Công ty cà-phê phá sản, cả ngàn hộ dân khốn đốn

Thứ ba, 21/06/2016 10:26

(Cadn.com.vn) - Kể từ khi Cty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị (Cty Vinacafe Quảng Trị), 100% vốn của Nhà nước phá sản, đời sống của cả ngàn hộ dân nghèo ở huyện miền núi A Lưới (TT-Huế) vốn sống nhờ vào cây cà-phê rơi vào cảnh khốn đốn.

Dân khốn đốn

Năm 2001, Cty Vinacafe Quảng Trị (trụ sở tại TT Khe Sanh, H. Hướng Hóa, Quảng Trị) kết hợp với xã Nhâm (H. A Lưới, TT-Huế) trồng hơn 380 ha cà-phê theo hình thức, Cty đầu tư giống, phân bón; còn hàng trăm hộ dân góp đất sản xuất... Thời điểm ban đầu mới đưa vào trồng, cây cà-phê mang lại thu nhập khá cao cho người dân tại xã Nhâm vì phần lớn sản phẩm làm ra đều được Cty thu mua với giá khá cao. Thế nhưng, niềm vui của hàng trăm hộ dân "ngắn chẳng tày gang" khi năm 2010, Cty Vinacafe Quảng Trị bất ngờ tuyên bố phá sản.

Để cứu các diện tích cây cà-phê còn lại, UBND H. A Lưới đã để đề nghị Cty Vinacafe Quảng Trị giao cho người dân chăm sóc và hưởng lợi từ sản phẩm trong thời gian chờ thanh lý Cty này. Ban quản lý diện tích cây cà-phê đã cho các hộ dân tạm ứng 130 tấn phân bón với giá trị 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, không lâu sau đó Cty này đã nộp hồ sơ tuyên bố phá sản lên TAND tỉnh Quảng Trị, đồng thời TAND Quảng Trị đã có Quyết định số 07/2011/QĐ-TLTQLTL về thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản vụ phá sản này. Năm 2012, Cty CP định giá EXIMA có 2 chứng thư thẩm định giá theo hợp đồng với Tổ quản lý, thanh lý tài sản vụ phá sản của Cty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị. Mức định giá mà cơ quan chức năng đưa ra với diện tích cà-phê hơn 35 tỷ đồng, nhà máy chế biến cà-phê hơn 4,7 tỷ đồng. Trong khi đó, đa phần diện tích cà- phê này đã hoang tàn, thời hạn sử dụng đất và chu kỳ khai thác cây cà- phê chỉ còn vài năm...

Nhiều hộ dân ở xã Nhâm (H. A Lưới) chặt bỏ cây cà-phê để chuyển sang trồng cây ngắn ngày.

Vườn cà-phê 1,5 ha của gia đình ông Quỳnh Ông ở xã Nhâm được trồng từ năm 2001, theo hình thức nhận khoán chăm sóc cho Cty Vinacafe và hưởng lợi sau khi thu hoạch. Trước đây, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 60 triệu đồng từ diện tích cây cà-phê. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay vườn cà-phê này đã bị bỏ hoang, do cà-phê rớt giá. Cũng giống như gia đình ông Quỳnh Ông, hàng chục hộ dân ở vùng giáp ranh biên giới Việt-Lào (gần nhà máy chế biến Vinacafe Quảng Trị) đang chặt bỏ cây cà-phê trồng gần 10 năm nay để trồng cây sắn. "Do giá cà-phê hạt rớt giá, công ty phá sản nên bà con đành chặt bỏ để trồng sắn, trồng bắp "cầm cự" qua ngày", anh Kăn Lin ở xã  Nhâm nói.

Ông Phạm Minh Cải, Chủ tịch UBND xã Nhâm cho biết, mấy năm trước cà- phê tươi có giá 12 ngàn đồng/kg thì nay chỉ khoảng 3 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, công hái 1kg đã 2.500 đồng, chưa tính tiền giống, phân bón, tiền công chăm sóc. Vì rứa từ diện tích trồng 350 ha, nay cả xã chỉ còn chưa đến 20 ha. Còn ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND H. A Lưới, cho rằng: Với số tiền định giá của cơ quan chức năng, thì một huyện nghèo như A Lưới là điều quá sức. Hơn nữa, đa số các hộ dân tham gia chương trình này đều là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, đời sống còn khó khăn. Việc Cty tuyên bố phá sản khiến hàng trăm diện tích cây cà-phê của người dân đành bỏ hoang nhiều năm nay vì không tìm được đầu ra.

