Công an TP Đà Nẵng: Đẩy mạnh cải cách hành chính và thay đổi thói quen của người dân
Ngày 25-3, Công an TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị Tổng kết công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP chủ trì hội nghị.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên chỉ đạo tại hội nghị. |
Nỗ lực hiện đại hóa nền hành chính
Năm 2020, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết và Chương trình công tác năm 2020 của Công an TP Đà Nẵng. Qua đó, chỉ số CCHC năm 2020 của Công an TP Đà Nẵng được Bộ Công an xếp loại Tốt và xếp hạng 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 3 bậc so với năm 2019.
Để thực hiện hiệu quả CCHC, Công an TP đã linh động tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thông qua các phương tiện truyền thông như Truyền hình An ninh Đà Nẵng, Báo Công an TP Đà Nẵng, qua 2 Trang thông tin điện tử trực thuộc và mạng xã hội… Nhờ đó, thông tin về thực hiện CCHC, các quy định TTHC được phổ biến kịp thời. Đặc biệt Giám đốc Công an TP đã trực tiếp gặp mặt, đối thoại với 200 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về thực hiện các quy định TTHC về đảm bảo ANTT và tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác đấu tranh, phòng chống tội phạm tại các cơ sở này.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, Công an TP đã thực hiện rà soát, đề xuất đơn giản hóa 17 TTHC về lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm giúp thực hiện thống nhất các TTHC về đăng ký xe trong toàn quốc. Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Công an quận Thanh Khê chủ động thực hiện rút ngắn thời hạn giải quyết đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong năm, Công an TP đã giải quyết trả kết quả đúng hạn hơn 3,46 triệu hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn. Để thuận tiện cho người dân, đơn vị đã phối hợp với Bưu điện Đà Nẵng chuyển trả 11.934 kết quả giải quyết TTHC, giấy tờ tạm giữ vi phạm giao thông đến địa chỉ yêu cầu của người dân. Bên cạnh đó, công tác hiện đại hóa hành chính cũng được đặc biệt quan tâm, trong năm đã có thêm 17 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được triển khai, nâng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên 27 dịch vụ, tương ứng với 27 TTHC.
Người dân còn thờ ơ với các dịch vụ công trực tuyến
Tại hội nghị, các đại biểu nêu lên một thực trạng là số lượng người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và các dịnh vụ hỗ trợ còn rất ít, thậm chí là thờ ơ mặc dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Người dân vẫn còn giữ thói quen muốn đến cơ quan Công an để thực hiện các thủ tục hành chính.
Đơn cử tại địa bàn quận Cẩm Lệ, lãnh đạo Công an quận cho hay, mặc dù UBND quận đã có quyết định hỗ trợ lệ phí cho người dân trả kết quả qua đường bưu điện song người dân vẫn không muốn. Hay tại Phòng Cảnh sát giao thông, mặc dù đã triển khai nộp phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ Công quốc gia từ tháng 6-2020 nhưng đến nay chỉ có 20 trường hợp người dân thực hiện. Con số quá ít so với thực tế số vi phạm hành chính.
Để thay đổi thói quen và tăng số lượng người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên chỉ đạo thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức hội thi… Bên cạnh đó cũng tuyên truyền để cá nhân, đại diện tổ chức thực hiện đánh giá mức độ hài lòng giải quyết TTHC đối với lực lượng Công an. “Cần nói để người dân hiểu rõ được sự thuận lợi, ưu việt của việc sử dụng các dịch vụ hành chính công. Thành phố đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh thì lực lượng Công an cũng không nằm ngoài định hướng đó”, Giám đốc Công an TP nhấn mạnh.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cũng yêu cầu, đơn vị tham mưu nghiên cứu, đề xuất để đưa thêm quy định TTHC để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và sẽ lập danh mục các TTHC chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, chủ động rà soát để cải tiến, rút ngắn thời hạn giải quyết các TTHC thuộc chức năng, nhiệm vụ. “Nếu giải quyết quá hạn phải ban hành văn bản xin lỗi”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên nói.
MAI VINH