Công tác cai nghiện bắt buộc ở TT-Huế: Bộc lộ nhiều bất cập

Thứ hai, 14/07/2014 13:49

(Cadn.com.vn) - 100% người nghiện đưa vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc sau cai lại tái nghiện là con số đáng báo động.

Thường xuyên hành hung, tấn công bảo vệ

Theo thống kê của CA tỉnh TT-Huế, những năm gần đây người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng. Năm 2011, số người nghiện trên địa bàn là 353 thì năm 2012 là 397 và năm 2013 là 461 người, đến tháng 6-2014 là 483 người. Ngoài ra, số đối tượng nghiện ma túy không nằm trong hồ sơ quản lý chắc chắn còn rất nhiều.

Theo phân tích của cơ quan CA, sở dĩ người nghiện ma túy trên địa bàn tăng là do số đối tượng là người địa phương đi làm ăn xa mắc nghiện trở về; số người nghiện địa phương khác đến địa bàn cai nghiện, sinh sống đã lôi kéo một số thanh niên địa phương sống không có bản lĩnh, ăn chơi, đua đòi, thích hưởng thụ, dễ bị cám dỗ, sa ngã, từ đó sử dụng ma túy dẫn đến người nghiện tăng; kéo theo tình hình mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy ngày càng phức tạp. Nhóm đối tượng mua bán này bị bắt, trong thời gian ngắn lại xuất hiện nhóm đối tượng khác, nhằm thỏa mãn nhu cầu của đối tượng nghiện.

Trung tâm ở giữa thung lũng, cơ hội để bên ngoài "bắn" ma túy vào cho các học viên.

Trung tâm giáo dục và lao động xã hội tỉnh (gọi tắt là TTCN) thuộc Sở LĐ-TB & XH, trực tiếp quản lý các đối tượng cai nghiện bắt buộc do Chủ tịch UBND thành phố, các huyện, thị xã của tỉnh TT-Huế ra quyết định. Theo đó, mỗi đối tượng cai nghiện bắt buộc phải ở tại TTCN 18 tháng. Ngoài số tiền ăn được Nhà nước hỗ trợ 50% (450 ngàn đồng/tháng), thì gia đình đối tượng phải đóng 50%. Đối với các đối tượng cai nghiện tự nguyện, thì toàn bộ chi phí tiền ăn đều do gia đình đóng góp.

TTCN tỉnh được thành lập vào năm 2011, đóng tại P. Hương Hồ (TX Hương Trà, TT-Huế). Hàng năm, trung tâm này tiếp nhận hàng chục đối tượng cai nghiện bắt buộc, tuy nhiên công tác quản lý các đối tượng cai nghiện ở Trung tâm này đang có nhiều lỗ hổng. Điều đáng quan tâm nhất là các học viên thường xuyên quậy phá, kích động, gây rối. Mới đây nhất là vào cuối tháng 5-2014, 2 học viên cai nghiện (HVCN) yêu cầu Trung tâm mở cổng để họ về nhà.

Nhưng, khi trung tâm giải thích muốn về thì phải đợi làm thủ tục đúng quy trình vì khi xin vào có làm cam kết giữa trung tâm và gia đình. Tuy nhiên, 2 HV này gây gổ, tụ tập các học viên khác gây rối, đập phá đồ đạc. Các học viên rất manh động, bẻ gãy thanh giường dùng làm hung khí để chống trả lực lượng bảo vệ và cán bộ trung tâm, một số bảo vệ bị tấn công gây thương tích, trung tâm đành mở cửa cho 2 HVCN tự nguyện ra về.

Các học viên cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm giáo dục và lao động xã hội tỉnh TT-Huế.

Cùng lúc này, 6 HVCN bắt buộc khác gồm: Lê Mạnh Quốc Tr. (1991), Nguyễn Hữu Phú Ng. (1994), Huỳnh L. (1993), Lê Hoàng Anh T. (1991, Nguyễn Văn L. (1992), Lê Ngọc Th. (1990), hầu hết đều trú tại TP Huế (TT-Huế) cũng tống cửa chạy trốn. Sau khi về nhà được một thời gian, các HV lại được gia đình, chính quyền vận động quay trở lại TTCN. Tuy nhiên, sau khi quay trở lại, các HV vẫn thường xuyên đe dọa, tấn công bảo vệ mỗi khi có ý định trốn trại.

