Công tác dân vận của hệ thống chính trị đã tạo được sự đồng thuận xã hội cao
Tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm QP-AN, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân..., là những kết quả nổi bật mà Đà Nẵng đã đạt được qua 10 năm thực hiện Quyết định 290 của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo hội nghị. |
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 290 do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày hôm qua (11-6), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, kết quả nổi bật nhất phải kể đến là nhận thức của cấp ủy và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò công tác dân vận, nhất là nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về công tác dân vận của chính quyền được nâng lên. Nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước; cải cách kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả, nhiều dự án trọng điểm được triển khai tạo động lực phát triển; văn hóa – xã hội đạt nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; những băn khoăn, lo lắng, bức xúc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân được tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, thỏa đáng...
Ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, sau 10 năm thực hiện Quy chế, nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan trên địa bàn quận đều có chuyển biến rõ rệt. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận từ Quận ủy đến từng chi bộ khu dân cư từng bước được xác định rõ hơn. Công tác dân vận của ngành chuyên môn khối các cơ quan nhà nước có tiến bộ, đổi mới, đặc biệt là kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính “1 cửa”, “1 cửa liên thông” được ưu tiên làm trước, làm tốt, được nhiều tỉnh, thành phố bạn đến tham quan học tập; chú trọng việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết kịp thời nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc nảy sinh... “Đến nay, có thể khẳng định nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận và phong cách, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, quan hệ với nhân dân có chuyển biến nhất định; sự phối hợp trong công tác dân vận giữa các ngành nội chính, lực lượng vũ trang với Ban Dân vận, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội quận, phường cũng chặt chẽ hơn bằng nhiều chương trình phối hợp liên tịch, chương trình thống nhất hành động; các phong trào thi đua yêu nước gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở và xây dựng điển hình “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Hùng nói.
Đại tá Lê Văn Chín, Phó Chính ủy Bộ CHQS thành phố cho biết, 10 năm qua, đã huy động 156 lượt đơn vị công an, quân đội đứng chân trên địa bàn tham gia làm công tác dân vận, thi công gần 44 ngàn mét đường bê-tông, nạo vét kênh mương nội đồng, san lấp đường, đắp bờ kè gần 7,5 ngàn mét; huy động gần 7 ngàn lượt CBCS với hơn 47 ngàn ngày công lao động... “Phát huy tinh thần chung sức xây dựng nông thôn mới, hàng năm, Đảng ủy, Bộ CHQS thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tại cơ sở tổ chức khảo sát, rà soát các tiêu chí chưa hoàn thành để có phương án hỗ trợ. Trong đó, tập trung giúp cơ sở xây dựng, nâng cấp, tu sửa các công trình công cộng, đường giao thông nông thôn; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách ổn định cuộc sống... Đặc biệt, trong thời gian tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19, lực lượng vũ trang thành phố luôn là đơn vị đi đầu trên các mặt trận, góp phần có hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh xảy ra”, Đại tá Chín cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, công tác dân vận được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mục tiêu cuối cùng là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Nhận thức được vai trò của công tác dân vận đối với sự phát triển của thành phố, qua 10 năm triển khai Quyết định 290, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Nổi bật như các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”, Chỉ thị 43 và Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... đã tạo được sự lan tỏa, chung tay hưởng ứng rất lớn của các tầng lớp nhân dân. “Chính những chương trình này cũng đem lại lợi ích và hướng đến người dân”, ông Lê Trung Chinh nói. Đồng thời nhìn nhận, với tinh thần “Đảng nói dân tin, Mặt trận, đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ” - là khẩu hiệu mà Đà Nẵng khởi xướng và thực hiện thành công không chỉ 10 năm qua mà nhiều năm trước đó.
Phải làm dân vận cho chính đội ngũ cán bộ, công chức
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đã đạt được qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 290 của Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định những kết quả này đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong xã hội và phát huy được sức mạnh đoàn kết, sự gắn bó của người dân với chính quyền và cấp ủy các cấp. “Đặc biệt, ở những thời điểm khó khăn, thách thức của đất nước, của thành phố, công tác dân vận đã góp phần giúp cho cả hệ thống chính trị vượt qua, như đại dịch Covid-19 chẳng hạn”, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Quảng nêu ví dụ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quảng, qua việc thực hiện Quyết định 290 đã khẳng định được vai trò của cơ quan dân vận, mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, tuy nhiên nhấn mạnh không chỉ có các cơ quan dân vận mới làm công tác dân vận, mà phải có sự đồng hành, đặc biệt là việc tổ chức thực thi của chính quyền các cấp, sự ủng hộ, giám sát và đồng hành của các tổ chức chính trị - xã hội và của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân và CBCS lực lượng vũ trang...
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác xây dựng đảng, đảm bảo sự gắn bó giữa Đảng với Dân. Để thực hiện vấn đề này, ông Quảng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu và thực hiện 12 văn bản của Trung ương và 21 văn bản của thành phố đã ban hành liên quan đến công tác dân vận. “Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và các cơ quan trong hệ thống chính trị thành phố cần tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức trong việc tổ chức thực hiện và coi công tác dân vận là biện pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, khắc phục các hạn chế, yếu kém và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, ông Quảng nhấn mạnh.
Lấy ví dụ, trong 5 biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 được nêu ra trong Chỉ thị 40 của Thành ủy có 1 biện pháp yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là dự án động lực nhưng trì trệ, kéo dài... Ông Quảng đặt vấn đề ai là người tháo gỡ, và chính ông trả lời “đó là những người thực thi công vụ”. “Hiện nay có một thực tế là Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy đang phải làm công tác dân vận cho cán bộ để làm sao cho cán bộ - người thực thi công vụ suy nghĩ đến biện pháp để tháo gỡ chứ không phải suy nghĩ đến biện pháp để trói vào. Thực tế có những dự án lớn gặp khó khăn, kéo dài hàng chục năm, nhưng đến nay, cán bộ chỉ tham mưu để không thể giải quyết được chứ không tham mưu để tháo gỡ, giải quyết. Ở đây có 2 trạng thái, 1 là sợ về mặt trách nhiệm, thứ 2 là không muốn làm, coi đó là hậu quả của thế hệ trước để lại và bây giờ mình không phải làm, trong khi đó người dân, doanh nghiệp thì cứ kêu”, ông Quảng thẳng thắn chỉ ra.
DOÃN HÙNG