Công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2017: Thách thức lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng

Thứ sáu, 30/06/2017 11:25

(Cadn.com.vn) - Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2017 tổ chức tại Hà Nội, sáng 29-6, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, quý 1 tăng 5,15%; quý 2 đã khởi sắc hơn quý 1 với tốc độ tăng 6,17%.

Theo đánh giá, khoảng cách giữa tăng trưởng GDP quý 1 và GDP quý 2 đã được kéo dãn lên 1% là một bước đột phá nhờ những nỗ lực trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Thông thường tăng trưởng GDP quý 2 sẽ cao hơn quý 1 khoảng 0,3-0,4%.

Ảnh minh họa.

Chuyển biến tích cực

Nhận định về tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, kinh tế-xã hội Việt Nam đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng quý 2 cao hơn quý trước; lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; xuất khẩu tăng cao, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài đạt khá...

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia-Tổng cục Thống kê, cho biết xét về mặt tăng trưởng, quý 2 có mức tăng trưởng mạnh mẽ, có 17/21 ngành có mức tăng cao hơn so với quý 1. Theo đó, một số ngành có mức tăng cao như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 10,52%, tương đương mức tăng 10,50% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,79 điểm phần trăm. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá với tốc độ 8,50%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ Thống kê giá, cũng cho biết chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% thấp hơn mức tăng 4,96% của quý 1, cho thấy lạm phát đang có xu hướng giảm dần và duy trì ở mức hợp lý, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Xuất khẩu hàng hóa tăng 18,9%, nhập khẩu hàng hóa tăng 24,1%; tiêu dùng cuối cùng và tích lũy của nền kinh tế tăng cao (tiêu dùng dân cư tăng 7,02%, tích lũy tài sản tăng 9,5%), đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến ngày 20-6, cả nước thu hút được 1.183 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11,84 tỷ USD, tăng 56,3% về số dự án và tăng 57,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Đối với tình hình đăng ký doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596.000 tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như tốc độ tăng trưởng mới đạt xấp xỉ như dự kiến; tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm; sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ các năm trước và giá nông sản, thực phẩm giảm... Đặc biệt, đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có sự bứt phá, cơ cấu nền kinh tế chưa có sự thay đổi lớn. Công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, tỷ lệ chi phí trung gian cao, tỷ trọng giá trị gia tăng trong hàng hóa thấp; năng suất lao động thấp. Nhập siêu quay trở lại với mức ước tính 2,7 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2017, cùng kỳ năm 2016 xuất siêu. Đặc biệt, một nguyên nhân nữa là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với các năm do việc giao kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Thống kê xây dựng và vốn đầu tư cho biết.

Thách thức lớn

Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2017 chỉ đạt 5,73%, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng năm 2017 là 6,7% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2017 phải đạt trên 7,4%, đây là một thách thức rất lớn, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Theo ông Hà Quang Tuyến, trong lịch sử số liệu chưa có sáu tháng cuối năm nào có mức tăng cao như vậy, vì thế rất khó khăn để đạt được kết quả này. Tuy nhiên, ông Tuyến cũng cho rằng, chúng ta vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi để phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã định.

Những nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm được ông Hà Quang Tuyến chỉ ra, trong đó, ông Tuyến nhấn mạnh đến nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập trong 6 tháng đầu năm 2017 là 61.000 doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 15.000 doanh nghiệp. Đây là nguồn lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, dư địa đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm còn lớn khi vẫn còn trên 60% vốn đầu tư thực hiện.

Ước tính cho cả năm 2017 vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện chiếm khoảng 34-35% GDP sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (đóng góp của vốn vào tăng trưởng GDP vẫn chiếm trên 50% trong những năm gần đây).

Ngoài ra, theo ông Tuyến, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng có nhiều cơ hội để phát triển từ nay đến cuối năm, bởi theo báo cáo của Bộ Công Thương, có một số dự án thép lớn sẽ đi vào hoạt động từ nay đến cuối năm. Một số ngành như thuốc lá, dược phẩm, sản xuất động cơ vẫn còn dư địa trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, ngành xây dựng dự kiến tăng trưởng trên 10% cũng sẽ có đóng góp lớn cho tăng trưởng chung.

Bên cạnh đó, ông Tuyến còn kỳ vọng ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng cuối năm sẽ có rất nhiều cơ hội như sẽ có nhiều dự án thép đi vào hoạt động; ngành điện tử, điện lạnh sẽ tăng trưởng tốt hơn trong quý 3, 4 và sẽ có 5 tổ máy phát điện đi vào hoạt động... những yếu tố này sẽ đóng góp vào mức tăng chung GDP của cả nước.

“Để đạt được mục tiêu, chúng ta phải xác định đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần nỗ lực và quyết tâm tối đa thực hiện được mục tiêu đã đề ra,” Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

THU THỦY – TTXVN