Công nhân bỏ phố về quê

Thứ tư, 02/03/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Có một thời, tin theo những lời quảng cáo của các cò lao động rất nhiều nam nữ thanh niên ở Quảng Nam đã rời bỏ làng quê, khăn gói lên đường vào các tỉnh miền Nam để làm công nhân. Họ đi với hy vọng sẽ có cuộc sống sung túc ở thị thành, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn trên đồng ruộng. Thế nhưng, tất cả không như họ mong đợi, sau nhiều năm bán sức ở đất khách quê người đến khi nhìn lại họ vẫn không có gì hơn ngoài hai bàn tay trắng. Nhưng đó là trước đây, bây giờ thì ngược lại...

1. Nhọc nhằn công nhân tha hương

Năm nào cũng vậy, cứ vào những tháng đầu năm, trên các con đường ở Đại Lộc (Quảng Nam) quê tôi lại xuất hiện những tấm áp phích to tướng, rao tuyển công nhân đi làm việc tại các khu công nghiệp ở miền Nam. “Lương 3 triệu một tháng, bảo hiểm xã hội, y tế được bảo đảm, có xe đưa rước, điều kiện làm việc tốt...”. Không ít thanh niên chăm chú đọc những thông tin ấy và xuýt xoa nghĩ về số tiền 3 triệu đồng một tháng. Nhìn cảnh ấy, khiến tôi nhớ lại khoảng thời gian vào những năm 1990.

Thời ấy, những giấy quảng cáo cũng được dán đầy đường, người môi giới việc làm (còn gọi là cò lao động) huyên thuyên kể về công việc và cuộc sống dễ dàng ở miền đất hứa. Trước nạn đất lở, không có việc làm, nam thanh nữ tú ở các thôn quê rầm rộ rủ nhau vào Nam xin việc, dù nhiều người không có nghề gì trong tay. Chị Hương, người đã có gần 10 năm làm công nhân may ở TPHCM (trú xã Đại Hòa - Đại Lộc) kể: “Đừng thấy quảng cáo rứa mà ham. Ngày trước, tôi cũng vào Nam làm công nhân và nghĩ sẽ sống khá hơn ở quê nhà nhưng vào đó làm rồi mới biết không như họ nói. Phải tăng ca liên tục mới được số lương như quảng cáo, điều kiện làm thì khổ không gì bằng, làm chỉ đủ ăn thôi. 10 năm làm công nhân mà chẳng khá hơn nên tôi trở lại quê sống”.

Công việc ổn định cộng với cuộc sống dễ chịu ở nông thôn đã khiến nhiều công nhân bỏ phố về quê làm việc. Trong ảnh: Công nhân Cty Prime đang vận hành máy móc. Ảnh: Hoàng Anh 

Do thiếu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) nên nhiều “cò lao động” chuyển hướng về các vùng quê để tuyển dụng, với những hứa hẹn toàn màu hồng nhưng sự thật thì khác. Câu chuyện của Đỗ Văn Quang (trú xã Đại Hồng – Đại Lộc) phản ảnh một nỗi vất vả khác của công nhân xa quê. Vào TPHCM từ năm 2005, quen và cưới một công nhân khác, dù hai vợ chồng cật lực tăng ca nhưng phải chật vật lắm mới lo đủ tiền để đưa vợ về quê sinh nở.

Kể về chi phí sống ở TPHCM, Quang liệt kê: “Mỗi tháng, tiền nhà trọ và điện, nước trên 1 triệu, tiền ăn của hai vợ chồng cũng hơn 1 triệu nữa. Chưa kể tiền sinh hoạt hằng ngày, đau ốm hay đám tiệc và cả chi phí về thăm gia đình, tất cả cũng hơn 2 triệu nữa. Trong khi đó, lương hai vợ chồng chỉ được 5 triệu đồng. Làm mãi mà chẳng thấy dư”. Sau nhiều năm làm ở TPHCM, Quang nói rằng tài sản lớn nhất mà mình có chính là đứa con chuẩn bị chào đời. Không riêng gì trường hợp của Quang, nhiều thanh niên ở nông thôn khi vào làm công nhân ở các tỉnh miền Nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Những áp phích rao tuyển công nhân như thế này được treo nhiều ở vùng nông thôn. 

