“Công thức” kéo giảm tội phạm và tệ nạn ma túy của Bí thư Thành ủy Trần Thọ

Thứ năm, 21/08/2014 07:45

(Cadn.com.vn) - Làm thế nào để tội phạm và tệ nạn ma túy ít có đất sống trên địa bàn thành phố là câu hỏi được Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng - Trần Thọ đặt ra tại hội nghị đánh giá kết quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy 8 tháng năm 2014 do Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tổ chức vào ngày hôm qua (20-8). Và ngay tại hội nghị, đồng chí Trần Thọ đã đưa ra “công thức” khá độc đáo, đồng bộ để trả lời cho câu hỏi nêu trên. Vậy “công thức” đó là gì?

Diễn biến phức tạp

Theo Đại tá Lê Văn Tam – Thành ủy viên, Phó Giám đốc CATP, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn Đà Nẵng từ đầu năm đến nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Tính đến ngày 31-5-2014, toàn thành phố còn 1.888 người nghiện ma túy, tăng 248 người (15,12%) so với số liệu thống kê cuối năm 2013.

Đặc biệt, số tái nghiện lên đến 512 người, trong đó tái nghiện nhiều lần là 211 trường hợp. Tình hình người nghiện có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, tập trung ở độ tuổi thanh thiếu niên (chiếm 93%).

Số đối tượng nghiện, sử dụng ma túy còn ngoài cộng đồng nhiều và hầu hết chưa có việc làm (chiếm 85,3%). Công tác quản lý người nghiện, quản lý sau cai chưa đảm bảo yêu cầu đề ra (số tái nghiện còn chiếm tỷ lệ 27,12%), xu hướng sử dụng MTTH ngày càng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao (65,3%)...

8 tháng năm 2014, các lực lượng chuyên trách như CA, BĐBP đã xác lập, đấu tranh khám phá, phát hiện và bắt giữ 80 vụ, 117 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ 4,698kg cần sa; 868,7 gam MTTH; 30,12 gam heroin, 1 ô-tô, 56 xe máy và nhiều tang vật có liên quan. So với cùng kỳ năm 2013, bắt giữ nhiều hơn 8 vụ, 8 đối tượng, lượng MTTH tăng nhiều hơn 6%...

Đã phát hiện, xử lý 828 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy, ít hơn 295 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013 và đưa vào trung tâm cai nghiện chỉ có 77 đối tượng, ít hơn là 338 đối tượng (lệ 81,45%). Đây cũng là mối tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh người nghiện, tội phạm ma túy trong cộng đồng.

 Đồng chí Trần Thọ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

Lúng túng trong xử lý người nghiện

Một trong những nguyên nhân mà các ngành chức năng phát hiện, xử lý người nghiện ít hơn, theo Đại tá Lê Văn Tam là do Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực nhưng chậm được hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

Điều này đã gây tâm lý chờ đợi hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Hơn nữa, việc tạm dừng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc kể từ ngày 10-1-2014 mà chỉ xử phạt hành chính (phạt tiền) và giao cho gia đình bảo lãnh, giáo dục đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong việc phát hiện, cung cấp thông tin người nghiện cho cơ quan chức năng (vì có phát hiện người nghiện, báo cho lực lượng chức năng thì cuối cùng cũng thả về vì không đưa đối tượng vào Trung tâm 05-06 được).

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Út cũng cho rằng, hiện Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định người nghiện ma túy theo quy định tại Điều 10 Nghị định 221 và khoản 2 Nghị định 111, hơn nữa, trên địa bàn thành phố hiện chưa có bác sĩ, y sĩ có thẩm quyền (chứng chỉ) xác định người nghiện MTTH... nên lực lượng chức năng chưa thể áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vì vậy đã gây áp lực rất lớn đối với công tác quản lý người nghiện và ngăn chặn tội phạm ma túy.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố nêu thêm bất cập khi mà trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221 còn mất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn.

Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng có nhiều khó khăn trở ngại, nhiều nơi đã thực hiện hình thức này nhưng không thành công, trong khi đó pháp luật quy định thời gian cai nghiện ở gia đình, cộng đồng từ 6 đến 12 tháng, trong thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng không được đưa đi cai nghiện bắt buộc tập trung. Điều này sẽ gây ra hệ lụy lớn khi mà người nghiện được giao cho gia đình quản lý trong thời gian dài ngày sẽ rất khó khăn, thậm chí sẽ không thể quản lý được.

“Nếu cứ đủng đỉnh chờ hướng dẫn của Trung ương thì nguy cơ phát sinh tội phạm, người nghiện ma túy trong cộng đồng sẽ rất cao. Vì vậy, đề nghị thành phố chỉ đạo các ngành liên quan vận dụng các quy định của pháp luật để làm thế nào đó rút ngắn được thời gian chờ đợi, nhanh chóng đưa người nghiện vào Trung tâm 05-06”, bà Hưng nhấn mạnh.

Đại tá Lê Văn Tam báo cáo kết quả công tác PCTP ma túy 8 tháng năm 2014 tại Hội nghị.

“Công thức 1 giảm, 18 tăng” 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng dự thảo quy chế phối hợp, lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn.

Theo đó, sẽ gộp hai hình thức cai nghiện gia đình và cai nghiện cộng đồng thành một, với phương thức là tổ chức cắt cơn, giải độc tại Trung tâm Y tế quận, huyện hoặc Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng; sau đó đối tượng được chuyển về gia đình để phối hợp quản lý mà không tổ chức cắt cơn cai nghiện tại trạm y tế xã, phường theo quy định của Trung ương. Thống nhất biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng có thời gian từ 3 đến 6 tháng (theo Nghị định 94 là từ 6 đến 12 tháng).

Nội dung xác định người nghiện được căn cứ trên 2 yếu tố, đó là đã có hồ sơ xử lý về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, hoặc có văn bản khai báo của thân nhân gia đình, của bản thân người nghiện và có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy; đề xuất sử dụng một khu tại Trung tâm 05-06 để hình thành cơ sở quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định, giao cho Thành đoàn và Hội CCB quản lý giáo dục đối tượng trong thời gian lập hồ sơ. Đồng thời hình thành Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện cấp quận, huyện để khi có hồ sơ thì tổ chức thẩm định ngay và trong vòng 1 ngày sẽ chuyển tòa án thụ lý (rút ngắn xuống dưới 6 ngày).

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thọ thống nhất với một số kiến nghị, đề xuất của các ngành, đơn vị liên quan đến công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Đồng chí cho rằng, ma túy là hiểm họa của toàn nhân loại, ma túy tăng đồng nghĩa với các tội phạm khác cũng tăng theo, trong khi đó chúng ta đang phấn đấu xây dựng thành phố “5 không”, “thành phố đáng sống”.

“Mục đích chính tại hội nghị lần này là tìm giải pháp để kéo giảm tệ nạn và tội phạm liên quan đến ma túy. Giải pháp đưa ra là muốn giảm thì phải tăng. Ở đây là 1 giảm và 18 tăng. Giảm là giảm ma túy, còn tăng là tăng các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa. Cụ thể 18 cái tăng là: Tăng tuyên truyền giáo dục, tăng quản lý phòng ngừa, tăng kiểm tra và phát hiện, tăng cai nghiện tập trung, tăng sử dụng mathedone, tăng quản lý sau cai, tăng xét xử lưu động, tăng mức án phạt tù, tăng phối hợp liên ngành, tăng trách nhiệm gia đình, tăng đoàn thể vào cuộc, tăng giải quyết việc làm, tăng quản lý nhà trọ, tăng nhiệm vụ công an, tăng giám định y tế, tăng đầu tư ngân sách, tăng khen thưởng kịp thời và tăng chỉ đạo thường xuyên”, đồng chí Trần Thọ nêu giải pháp.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, nếu làm tốt “công thức” này, chúng ta sẽ hạn chế được tối đa tội phạm và tệ nạn liên quan đến ma túy. Nói cách khác, tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ có ít đất sống tại thành phố Đà Nẵng.

Doãn Hùng