Công nghệ thông tin với cải cách hành chính

Thứ sáu, 25/11/2016 10:28

(Cadn.com.vn) - Một trong những bước tiến dài và tạo được dấu ấn tiến trình phát triển của Đà Nẵng được nhiều người đánh giá cao thời gian qua đó là đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Hiệu quả của công tác ứng dụng CNTT đã thực sự mang lại lợi ích thiết thực trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tại Đà Nẵng, góp phần tích cực vào quá trình cải cách hành chính (CCHC), công khai hóa, minh bạch hóa, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố...

Ứng dụng CNTT trong chính quyền điện tử. 

Tạo bước chuyển mạnh mẽ

"Có thể thấy rằng hạ tầng CNTT của các cơ quan nhà nước thành phố trong nhiều năm qua đã được đầu tư hiện đại, đồng bộ, hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng tốt các hoạt động của chính quyền thành phố"- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh khẳng định. Chỉ riêng về hạ tầng kỹ thuật, Đà Nẵng đã triển khai xây dựng Mạng đô thị thành phố (mạng MAN) để tạo hạ tầng kết nối riêng cho ứng dụng chính quyền điện tử, với hơn 300km cáp quang đi ngầm, kết nối tất cả sở, ban ngành, UBND quận, huyện và xã, phường, một số đơn vị dịch vụ công và kết nối với các cơ quan Đảng qua đầu mối Văn phòng Thành ủy, với băng thông rộng kết nối nội mạng (Intranet) từ 1 Gbps đến 20 Gbps và kết nối tập trung ra Internet với băng thông lên đến 4,5 Gbps...giúp cho việc kết nối và trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với người dân được nhanh chóng, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.

Bên cạnh đó, Trung tâm dữ liệu chuyên dụng của Đà Nẵng có dung lượng lưu trữ lên đến 100TB, sử dụng công nghệ ảo hóa; đáp ứng nhu cầu lưu trữ các cơ sở dữ liệu, các phần mềm/ứng dụng dùng chung, là nơi lưu ký các trang/cổng thông tin của cơ quan Đảng và nhà nước bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Hệ thống kết nối không dây công cộng hiện cũng đã có 430 trạm thu phát sóng (AP), phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường; các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và các khu công cộng để tạo điều kiện cho tổ chức, công dân có thể kết nối, sử dụng dịch vụ của các cơ quan nhà nước và kết nối ra mạng Internet (miễn phí). Gần đây, Trung tâm Thông tin dịch vụ công đã được nâng quy mô lên 100 bàn tiếp nhận và giải đáp thông tin thủ tục hành chính; làm đầu mối hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; giải đáp các quy định, chính sách pháp luật và các thông tin khác cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời đóng vai trò đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh, góp ý để chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý (qua đầu số điện thoại tắt 1022 và cổng http://egov.danang.gov.vn/gop-y).

Ứng dụng CNTT tại Tổng đài 1022.

Hướng đến xây dựng thành phố thông minh

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, trong nhiều ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước hiện đang được đầu tư liên tục, nâng cấp, phát triển đồng bộ thì ứng dụng CNTT cho thành phố thông minh được triển khai một cách quyết liệt. Trên cơ sở thành công của xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử, dựa trên hạ tầng và cơ sở dữ liệu sẵn có, năm 2014, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai Đề án Xây dựng thành phố thông minh. Nhiều ứng dụng ban đầu đã được hình thành. Đó là, ứng dụng quản lý xe buýt công cộng bằng cách lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình trên 108 xe buýt để thu thập được thông tin vận tốc, lộ trình, vị trí, thời gian đến trạm theo thời gian thực, qua đó giúp người dân giảm thiểu thời gian chờ đợi, chủ động lập kế hoạch di chuyển.

Ứng dụng quản lý chất lượng nguồn nước cũng được xây dựng nhằm phục vụ công tác giám sát chất lượng nguồn nước uống tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, cung cấp thông tin, số liệu chất lượng xử lý nước, báo cáo liên tục, kịp thời đến lãnh đạo và công bố cho người dân biết, giám sát. Thành phố cũng đang triển khai một số hệ thống giám sát giao thông trên địa bàn như: Điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông (64 nút tín hiệu giao thông, giải pháp của Cty Adimot); điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 5 nút giao trên tuyến Lê Duẩn (giải pháp NTSC, dự án JICA); hệ thống giám sát xe ô-tô lưu thông qua cầu Thuận Phước (giải pháp của Cty FPT); hệ thống giám sát giao thông tại phía Tây cầu Sông Hàn (giải pháp của Cty CadPro).

Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát của thành phố cũng được triển khai lắp đặt 75 camera tại Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố; Công an thành phố cũng đã triển khai bước đầu lắp đặt camera trên địa bàn 2 quận Hải Châu và Thanh Khê và dự kiến phạm vi triển khai khoảng 4.000 camera trên toàn thành phố từ ngân sách nhà nước kết hợp với kinh phí xã hội hóa. Trong năm 2016, TP Đà Nẵng cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel để xây dựng Khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh; Kiến trúc ứng dụng CNTT và một số ứng dụng thông minh cho ngành Y tế và Giáo dục đào tạo. Dự kiến đến tháng 6-2017 sẽ hoàn thành.

Khi đề cập đến định hướng ứng dụng CNTT trong giai đoạn tới của TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh cho biết: "Mục tiêu tổng quát là hoàn thiện hạ tầng CNTT và truyền thông của thành phố, bảo đảm đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng chính quyền điện tử nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính tại các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố, tiến đến xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh; trong đó các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng CNTT làm công cụ hiệu quả để giám sát, chỉ đạo, điều hành công tác quản lý".

Phương Kiếm