2. Bỏ phố về quê

Chị Phan Thị Phương, Phó Phòng LĐ-TB&XH H. Đại Lộc cho biết: “Hằng tháng, chúng tôi tiếp nhận hơn 20 đơn xin trợ cấp thất nghiệp của công nhân từ các tỉnh miền Nam trở về. Riêng đầu tháng 2, đã có 17 hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp. Đầu năm nay, có 4 doanh nghiệp ở TPHCM về huyện tuyển dụng công nhân, mức lương từ 2 triệu trở lên nhưng có rất ít người đến đăng ký. Nếu vào thời điểm này của những năm trước thì có rất nhiều thanh niên lên đường vào miền Nam nhưng nay thì ngược lại, họ trở về quê xin việc. Nhiều em tâm sự rằng làm công nhân ở miền Nam lương rất thấp không đủ sống, công ty quản lý thời gian rất ngặt. Do cuộc sống khó khăn như vậy nên khi huyện có KCN thì công nhân trở về quê để làm. Hằng năm chúng tôi giới thiệu nhiều công nhân vào các công ty ở địa phương làm việc”.

Từ năm 2008, khi H. Đại Lộc bắt đầu xây dựng cụm công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào đây thì cũng là lúc  công nhân rủ nhau rời bỏ phố phường đô hội để về làm việc tại quê nhà. Bạn Trần Thị Thu, công nhân tại một công ty may ở H. Đại Lộc kể: “Ở TPHCM, cái gì cũng đắt đỏ, sống vất vả lắm. Nên khi biết quê mình cũng có xí nghiệp may, tôi về nộp đơn xin vào làm. Tuy tiền lương có ít hơn nhưng cuộc sống dễ chịu, không phải tốn tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt thấp nên hằng tháng tôi cũng tiết kiệm được một khoản”. Anh Võ Đình Sáng - Phòng Tổ chức Cty Prime đóng trên địa bàn H. Đại Lộc cho biết thêm: “Hiện công ty chúng tôi đang giải quyết việc làm cho 1.000 lao động địa phương, lương thấp nhất mỗi tháng là 2,5 triệu đồng/người. Các chế độ cho công nhân luôn được bảo đảm. Chính những đãi ngộ như thế đã thu hút công nhân từ thành thị bỏ phố về quê làm việc”.

Hiện nay, H. Đại Lộc có 29 dự án đầu tư, trong đó có 30 dự án đã đi vào hoạt động.Vì vậy, các doanh nghiệp rất cần lao động, đặc biệt là những lao động có tay nghề. Và không riêng gì ở Đại Lộc, trong những năm qua, Đà Nẵng và Quảng Nam mọc lên hàng chục KCN hiện đại. Do đã cám cảnh khi làm việc vất vả ở đất khách, nhiều công nhân nghe thông tin này đã quay trở về quê khi thấy có nhiều cơ hội việc làm. Điều này lý giải vì sao, cứ sau Tết các tỉnh, thành phố ở miền Nam lại thiếu lao động nghiêm trọng.

Sự chuyển dịch lao động từ các thành phố công nghiệp về vùng nông thôn hay nói đúng hơn là công nhân đang hướng đến xu thế theo nhà máy về quê tìm kiếm việc làm. Đấy là một tín hiệu vui cho những lao động nông thôn khi không phải chịu cảnh ly hương lập nghiệp.Nhưng đó cũng là điều đáng lo cho những thành phố lớn, khi việc tuyển lao động ngày càng khó khăn.

Bài, ảnh: Lưu Hoàng Anh