Công ty phá sản, công nhân khiếu nại đòi tiền trợ cấp

Thứ sáu, 13/01/2017 10:27

(Cadn.com.vn) - Hơn 1 năm qua, 7 công nhân tại Công ty TNHH MTV Tôn Liên Chiểu (viết tắt: Cty TLC) bị chấm dứt hợp đồng lao động, gồm: Lê Văn Dũng, Lê Thanh Thanh Thắng, Đỗ Đình Huân, Lê Văn Khoa, Võ Văn Trung, Hồ Văn Hùng, Hồ Thị Thơm vẫn chưa nhận được số tiền trợ cấp thôi việc là 325.875.500 đồng. Loay hoay mãi với việc khiếu nại, yêu cầu Cty TLC thanh toán tiền trợ cấp nhưng nay càng khó hơn vì ngày 6-12-2016, Cty TLC đã được Tòa án TP Đà Nẵng quyết định tuyên bố phá sản. Vậy tại sao khi làm các thủ tục tuyên bố phá sản, Cty TLC không thanh toán trợ cấp nghỉ việc cho người lao động?

Theo tìm hiểu của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, Cty TLC được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2007, trụ sở đóng tại đường số 7, KCN Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Sau 8 năm đi vào hoạt động, Cty TLC “ngập” trong nợ nần (nợ thuế, nợ ngân hàng và nợ người lao động) với tổng số tiền hơn 149 tỷ đồng. Do làm ăn thua lỗ, sản xuất bị bế tắc, các khoản nợ khó có khả năng giải quyết, tài sản của doanh nghiệp không còn nữa, ngày 23-9-2016, các chủ nợ đã mở hội nghị và ra nghị quyết đề nghị tuyên bố phá sản đối với Cty TLC. Căn cứ vào nghị quyết của hội nghị chủ nợ và tình hình thực tế của công ty, ngày 21-10-2016, Tòa án Q. Liên Chiểu đã quyết định tuyên bố phá sản đối với Cty TLC.

Không đồng tình với phán quyết của tòa án, 7 công nhân đã nghỉ việc của Cty TLC làm đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án TP Đà Nẵng xem xét lại quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án Q. Liên Chiểu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, khi xem xét đầy đủ toàn bộ quá trình giải quyết và những chứng cứ có tại hồ sơ, Tổ Thẩm phán Tòa án TP Đà Nẵng không chấp nhận đơn đề nghị xem xét lại quyết định tuyên bố phá sản. Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Dũng (đại diện cho 7 công nhân đã nghỉ việc của Cty TLC), cho biết: "Đây là số tiền mồ hôi, nước mắt của anh em chúng tôi nhưng bây giờ không biết cơ quan nào có trách nhiệm hoàn trả và cũng không biết đến bao giờ mới nhận được số tiền này... Vì, toàn bộ tài sản của công ty đã bị Ban giám đốc bán hết từ năm 2015". Về việc này, P.V đã trao đổi qua điện thoại với ông Huỳnh Minh Hùng, nguyên Giám đốc Cty TLC và được biết, việc bán tài sản của Cty TLC do Công ty Xây lắp & Công nghiệp tàu thủy miền Trung quyết định và việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp là do các chủ nợ quyết định. “Chúng tôi có sai sót trong quá trình lập hồ sơ tuyên bố phá sản là không cung cấp kịp thời số tiền phải thanh toán cho 7 công nhân đã chấm dứt hợp đồng lao động cho quản tài viên. Do đó, khi hội nghị chủ nợ diễn ra vào ngày 23-9-2016, những công nhân này không được tham dự hội nghị với tư cách là chủ nợ. Tuy nhiên, chúng tôi đã kịp thời bổ sung và đề nghị Tòa án xem xét, yêu cầu đơn vị tiếp quản công nợ có trách nhiệm ưu tiên giải quyết”, ông Hùng cho hay.

Một số công nhân của Cty TLC đã chấm dứt hợp đồng lao động
nhưng chưa được thanh toán trợ cấp.

Tiếp tục tìm hiểu sự việc, tại Quyết định số 01, ngày 6-12-2016 của Tòa án TP Đà Nẵng về việc xem xét lại tuyên bố phá sản doanh nghiệp đối với Cty TLC, Tổ Thẩm phán xác định: Ngoài khoản nợ các ngân hàng, Cục Thuế Đà Nẵng... số tiền hơn 149 tỷ đồng, một số cá nhân, doanh nghiệp khác còn nợ Cty TLC số tiền gần 1,5 tỷ đồng tiền hàng. Đồng thời, tuân thủ nguyên tắc ưu tiên giải quyết chế độ cho người lao động, tại Quyết định số 01 cũng ghi rõ: Giao Công ty Tài chính công nghiệp Tàu thủy có trách nhiệm đôn đốc, thu hồi khoản nợ trên và ưu tiên thanh toán 325.875.500 đồng tiền trợ cấp thôi việc cho 7 công nhân của Cty TLC.

Như vậy, xét về thủ tục, trình tự tuyên bố phá sản đối với Cty TLC được các cơ quan chức năng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Nhưng xem ra việc chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động thì vẫn phải... chờ.  Vì, còn tùy thuộc vào quá trình thu hồi công nợ của Công ty Tài chính công nghiệp Tàu thủy. Hy vọng, gần 1,5 tỷ đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp nợ Cty TLC sẽ sớm được thu hồi để trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

M.T