Anh Nguyễn Quốc Việt- cán bộ bảo vệ của TTCN tỉnh, kể: "Ngày 16-6, TTCN quyết định kỷ luật trường hợp HV Lê Hoàng A. T. vì nhiều lần vi phạm quy định. Khi các bảo vệ tiếp cận T. để giải thích, động viên thì T. cùng đồng bọn cầm hung khí, loại dao tự chế đâm vào người tôi. Rất may, tôi tránh được nên chỉ trúng vào tay gây thương tích nhẹ. Ngay lúc đó, TTCN phải gọi điện yêu cầu lực lượng CA hỗ trợ. Hơn 10 cán bộ CATX Hương Trà sau đó có mặt đã kịp thời ngăn chặn vụ việc gây rối". Theo anh Việt, các HV rất manh động, trong khi đó, lực lượng bảo vệ vẫn không đủ chế tài hoặc công cụ để xử lý nhằm răn đe các đối tượng. Không chỉ anh Việt, mà hầu hết cán bộ bảo vệ TTCN không ít lần bị các HVCN đe dọa, tấn công vì không trốn trại được.

Cán bộ bảo vệ Nguyễn Quốc Việt kể lại những lần bị học viên cai nghiện dùng dao tự chế tấn công.

Cai nghiện không hiệu quả

Trong 3 năm (2011-2013), đã đưa vào TTCN 76 đối tượng nghiện nhưng không có người nào cai nghiện thành công. Đáng buồn hơn là 6 người sau khi chấp hành xong quyết định cai nghiện, đã có 5 người tái nghiện và 1 người trốn khỏi địa phương. Nguy hiểm hơn, không ít đối tượng vào trại hôm nay... hôm sau trốn trại và tiếp tục thực hiện các hành vi sử dụng, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Thậm chí, có đối tượng từng bị sốc thuốc dẫn đến tử vong khi trốn khỏi TTCN để sử dụng ma túy.

Nói về nguyên nhân công tác cai nghiện không hiệu quả mà cụ thể là 100% số đối tượng nghiện sau khi trở về đều tái nghiện, lãnh đạo TTCN cho rằng, Trung tâm được xây ở giữa một thung lũng, bao quanh giữa đồi núi. Vì vậy, trước đây, rất nhiều bạn bè của học viên lên thăm thấy địa hình dễ tiếp cận nên lợi dụng buổi trưa hoặc tối, khi cán bộ nghỉ thì chúng bắn ma túy xuống sân trại cai nghiện. Sau đó, các HV nhặt lấy, đem giấu và buổi tối cả nhóm chia nhau hút.

Nếu ở các địa phương khác, TTCN được xây dựng rộng, có vườn tược hoặc có đào tạo nghề để giúp HV sớm quên đi ma túy thì đằng này ở TTCN TT-Huế, đất không có để sản xuất, lao động và nơi để cho các HV chơi thể thao. Tiếp xúc với một số HVCN, họ đều mong muốn được lao động hoặc đào tạo nghề để thời gian trôi nhanh và giúp họ sớm quên đi "làn khói trắng".

Ông Nguyễn Thanh Kiếm-Giám đốc Sở LĐ-TB &XH tỉnh TT-Huế cho biết, hiện ở TTCN này không có lực lượng CA trực tiếp làm việc. Đây chính là khó khăn trong công tác quản lý cai nghiện. Sở LĐ-TB & XH đang kiến nghị UBND tỉnh TT-Huế cử lực lượng CA-lực lượng chuyên trách đến làm việc tại TTCN. "Áp dụng mô hình cai nghiện tập trung hiện nay sẽ không hiệu quả do đội ngũ làm công tác cai nghiện chưa chuyên nghiệp, chủ yếu là đội ngũ y tế kiểm tra sức khỏe cho người cai nghiện. Bên cạnh đó, địa thế Trung tâm dưới thung lũng là điều kiện cho đối tượng ở ngoài liên lạc với bên trong, thậm chí bắn ma túy vào. Cơ sở vật chất không đảm bảo nên có tới 1/3 đối tượng cai nghiện hung hãn trốn khỏi Trung tâm"- ông Kiếm khẳng định.

Hải Lan