Công bố thêm tài liệu "tuyệt mật" về tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75"

Thứ sáu, 17/04/2015 10:32

(Cadn.com.vn) - Ngày 16-4, tại Hà Nội, các nhà văn cùng nhiều đại biểu đã dự tọa đàm về cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của tác giả Trần Mai Hạnh, do Câu lạc bộ văn chương (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức. Tác phẩm đã đoạt giải thưởng văn học Việt Nam năm 2014. Cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2014, trong lần tái bản 2015, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-sự thật đã bổ sung thêm 21 tài liệu chọn lọc trong số các tài liệu mà tác giả được tiếp cận sau ngày 30-4-1975.

Đây là tài liệu về cuộc chiến được xem là "tuyệt mật" của "phía bên kia" lần đầu được công bố toàn văn. Những tài liệu tham khảo đặc biệt này gồm có những bức điện Tổng thống Mỹ gửi cho Nguyễn Văn Thiệu; tài liệu Hội nghị bàn chủ trương đối phó với tình thế do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chủ trì; Bút phê của Tổng thống về vấn đề các tin tức tình báo...

Đây đều là các tài liệu được đánh máy nguyên văn từ gần 40 năm trước theo đúng các tài liệu gốc thu được tại phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Dinh Độc Lập và phòng làm việc của Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào trưa và chiều 30-4-1975. Cách trình bày, những chữ viết tắt, những câu tiếng Anh xen kẽ trong các tài liệu được giữ nguyên như tài liệu gốc và có bảng chữ viết tắt để tiện sử dụng. Đây là các tài liệu nguyên bản có giá trị nhất, bước đầu được tác giả chọn trong số cả trăm tài liệu nguyên bản về cuộc chiến của phía bên kia mà tác giả đang lưu giữ để giới thiệu với bạn đọc.

Nhà báo Trần Mai Hạnh (người đeo kính) và phóng viên TTXGP tại cửa ngõ Sài Gòn sáng 30-4-1975. Ảnh: Tư Liệu

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Các nhà khoa học hàng đầu về văn chương trên thế giới đã dự báo thế kỷ XXI là thế kỷ của văn học tư liệu. Hiện nay hàng loạt hồi ký của các nhân vật chính trị, tướng lĩnh, các nhà doanh nghiệp lớn, chiếm lượng phát hành lớn, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Văn học tư liệu đã đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình văn học hiện đại. Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử của nhà báo Trần Mai Hạnh đã phác họa sinh động sự sụp đổ, chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội và số phận những người cầm đầu chính quyền tay sai Sài Gòn trong 4 tháng cuối cùng của kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" là một "hiện tượng" vì lần đầu tiên trong văn học tư liệu có cái nhìn "ngược sáng" về "phía bên kia". Tác giả đã không đứng ở phía "người chiến thắng" thông thường, không lấy hình ảnh người bộ đội cụ Hồ làm chính thể như những tác phẩm khác về chiến tranh. Cách nhìn khách quan, trung lập của tác giả đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về nội tình của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời đó cũng như đi sâu tìm hiểu nguyên nhân sụp đổ của chính quyền này.

Nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết: Ý định xây dựng cuốn sách này nảy sinh từ những ngày đầu khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi người chỉ sống có một lần nên ông đã cố gắng ghi chép thật nhiều những sự việc mà ông chứng kiến, sưu tập thật nhiều tài liệu nguyên bản từ phía bên kia mà ông có cơ duyên tiếp xúc, với mong muốn phục dựng lại trung thực những việc đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu).

Nguyên là phóng viên chiến trường của TTXVN ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975, tác giả Trần Mai Hạnh đã đi theo các đoàn quân chủ lực tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã từ Huế tới Sài Gòn và may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử vào trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập. Những tài liệu nguyên bản thu được, những trang ghi chép tại chỗ trong quá trình tham gia chiến dịch và trong những ngày tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng cùng với những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa mà tác giả tiếp xúc, khai thác đã giúp tác giả viết nên cuốn sách.

P.V