Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phải thực hiện xuyên suốt
(Cadn.com.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tại cuộc họp nghe báo cáo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) quý I-2017 trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn ra ngày 30-3.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra cơ sở giết mổ gia cầm. Ảnh: C.K |
Phát hiện nhiều cơ sở vi phạm về ATTP
Từ đầu năm 2017 đến nay, các Chi cục trực thuộc Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra 190 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản và lấy 18 mẫu thực phẩm gửi phòng kiểm nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng ATTP. Qua đó, phát hiện 27 trường hợp vi phạm và 1 mẫu không đạt yêu cầu, tiến hành xử phạt với số tiền 62,6 triệu đồng. Qua kiểm tra tại 8 cơ sở giết mổ động vật, 154 cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật đã tiến hành xử phạt 25 trường hợp có hành vi vi phạm với số tiền gần 43 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng đã tổ chức kiểm tra ATTP đối với 87 cơ sở kinh doanh và sản xuất thực phẩm, phát hiện 61 cơ sở không đạt về ATTP nên tiến hành xử phạt với số tiền hơn 153 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy tập huấn ATTP, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Ngoài ra, ngành Y tế tiến hành kiểm tra 2.669 cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống, qua đó phát hiện 166 cơ sở có hành vi vi phạm và không đạt tiêu chuẩn.
Đặc biệt, trong 3 tháng qua, ngành NN&PTNT đã thực hiện lấy 45 mẫu rau, trái cây gửi phân tích các chỉ tiêu ATTP (dư thuốc bảo vệ thực vật). Kết quả, phát hiện 1 mẫu xoài có tồn dư hóa chất thuốc bảo vệ thực vật Carbendazim mức 2,0431 mg/kg, vượt so với quy định (mức hạn cho phép là 2 mg/kg). Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT cũng lấy 26 mẫu thủy sản gửi phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng, tồn dư kháng sinh. Đã có kết quả 20 mẫu, trong đó có 14 mẫu có mức tồn dư kim loại nặng không vượt giới hạn tối đa cho phép quy định, 1 mẫu thủy sản có tồn dư chỉ tiêu kim loại nặng Cadimi mức 64,76 mg/kg (mức theo quy định là 50 mg/kg). Ngoài ra, Ban quản lý các chợ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu thử nhanh các chỉ tiêu chất cấm tại những hộ tiểu thương các chợ, đặc biệt nhóm mặt hàng thực phẩm như bún, mỳ, phở, bánh cuốn, bánh đúc, măng, dưa cải, chả bò, chả heo… Song song với đó, ngành y tế cũng lấy 113 mẫu xét nghiệm, trong đó 97 mẫu xét nghiệm nhanh chỉ tiêu hàn the, chất tẩy trắng, phẩm màu (1 mẫu không đạt chỉ tiêu hàn the); 16 mẫu xét nghiệm Natri benzoat và Kali, chất tạo ngọt, cafein, phẩm màu. Qua đó, phát hiện 3 mẫu chả và 1 mẫu bò khô không đạt chỉ tiêu Natri benzoat, 1 mẫu chả không đạt chỉ tiêu Kali sorbat, 1 mẫu chả không đạt cả 2 chỉ tiêu Natri zoat và Kali sorbat…
Cán bộ Chi cục Thú y lấy mẫu nước tiểu thử nhanh chất tạo nạc trong heo tại cơ sở giết mổ gia súc. Ảnh: C.K |
Thêm 10 nhà cung cấp rau an toàn cho Đà Nẵng
Trong quý I-2017, tại chợ đầu mối Hòa Cường, tổng lượng hàng nhập về gần 8.000 tấn trái cây từ 86 nhà cung cấp ở 9 tỉnh trong nước và 3 đơn vị nhập khẩu; hơn 9.000 tấn rau từ 31 đơn vị cung cấp ở 5 tỉnh trong nước. Tại chợ thủy sản Thọ Quang có 1.826 lượt tàu thực hiện kê khai với sản lượng khai báo hơn 8.700 tấn và gần 1.750 lượt ô-tô kê khai với sản lượng khai báo gần 1.880 tấn (tỷ lệ kê khai tàu đạt 99,75%, xe ô-tô đạt 100%).
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP thành phố, đến nay đã có thêm 10 nhà cung cấp rau an toàn của tỉnh Lâm Đồng tham gia cung ứng rau an toàn cho thành phố, nâng tổng số nhà cung ứng rau an toàn lên 13 đơn vị. Thời gian đến, thành phố sẽ tiến hành ký kết với tỉnh Quảng Nam về cung ứng rau, thịt an toàn cho Đà Nẵng. Ngoài ra, thành phố cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn khảo sát các tỉnh cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản cho Đà Nẵng như Bình Định, Quảng Ngãi… để tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất và cung ứng rau, thịt an toàn giữa các tỉnh với thành phố.
Ông Đặng Việt Dũng cho rằng, công tác phối hợp cung cấp thông tin của các ngành, địa phương vẫn còn chậm, chưa chủ động, đặc biệt là về nội dung văn bản quy phạm pháp quy về ATTP để thực hiện công tác hướng dẫn, truyền thông. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP ở quận, huyện đều kiêm nhiệm, không chuyên trách, vị trí công việc không ổn định nên công tác tham mưu còn hạn chế. Bên cạnh đó, số lượng báo cáo liên quan đến ATTP quá nhiều và liên tục nên không đủ nhân lực để thực hiện dẫn tới thời gian báo cáo bị trễ và số liệu không ổn định. Ngoài ra, đa số cán bộ phụ trách công tác ATTP tại xã phường là công tác kiêm nhiệm và chưa được đào tạo, tập huấn chuyên ngành về ATTP. Do đó việc triển khai theo dõi, nắm bắt tình hình ATTP trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
"Công tác đảm bảo ATTP là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của người dân. Chính vì vậy, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần phải tích cực thực hiện một cách xuyên suốt. Trong thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTP, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt và lâu dài. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện của từng quý. Tuy nhiên, kế hoạch không cần phải rườm rà mà chỉ nên tập trung vào những vấn đề chính, trọng tâm cần phải làm ngay. Mục đích cuối cùng là phải đảm bảo cho chất lượng bữa ăn của người dân, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
Lê Hùng