Cộng đồng kinh tế ASEAN: Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội trong thách thức
(Cadn.com.vn) - Doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ đối diện với rất nhiều thách thức và buộc phải tìm giải pháp để tận dụng những cơ hội phát triển khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm nay.
CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP VIỆT
Trong hội thảo Cộng đồng kinh tế AEC, cơ hội, thách thức và các giải pháp cho doanh nghiệp, do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng tổ chức ngày 12-9, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những thuận lợi và thách thức to lớn mà DN Việt sẽ đối mặt trong thời gian đến. GS-TS Lê Thế Giới – Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng AEC sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. AEC với việc tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ trong khu vực ASEAN sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư lớn hơn ở khu vực. Vì vậy các DN Việt Nam sẽ có cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhiều hơn ở các nước trong khối ASEAN.
Các nhà khoa học trình bày tham luận tại hội thảo. |
“Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN có mức tăng trưởng cao. So với năm 2012, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN năm 2013 đã tăng hơn 5 lần, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình sang ASEAN đạt 28,4%/năm và nhập khẩu đạt 27%/năm trong giai đoại 2012-2013. Cán cân thương mại của Việt Nam với khối ASEAN cũng có sự thay đổi rõ rệt. Khi năm 2011, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang khối các nước ASEAN tương ứng 13,5 tỷ USD và 20,9 tỷ USD thì con số này năm 2013 là 18,4 tỷ USD và 21,3 tỷ USD. Điều này thể hiện khoảng cách giữa xuất và nhập khẩu của Việt Nam đã được rút ngắn và con số xuất khẩu cũng tăng vọt. Với AEC, khi thuế suất giảm xuống còn 0%, DN Việt Nam sẽ có điều kiện giảm chi phí, hạ giá thành xuất khẩu. Theo quy định của ASEAN các sản phẩm sản xuất có tỷ lệ nội khối 40% được xem là sản phẩm vùng ASEAN, được hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường khu vực ASEAN đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tận dụng các ưu đãi nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu trong nước sang thị trường khu vực” – GS.TS Lê Thế Giới nói.
Theo nhiều chuyên gia, với một ASEAN thống nhất sẽ khiến các nhà đầu tư lớn nhìn ASEAN như một thị trường chung, mà ở đó có khối nguồn lực thống nhất, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng với giá tương đối rẻ nên việc thành lập AEC sẽ thu hút nhiều nguồn đầu tư. AEC sẽ giúp Việt Nam cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh, từ thủ tục hải quan, hành chính đến việc tạo ra ưu đãi đầu tư cân bằng hơn. Ngoài ra, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Như vậy, lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong thị trường lao động ASEAN...
CẦN CHIẾN LƯỢC KHÔN NGOAN
Cơ hội là rất lớn, tuy nhiên AEC cũng tạo nên những thách thức không nhỏ cho Việt Nam, đặc biệt là với các DN. DN Việt Nam sẽ đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư của các nước ASEAN. Mức độ cạnh tranh càng cao khi hàng hóa, dịch vụ các nước ASEAN có chất lượng tốt hơn so với trong nước, điều đó sẽ dẫn đến một số ngành, DN phải thu hẹp sản xuất, thậm chí là rút khỏi thị trường. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp so với nhiều nước trong ASEAN cũng là một trong những yếu tố cản trở khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, DN nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn nhất khi AEC thành lập. Thạc sĩ Trần Thị Thu Trâm – Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho rằng, phần lớn DNNVV ở Việt Nam thiếu sự chuẩn bị cần thiết khi tham gia AEC, khi có 72% các DNNVV không biết về AEC. “Tham gia AEC là tham gia vào thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, mà hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động dịch chuyển tự do. Như vậy DNNVV Việt Nam sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ, nếu không có sự chuẩn bị thì sẽ gặp thách thức không nhỏ” – bà Thu nói.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược khôn ngoan |
Để chủ động tham gia vào sân chơi AEC, các nhà nghiên cứu cho rằng DN Việt Nam cần tập trung đổi mới công nghệ, cải tiến quá trình kinh doanh; xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng và giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh quan hệ liên kết và hợp tác giữa các DN, hình thành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong nước; đổi mới về quản trị để nâng cao năng lực cạnh tranh... Còn Thạc sĩ Vũ Thị Thu Hằng – Học viện Ngân hàng thì cho rằng, DN Việt Nam cần tìm cho mình một chiến lược khôn ngoan ngay từ bây giờ để tăng cường năng lực cạnh tranh. Bà Hằng nói: “Để gia nhập AEC, trước hết các DN Việt Nam cần làm tốt trên sân nhà. Nghĩa là tạo chỗ đứng, tồn tại và phát triển ở thị trường trong nước và các DN Việt Nam cần trở thành đối tác thay vì đối thủ của nhau. Và muốn thâm nhập vào thị trường ASEAN, DN Việt cần tạo sự khác biệt của hàng hóa dịch vụ, nghĩa là phải thâm nhập thị trường ngách, như vậy sẽ không đối đầu trực diện với DN nước ngoài, đồng thời khai thác được thế mạnh của mình. Ngoài ra cũng rất cần đầu tư cho nguồn nhân lực và có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân lực chất lượng cao. Nhìn chung DN Việt Nam cần xây dựng chiến lược chu đáo, trước khi tham gia vào sân chơi nhiều cơ hội, nhưng cũng lắm chông gai như AEC”.
Hoàng Anh