Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã hoàn tất

Thứ ba, 19/01/2016 07:55

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đồng chí Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi họp báo về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng chủ trì họp báo còn có đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam.

1.510 đại biểu tham dự Đại hội

Đồng chí Đinh Thế Huynh cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 28-1 với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Tham dự Đại hội XII sẽ có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên cả nước. Trong đó, đại biểu đương nhiên là 197 đồng chí ủy viên Trung ương Đảng chính thức và dự khuyết khóa XI (chiếm tỷ lệ 13,05%); đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 1.300 đồng chí (chiếm tỷ lệ 86,09%); đại biểu chỉ định là 13 đồng chí (chiếm tỷ lệ 0,86%); đại biểu nữ có 194 đồng chí (chiếm tỷ lệ 12,85%); đại biểu là dân tộc thiểu số là 174 đồng chí (chiếm tỷ lệ 11,52%). Theo đồng chí Đinh Thế Huynh, công tác chuẩn bị Đại hội được BCH Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo chặt chẽ, đến nay đã hoàn tất.

Đại hội lần này sẽ thảo luận, thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo về tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có); Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Trước đó, Trung tâm Báo chí Đại hội XII của Đảng cũng đã chính thức khai trương tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với sự tham dự của đông đảo đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí trong nước, các hãng thông tấn nước ngoài. Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ - Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XII, Trung tâm Báo chí được bố trí diện tích khoảng 1.000m2 với 170 máy tính và một số điều kiện kỹ thuật cần thiết phục vụ phóng viên tác nghiệp. Các phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm sẽ được cung cấp hình, tiếng và ảnh kèm “cẩm nang” hướng dẫn tác nghiệp thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cho hay, sẽ có khoảng 600 phóng viên báo chí trong nước và 118 phóng viên quốc tế tham gia tác nghiệp tại Đại hội XII của Đảng.

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại họp báo. Ảnh: T.T

Một số điểm mới của Văn kiện Đại hội XII

Trả lời câu hỏi của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam về điểm mới của Văn kiện Đại hội XII, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Chủ đề của Đại hội lần này bổ sung so với Đại hội XI, cùng với phát huy sức mạnh toàn dân tộc, lần này nêu rõ phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Chủ đề nhấn mạnh hơn quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu đưa đất nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Việt Nam coi trọng quan hệ với các quốc gia láng giềng, các nước trong khu vực

Thông báo về thành tựu nổi bật trong công tác đối ngoại nhiệm kỳ qua và những điểm chính trong dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng về định hướng công tác đối ngoại thời gian tới, đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương nêu rõ: Đường lối đối ngoại của Việt Nam kế thừa đường lối đối ngoại qua các kỳ Đại hội của Đảng, với 3 mục tiêu lớn: Góp phần giữ gìn môi trường hòa bình để ổn định và phát triển đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời, Việt Nam triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, coi hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm...

Trong nhiệm kỳ qua, thành tựu đối ngoại là quan trọng và nổi bật, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước. Nổi bật trong năm 2015 đã diễn ra 3 chuyến thăm quan trọng của Tổng Bí thư Đảng ta tới Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Đối ngoại Đảng đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công tác đối ngoại. Đảng ta hiện có quan hệ với 228 đảng, 112 nước trên khắp các châu lục, tạo cơ sở chính trị cho quan hệ lâu bền giữa Việt Nam với các nước, các đối tác...

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới, đồng chí Hoàng Bình Quân nêu rõ: Việt Nam coi trọng quan hệ với các quốc gia láng giềng, các nước trong khu vực. Với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng coi trọng quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng; thể hiện là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là một chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trung tâm...

Về kinh tế, dự thảo văn kiện Đại hội nhấn mạnh: Tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục nâng cao, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường, dự thảo văn kiện nêu 4 vấn đề: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; phát triển văn hóa, xây dựng con người; quản lý xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và an sinh xã hội. Về quốc phòng an ninh, dự thảo văn kiện khẳng định đây là một lĩnh vực rất quan trọng và đã nêu lên những điểm mới về nhận thức, mục tiêu, giải pháp bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân; triển khai đồng bộ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, kết hợp với nâng cao sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Về xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, văn kiện nêu các quan điểm: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân”,“ Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia dân tộc”; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết và kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: Trong 30 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục tinh thần đổi mới của 30 năm đổi mới vừa qua.

Tiếp thu đóng góp của nhân dân

Trả lời câu hỏi về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, hoàn thiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, đồng chí Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết: Đã có 26 triệu lượt ý kiến đóng góp vào các văn kiện Đại hội XII của Đảng, bao gồm ý kiến tại Đại hội đảng bộ các cấp, các vị Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài. Các ý kiến góp ý rất phong phú, đề cập tất cả các lĩnh vực, tập trung vào việc thực hiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhiều ý kiến tâm huyết về công tác phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới. Tiểu ban Văn kiện đã tổng hợp, nghiên cứu chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

Trả lời câu hỏi của Báo Tuổi trẻ về việc, ngay sau khi Hội nghị Trung ương 14 kết thúc, trên mạng xã hội đã đưa cụ thể danh sách 4 ứng cử viên cho 4 vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nêu rõ: Chúng ta không nên căn cứ thông tin trên mạng để suy diễn về công tác nhân sự Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công tác nhân sự Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, đúng quy trình và đúng quy định của Đảng. Nhân sự Ban chấp hành Trung ương và các vị trí chủ chốt sẽ được công bố khi có kết quả bầu cử theo đúng quy định của Đại hội.

Công Khanh – Thu Thủy - TTXVN