân theo hai cấp độ trắng - xanh, khẩu trang, găng tay, kính chống giọt bắn, cường độ làm việc tăng lên, mức độ nguy hiểm nhiều hơn khi mà công tác rà soát, xét nghiệm vẫn được thực hiện gấp rút. Nhiều người ngủ thiếp đi bên góc tường, trên bàn làm việc, trên băng ca, chân cầu thang, trong bộ đồ “phi hành gia” ám ảnh sau nhiều giờ đồng hồ chăm sóc bệnh nhân, vận chuyển, phân chia thực phẩm, đồ dùng thiết yếu tiếp tế từ bên ngoài.
Kể từ ngày lệnh phong tỏa cách ly được thực hiện, gần 2.200 cán bộ, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đà Nẵng tập trung. Từ khoảng 4.000 bệnh nhân và người nhà ở trong bệnh viện, lực lượng chức năng đã giải tỏa dần theo phương án dập dịch, nhưng khoác trên mình chiếc blouse trắng, công việc của những “người hùng Covid-19” vẫn không ngơi nghỉ. Một cuộc sống bận rộn, áp lực và nguy hiểm vẫn diễn ra dữ dội dưới vẻ bề ngoài của một bệnh viện im ắng, không ai dám tới gần.
Họ đã chiến đấu đến kiệt sức nhưng vẫn lạc quan với niềm tin chiến thắng dịch bệnh. |
“Đừng mềm lòng với chúng tôi”
Những ngày đầu vận hành 3 con tàu là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương và Chỉnh hình Đà Nẵng trong một môi trường đặc biệt, nhiều người bỡ ngỡ và không tránh khỏi sự hoang mang, bối rối. Những hình ảnh, những dòng tâm sự xúc động được chia sẻ ra ngoài khiến cộng đồng từ cảm giác xót xa, rơi nước mắt đến cảm phục nghị lực phi thường của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Câu chuyện về người mẹ mang bầu vừa vỗ về đứa con trong bụng vừa chăm sóc bệnh nhân, lo bữa ăn cho đồng nghiệp; người mẹ vượt qua cơn đau cương sữa vì xa đứa con nhỏ để hút đờm cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo; hai vợ chồng bác sĩ gửi con nhỏ cho người thân để cách ly, hàng tuần vùi đầu vào công việc không được gặp nhau hay điều dưỡng, hộ lý ngủ thiếp đi trên ghế vì làm việc quá tải nhiều giờ liên tục khiến cộng đồng hình dung một nhịp sống hết sức khắc nghiệt và đầy nguy hiểm.
Trong ngày thứ 6 vừa cách ly chống dịch vừa chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ Phạm Minh An (khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng) chia sẻ: “Sau khi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nhiễm Covid, kẹp thử nhiệt độ lên đến vạch 38, tôi bị nằm trong nhóm nguy cơ cao và phải lấy xét nghiệm lần 2. Có người hỏi tôi có sợ mình dương tính hay không? Tất nhiên là sợ chứ, bệnh tật, chết chóc thì ai không sợ. Nhưng không được góp sức mình cùng mọi người trong thời điểm này mới chính là điều tôi sợ nhất”. Hơn ai hết, chính họ, những người đã chọn nghề chăm lo sức khỏe cho nhân dân hiểu rằng, ngay lúc này đây chính mình có ổn thì mới làm hết trách nhiệm với những người đang cần mình nhất. Thay vì lo lắng, họ làm việc ở tuyến đầu bằng niềm tự hào và niềm tin vững chắc: “Mọi người ơi, chúng ta cùng cố gắng, sẽ bỏ lại tất cả bộ đồ xanh và trắng để mặc lại chiếc áo blouse hằng ngày nhé. Tôi tự hào tôi là người con của Đà Nẵng và là một thành viên của Bệnh viện Đà Nẵng cũng như ngành y nói chung”.
Đáp lại sự lo lắng của cộng đồng đối với sự an nguy dành cho những người tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Hà Sơn Bình (khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng) chia sẻ ngắn gọn: “Những người thân yêu của chúng tôi hãy yên tâm. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức vừa tự bảo vệ mình vừa cứu chữa bệnh nhân, bảo vệ xã hội thân yêu này”.
Sau khi gặp “cú sốc Covid”, những con tàu bị sự cố đang dần ổn định để tiếp tục hành trình đầy khó khăn. Không như vẻ ngoài yên tĩnh vì phong tỏa, trong mỗi con tàu là một nhịp sống “dữ dội” của cán bộ, nhân viên y tế như những con sóng dưới lòng sâu. Trên con tàu đó, công việc biến nguy thành an của họ và những chuyên gia được tăng cường chi viện gắn với cuộc sống, sinh mệnh của nhân dân.
Công Khanh