Con về, thì Tết mới về...

Thứ hai, 25/01/2021 20:46

Cả năm bôn ba chốn thị thành, duy chỉ có Tết, tôi mới được về nhà lâu hơn vòng quay 24 giờ. Tết nay đã gần chạm ngõ cũng là lúc những người con xa quê sắp sửa được đoàn viên bên ông bà, mẹ cha.

Mẹ và vườn rau Tết. 

1. Tôi quê ở miền cát trắng Bình Sa (Thăng Bình, Quảng Nam) - cách thành phố Đà Nẵng chỉ một giờ chạy xe nhưng lần về nào rồi cũng vội ra. Ở quê, người ta chủ yếu làm nông nên quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Những ngày Tết gần kề cũng là lúc họ "vắt chân lên cổ mà chạy" cho kịp những buổi chợ mai, kiếm đồng ra đồng vào đặng để mua sắm Tết.

Làm nông, chủ yếu trồng rau nên quanh năm chẳng có ngày nghỉ. Mẹ nửa đùa nửa thật, rằng: "Mong đến Tết nghỉ ngơi xả hơi nhưng Tết nào cũng chẳng rảnh rơi". Bởi, sau buổi chợ 30 Tết, mẹ về nhà dẹp dọn cửa nhà rồi chuẩn bị mâm cơm cúng đón giao thừa. Qua giao thừa mẹ lại loay hoay lo mâm cơm cúng mồng 1. Đến mồng 2 Tết, mẹ lại như con thoi với đám rau chuẩn bị cho buổi chợ đầu năm mới.

Mẹ trồng rau, chủ yếu là ngò, xà lách, rau thơm, cải... Tối ngày quanh quẩn với "cái nghiệp", chưa bữa cơm nào mẹ nấu và ăn đúng giờ giấc. Vậy mà mẹ vui, vì ngày nào cũng được hái rau đi chợ, nhất là chợ Tết.

"Thúng mủng rổ rá giăng bày

Chợ quê ngày Tết kín đầy đường quan

Nhấp nhô khiêng, đội, vác, mang

Trộn vào dòng chảy sạp hàng đón xuân

Rau đủ các loại: cúc.. cần

Cá thịt tươi rói, tay cân miệng cười

Đắt khách hàng lá dong tươi

Đậu xanh nếp cái em ơi mẹ chờ..."

Chợ quê ngày Tết đông nghẹt người. Để "chạy" chợ, mẹ phải dậy từ 4 giờ sáng. Đi qua động cát trắng, mẹ mới đến được đám (nơi trồng rau). "Sợ ma lắm nhưng nhắm mắt đi", mẹ nói, giọng thầm thì. Hái rau xong mẹ quay về nhà, chuẩn bị mọi thứ rồi lại ra chợ. Nhiều lúc mẹ không kịp ăn sáng. Bán rau lẻ ở chợ, những ngày thường, mẹ ngồi từ lúc chợ mới có vài ba bóng người đến lúc chợ... còn vài ba bóng người, mới về.

Năm nay, thiên tai bão lũ dập dồn, rau mẹ trồng cứ thế trôi theo lũ dữ. May mà, những ngày cận Tết, tiết trời tạnh quang, rau lớn nhanh, mẹ cũng kịp chợ Tết. Và thế là, mẹ như "gắn thêm máy nổ", hết chạy ngã này đến chạy đường khác, mang vác, hì hục làm, để Tết này có rau ra chợ, có bánh mứt về nhà.

Thanh niên trai tráng trang trí đường làng, sẵn sàng đón Tết.

2. Ở quê, Tết cũng có vị riêng. Từ đầu tháng chạp, thanh niên trai tráng trong làng đã tụm năm tụm bảy bày tính trang trí đường làng ngõ xóm, từ bắt đèn, đến treo băng rôn mừng năm mới. Như truyền thống Tết quê, đường chưa thấy điện là quê chưa thấy Tết. Vậy mà Tết năm nào cũng khí thế, tươi vui, nhịp nhộn hơn hẳn.

3. Không riêng ở quê, thành thị ngày nay người ta cũng gói bánh chưng, bánh tét dịp Tết. Nhưng sao, nồi bánh ở quê bao giờ cũng có cảm giác là lạ hơn hẳn. Nồi bánh gắn liền với tuổi thơ của biết bao đứa trẻ lớn lên bên bờ đê, gốc rạ. Từ 20 Tết, đã nghe tiếng í ới người ta gọi nhau đi hái lá chuối, đi mua nếp, mua thịt, chặt tre chẻ lạt. Rồi tối đến, ngồi xúm với nhau siết lạt, gói bánh. Có những nhà, dù bận đến đâu, Tết đến cũng phải tự gói bánh. Bởi, gói bánh không chỉ để dâng lên bàn thờ tiên tổ những ngày Tết đến, xuân về, mà còn nhắc nhớ để con cháu mai này lớn lên chớ quên, hương vị Tết quê chính là hương vị của nồi bánh tét, bánh chưng được nấu trong xó bếp bằng lửa than hồng.

4. Hôm rồi, ba gọi điện hỏi thăm về công việc, không quên hỏi bao giờ về quê ăn Tết. Ba bảo: "Năm nay nhà mình mổ heo, nhưng con về rồi mới mổ cúng rước ông bà luôn thể. Con về, thì Tết mới về...".

Phi Nông