Cosevco thoái vốn Nhà nước trái luật?
(Cadn.com.vn) - Nhiều lao động đang tỏ ra bức xúc trước việc thoái vốn Nhà nước trái quy định của Tổng Cty Miền Trung (Cosevco) tại một đơn vị thành viên ở Đà Nẵng.
Cty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng (CICO) tiền thân là một Cty chủ lực của Cosevco, tới năm 2005 thì cổ phần hóa, Cosevco nắm giữ hơn 44% phần vốn Nhà nước. Ông Phạm Thụy Anh- Giám đốc CICO cho biết, năm 2009, trước Đại hội cổ đông thường niên 1 ngày, Cosevco đột ngột đổi người đại diện giữ phần vốn Nhà nước tại CICO. Cụ thể, ông Hồ Sỹ Thái, nguyên Giám đốc chi nhánh CICO tại Quảng Trị dù có nhiều vi phạm về quản lý tài chính vẫn giữ chức Giám đốc CICO.
Trong thời gian điều hành CICO từ năm 2009 đến 2012, ông Thái đã làm Cty thua lỗ liên tục và có nhiều vi phạm về mặt tài chính và quản lý. Các cán bộ công nhân viên nghỉ việc hàng loạt mà không được giải quyết chế độ do Cty không thực hiện nghĩa vụ nộp Bảo hiểm xã hội. Năm 2012, do quá bức xúc, cán bộ công nhân viên đã yêu cầu lãnh đạo CICO thành lập ban kiểm tra để kiểm tra các hoạt động tài chính của Cty. Từ đó, đã phát hiện ra rất nhiều vi phạm của ông Hồ Sỹ Thái trong thời gian điều hành Cty. Ông Thái bị miễn nhiệm chức Giám đốc và yêu cầu phải khắc phục tài chính phần cá nhân do ông chiếm dụng, chi sai nguyên tắc hơn 1,9 tỷ đồng cho Cty.
Theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Cty, mỗi năm phải tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 1 lần, tuy nhiên từ năm 2013 đến nay CICO không tổ chức Đại hội lần nào. Việc này khiến cổ đông rất bức xúc do không nắm được các thông tin về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của Cty. Càng bức xúc hơn khi giữa tháng 6 vừa qua, Cosevco có văn bản thông báo về việc bán phần vốn Nhà nước do mình nắm giữ tại CICO gồm hơn 268 ngàn cổ phần. Chỉ 10 ngày sau khi CICO nhận được văn bản thông báo bán phần vốn Nhà nước của Cosevco thì cũng là lúc có 2 nhà thầu đã nộp tiền đặt cọc mua số cổ phần trên. Đó là ông Hồ Sỹ Thái và Cty Cổ phần tư vấn Miền Trung (Quảng Trị), nơi mà ông Thái đang làm Chủ tịch HĐQT. Ngày 6-7, Cosevco đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trên cho Cty Cổ phần tư vấn Miền Trung, sau khi Cty này trúng thầu.
Nhiều lao động đang làm việc tại CICO đang lo lắng và bức xúc xung quanh việc thoái vốn của Cosevco. |
Ông Phạm Thụy Anh cho rằng, việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần này là vi phạm nghiêm trọng Điều lệ hoạt động của Cty. Cụ thể, Điều lệ ghi rõ cổ phần của HĐQT trong thời gian đương nhiệm và 2 năm sau khi thôi giữ chức danh trên thì không được chuyển nhượng. Trong khi ông Nguyễn Văn Hội đang là Chủ tịch HĐQT, ông Lê Minh Tuấn thành viên HĐQT, cả hai đại diện phần vốn của Cosevco đều đang đương nhiệm. Ông Anh cho rằng, đáng lẽ Cosevco cần thông báo việc bán cổ phần ít nhất 30 ngày để cán bộ nhân viên của CICO ở Đà Nẵng và 3 chi nhánh khác có điều kiện chuẩn bị tài chính, cân nhắc mua cổ phần, bởi họ chính là những người gắn bó lâu năm với Cty, được ưu tiên mua cổ phần. Thế nhưng, Cosevco lại chuyển cổ phần cho đối tượng khác một cách vội vã, thất thường, thiếu minh bạch, có sự sắp đặt trước.
Mặt khác, ông Phạm Thụy Anh cũng cho rằng, số cổ phần mà Cosevco bán là vốn Nhà nước, Cosevco chỉ là tổ chức sở hữu số cổ phần này, còn đại diện pháp danh là CICO, về mặt chủ thể thì CICO mới là đơn vị đứng ra chào bán số cổ phần này mới có giá trị pháp luật. Việc Cosevco làm hợp đồng chuyển nhượng cho đối tác khác không có giá trị pháp lý.
Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Lê Thiết Hiệu- Chủ tịch HĐQT Cosevco cho rằng, phần vốn này của Cosevco thì do Cosevco tự định đoạt chứ sao lại do người khác định đoạt được. Ông Hiệu cũng nói rằng, Chủ tịch HĐQT của CICO (tức ông Hội-PV) là đại diện cho Cosevco chứ không phải cổ đông cá nhân, nên theo điều lệ của Cty sau 3 năm tham gia, được quyền chuyển nhượng cổ phần. Xung quanh phản ánh cho rằng việc chuyển nhượng cổ phần vội vã, thất thường, ông Hiệu cho biết từ năm 2012 Cosevco đã có kế hoạch, phương án thoái vốn nhưng do gặp khó khăn, đặc biệt dự án trụ sở của CICO nằm trong khu vực giải tỏa nên chưa triển khai được.
Về việc bán cổ phần cho Cty nơi ông Thái đang làm Chủ tịch HĐQT, ông Hiệu nói: Theo mình có tính toán gì đó, sợ không ai mua vì giá cổ phần nó lỗ nhiều năm, lỗ nhiều lắm. Nên sau khi đấu thầu thành công theo quy định vài ngày thì làm hợp đồng chuyển nhượng. Mới đây tôi biết thông tin anh Hòa (Hồ Sỹ Hòa- Giám đốc Cty trúng thầu - PV) là em trai anh Thái, thì ai đấu thầu trúng thì trúng thôi”. Về phản ánh phải ưu tiên bán cổ phần cho cán bộ nhân viên gắn bó với Cty, ông Hiệu nói việc ưu tiên khi các bên cùng đưa mức giá như nhau, chứ không phải người bên ngoài trả giá 7 đồng/cổ phần, còn người trong Cty trả 6 đồng/cổ phần lại ưu tiên cho người trong Cty. Điều này là sai quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT CICO, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư Cosevco nói, việc chuyển nhượng cổ phần này đúng quy trình pháp luật, có kế hoạch, phương án và đã đăng tin trên báo chí liên tục 3 số theo quy định. Về việc không tổ chức Đại hội cổ đông từ năm 2013 đến nay, ông Hội thừa nhận khiếm khuyết và cho rằng do Cty liên tục thua lỗ, không có phương án khắc phục, họp cũng chẳng biết nói gì.
Hải Hậu