Nhà máy chế biến cà-phê tại xã Nhâm của Cty Vinacafe Quảng Trị hoang tàn, xuống cấp.

"Bỗng dưng" mắc nợ

Tháng 9-2015, TAND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 02/2015/QĐ-TBPS tuyên bố phá sản Cty Vinacafe Quảng Trị. Theo đó, trong quyết định thu hồi về thi hành án (THA) và quyết định ủy thác THA của Cục THA dân sự tỉnh Quảng Trị gửi về cho Chi cục THA H. A Lưới (TT-Huế), có 721 hộ dân tại H. A Lưới nợ Cty Vinacafe Quảng Trị tiền vật tư nông nghiệp với số tiền hơn 2 tỷ đồng (mỗi hộ nợ từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng). Đầu năm 2016, Chi cục THADS H. A Lưới đưa thông báo nợ tiền của Cty về xã, thì các hộ dân đều bất ngờ, bởi không có bất cứ hóa đơn chứng từ nào để khẳng định các hộ dân này mắc nợ. Tìm đến những hộ dân có tên trong bản danh sách, tất cả đều ngơ ngác vì số nợ từ trên trời rơi xuống này.

Ông Quỳnh Lặp (thôn A Bung, xã Nhâm) là một trong hàng trăm người có tên trong bản danh sách nợ của Cty với số tiền nợ gần 6,5 triệu đồng. Ông Lặp hoàn toàn không biết mình có tên trong bản danh sách này, bởi diện tích cây cà-phê của gia đình đã chặt từ lâu, không hề mắc nợ. Tương tự, hộ anh Quỳnh Đẹp (thôn Tân Hội, xã Hồng Bắc) khi hỏi về khoản nợ hơn 5 triệu đồng mà Cty Vinacafe ra thông báo, anh Quỳnh Đẹp nói không hề hay biết về khoản nợ này. Tương tự, hàng trăm hộ dân ở H.A Lưới khi được chính quyền xã, cơ quan chức năng thông báo về việc nợ tiền của Cty Vinacafe họ đều rất hoang mang, bất ngờ...

Ông Trần Ngọc Điểm, Chi cục Trưởng Cục THADS H. A Lưới cho biết, sau khi nhận được ủy thác THA của Cục THADS tỉnh Quảng Trị về việc 721 hộ dân ở H.A Lưới nợ Cty Vinacafe Quảng Trị với số tiền hơn 2 tỷ đồng, đơn vị đã nhiều lần đi về các xã xác minh nhưng hầu hết, các hộ có tên nợ trong danh sách đều cho rằng không mắc nợ Cty. "Danh sách các hộ nợ tiền của Cty Vinacafe tập trung nhiều nhất là ở xã Nhâm. Một số hộ nói, trước đó họ có lấy giống, phân bón nhưng sau khi thu hoạch đã nộp sản lượng cà-phê lại cho Cty nhưng Cty quên không trừ ra". Ông Điểm cho rằng, đối với số tiền nợ của 721 hộ dân ở H.A Lưới mà TAND tỉnh Quảng Trị tuyên, không hề có một chứng từ hay bất cứ một giấy tờ nào liên quan để chứng minh việc các hộ dân đó mắc nợ nên rất khó đòi.

Ông Phạm Minh Cải, Chủ tịch UBND xã Nhâm, nói: Việc Cty thu hồi nợ tại thời điểm này là hoàn toàn vô lý. Bởi theo ông Cải, trong thời gian nhà máy còn hoạt động thì việc thu hồi nợ là hợp lý, hiện tại Cty đã phá sản thì không còn cơ sở để thu hồi nợ. Cũng theo ông Cải, hiện nhà máy thu mua và chế biến nông sản của Cty Vinacafe ở xã Nhâm đang bị bỏ hoang trên diện tích hàng ngàn mét vuông, đa phần các công trình và hạng mục của nhà máy này đã bị hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng, để hoang lâu ngày không vận hành. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm có phương án giải quyết những tài sản này để tránh lãng phí tiền của Nhà nước.

Hải Lan